Thứ sáu, 22/11/2024 - 15:35

Khoa học công nghệ: Chìa khóa tạo bước đột phá trong xây dựng Nông thôn mới

 Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới triển khai thời gian qua tiếp tục đạt được những kết quả toàn diện, tích cực. Trong đó, khoa học và công nghệ được xác định là nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình, góp phần phát triển bền vững trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội và môi trường khu vực nông thôn.

Thành tựu to lớn có tính bước ngoặt lịch sử

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới ở nước ta được chính thức triển khai sau 10 năm thí điểm (từ 2000-2009). Trong quá trình triển khai thực hiện, Việt Nam đã học hỏi khá nhiều bài học quý báu của các nước có điều kiện tương tự trên thế giới và khu vực.

Mặc dù vậy, việc nhận diện mô hình Nông thôn mới trong điều kiện Việt Nam và con đường đi đến mô hình đó trong bối cảnh nông thôn có xuất phát điểm thấp, nguồn vốn thiếu thốn, đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của các vùng miền, dân tộc rất khác biệt và phức tạp, đã đặt ra những thách thức không nhỏ.

Trước tình hình như vậy, sự vào cuộc của khoa học và công nghệ đồng hành cùng Nông thôn mới là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, ngay bản thân khoa học và công nghệ cũng cần lột xác, cần có cách tiếp cận mới để thực sự là người bạn đồng hành tin cậy. Đối với cách tiếp cận bao trùm và toàn diện của xây dựng Nông thôn mới thì khoa học công nghệ cũng cần phải có cách tiếp cận như thế.

Khoa học công nghệ: Chìa khóa tạo bước đột phá trong xây dựng Nông thôn mới

Thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học trong phát triển nông nghiệp

Đó chính là lý do vì sao có riêng một chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới. Chương trình đã tập hợp đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia trong nhiều chuyên ngành khoa học xã hội và khoa học công nghệ hàng đầu cả nước, để họ đứng trong một hệ thống kết nối, hợp tác chặt chẽ với nhau, cùng dốc lòng phục vụ sự nghiệp Nông thôn mới.

GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới Trung ương nhấn mạnh: Thành tựu to lớn có tính bước ngoặt lịch sử của xây dựng Nông thôn mới 10 năm qua là sự khẳng định vai trò đóng góp của Chương trình khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, không thể nhận ra những giá trị thực tế, những bài học kinh nghiệm thiết thực của chương trình này nếu chỉ đánh giá một cách khái quát như vậy.

“Đến nay Chương trình khoa học công nghệ phục vụ Nông thôn mới đã được hầu hết các tổ chức khoa học công nghệ lớn của cả nước tham gia. Trong đó có hai Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ và Khoa học Xã hội, hai trường Đại học Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Thu hút 36 doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trên cả nước trực tiếp tham gia.

Khoa học công nghệ: Chìa khóa tạo bước đột phá trong xây dựng Nông thôn mới

Nhờ có ứng dụng khoa học công nghệ nên năng suất, chất lượng nông sản ngày càng tăng cao

Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới cũng đã triển khai được nhiều nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm. Trong đó, phải kể đến các mảng nghiên cứu tiêu biểu, giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, kết nối hài hòa nông thôn - đô thị; Hay thúc đẩy cơ cấu lại ngành, liên kết chuỗi bền vững; Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; Phát triển đời sống văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan và không gian sống tốt ở nông thôn”, GS.TS Nguyễn Tuấn Anh nói.

“Chìa khóa” xây dựng Nông thôn mới

Thống kê của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho thấy, đến nay, đã có hơn 200 quy trình và giải pháp công nghệ, 1.735 công trình kỹ thuật, máy móc, thiết bị được chuyển giao, chương trình khoa học công nghệ thể hiện được những tác động thiết thực đến kết quả xây dựng Nông thôn mới thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế nông nghiệp.

Là đơn vị trực tiếp hưởng thụ từ các dự án của chương trình, ông Hồ Sỹ Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn (Nghệ An) chia sẻ: Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào chương trình xây dựng Nông thôn mới tại Nam Đàn đã có nhiều kết quả nổi trội như: Mô hình rau dưa lưới tại xã Kim Liên có hiệu quả, mô hình gà trọi, mô hình hồng; sen… Nam Đàn cũng đã có những sản phẩm OCOP về lĩnh vực du lịch từ đó góp phần thay đổi bộ mặt cảnh quan nông thôn, đời sống người dân được cải thiện.

Khoa học công nghệ: Chìa khóa tạo bước đột phá trong xây dựng Nông thôn mới

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ được xem là chìa khóa tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết: Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới sẽ tập trung vào 3 mục tiêu đó là tiếp tục hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Đồng thời đề xuất được các giải pháp khoa học, công nghệ phục vụ phát triển nền nông nghiệp có trách nhiệm theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; Giải pháp tổng hợp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn…

Đặc biệt là xây dựng và nhân rộng được các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực.

"Để thực hiện được các mục tiêu trên, chương trình cũng sẽ tập trung vào các nội dung, nghiên cứu hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách; Giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn bền vững; Xây dựng các mô hình Nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để phát triển kinh tế, xã hội; Thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức xã hội và quảng bá thành tựu khoa học công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới" Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết thêm.

Khoa học công nghệ: Chìa khóa tạo bước đột phá trong xây dựng Nông thôn mới

Thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng và nhân rộng được các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của từng địa phương

Có thể khẳng định, kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đã phát huy cao độ trí tuệ, kinh nghiệm tổng hợp của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân; Đồng thời, cung cấp công cụ đa năng, hữu hiệu cho các ngành, các địa phương thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao, tạo nên những thành tựu quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới.

Do đó, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ được xem là chìa khóa tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và là động lực quan trọng để thực hiện, hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Trên cơ sở đó, thời gian tới, các cấp, ngành liên quan tiếp tục xây dựng, đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; Tập trung nghiên cứu sử dụng giống cây, giống con; Các giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích các nhà khoa học, thu hút doanh nghiệp, huy động nguồn lực... nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Lượt xem: 81
Tác giả: Khắc Nam
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật