Thứ hai, 25/11/2024 - 18:56

Kinh doanh nhà hàng với bài toán an toàn thực phẩm

Kinh doanh nhà hàng không chỉ đòi hỏi khả năng quản lý, kinh doanh và chăm sóc khách hàng mà còn yêu cầu các chủ nhà hàng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để thu hút thực khách, các nhà hàng luôn hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh ăn uống an toàn. Các thực khách ngày càng quan tâm đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thành phố Hà Nội đang bước vào những tháng cao điểm nắng nóng, thực phẩm vào mùa này cũng dễ bị hư hỏng, do đó, nhiều nhà hàng chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Hoàng Nam, đầu bếp lâu năm tại một nhà hàng trên địa bàn TP Hà Nội, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong bữa ăn cho các thực khách luôn chú trọng, quan tâm thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát chất lượng bữa ăn, đảm bảo an toàn cho bữa ăn của thực khách.

Kinh doanh nhà hàng với bài toán an toàn thực phẩm
Kho lạnh công nghiệp bảo quản thực phẩm cho nhà hàng tốt hơn

"Các nhân viên nhà bếp tại nhà hàng của chúng tôi đã được tham gia tập huấn các kỹ năng về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Được hướng dẫn về các khâu, các bước, quy trình sơ chế, chế biến thực phẩm”, anh Nguyễn Hoàng Nam.

Đầu tiên, vệ sinh an toàn thực phẩm phải đảm bảo từ khâu nhập hàng, các thực phẩm nhập vào cần đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy kiểm dịch.

Trước khi thực phẩm nhập kho, nhà hàng luôn quản lý chặt chẽ với nguồn hàng tránh các sản phẩm bị hỏng hoặc kém chất lượng gây ảnh hưởng đến chất lượng và hương vị của món ăn, hậu quả xấu hơn có thể xảy ra đó chính là gây ngộ độc thực phẩm với khách.

Tiếp đó, nhà hàng có quy trình bảo quản thực phẩm phù hợp với từng loại rau, củ, quả, thực phẩm khác nhau để đạt được hiệu quả tốt nhất và giữ được độ tươi ngon của sản phẩm. Việc bảo quản thực phẩm cũng giúp duy trì tối đa hóa thời gian sử dụng sản phẩm.

Bên cạnh đó, các khu chức năng tại nhà hàng cũng thiết kế, bố trí khoa học. Tại đây, khu bếp của nhà hàng được thiết kế có khu sơ chế nguyên liệu thực phẩm, chế biến nấu nướng, bảo quản thức ăn; khu ăn uống; Kho nguyên liệu thực phẩm, lưu trữ bảo quản thực phẩm đã bao gói sẵn riêng biệt; khu rửa tay và nhà vệ sinh cách biệt.

Nơi chế biến thức ăn được nhà hàng bố trí theo nguyên tắc một chiều; Có đủ những dụng cụ chế biến, bảo quản, sử dụng riêng đối với những thực phẩm tươi sống - thực phẩm đã qua chế biến; có đầy đủ dụng cụ chia, gắp và chứa đựng thức ăn, dụng cụ ăn uống cần bảo đảm sạch sẽ và vệ sinh hàng ngày; Trang bị găng tay sạch dùng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; có đầy đủ các trang thiết bị phòng chống ruồi - dán - côn trùng và động vật gây bệnh.

Kinh doanh nhà hàng với bài toán an toàn thực phẩm
Nhà hàng sạch sẽ, thoáng mát mang lại sự tin tưởng của khách hàng

Kế tiếp là khu vực ăn uống được nhà hàng bố trí không gian thoáng mát, bàn ghế thường xuyên bảo đảm sạch sẽ; Có đủ các trang thiết bị phòng chống côn trùng, dán, ruồi và động vật gây bệnh; có bồn để rửa tay và nhà vệ sinh phù hợp với công suất phục vụ khách hàng.

Nhà bếp là khu vực chuyên biệt với rất nhiều những quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo chất lượng món ăn cũng như tránh những rủi ro không đáng có. Nhân viên nhà bếp và Đầu bếp nên mặc đồng phục, tạp dề và mũ sạch sẽ theo quy định khi làm việc trong bếp.

Theo đó, nhân viên nhà bếp luôn mặc đồng phục; Đầu tóc sạch, gọn gàng; Móng tay cắt ngắn; Tay phải được rửa kỹ bằng xà phòng, nước và lau khô...

Anh Hoàng Anh Tú, quản lý nhà hàng cho biết thêm, nhà hàng thường xuyên đón nhiều thực khách. Chính vì vậy, khu trưng bày, khu bảo quản thức ăn ngay và thực phẩm chín luôn bảo đảm vệ sinh, được đặt trong các tủ kính để phòng chống bụi bẩn, côn trùng gây bệnh và có đầy đủ dụng cụ bảo đảm an toàn vệ sinh để kẹp, gắp, xúc thức ăn.

"Đặc biệt, chúng tôi luôn ghi chép, có đủ dụng cụ để lưu trữ mẫu thức ăn; tủ bảo quản mẫu thức ăn lưu, bảo đảm chế độ lưu mẫu thực phẩm tại cơ sở ít nhất là 24 tiếng kể từ khi thức ăn được chế biến xong", anh Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc xử lý chất thải cũng là vấn đề quan trọng. Theo đó, nhà hàng luôn có đủ dụng cụ chứa đựng rác thải ,chất thải và bảo đảm kín, có nắp đậy; Rác thải, chất thải được thu dọn và xử lý hàng ngày theo quy định; nước thải được thu gom trong hệ thống kín, và bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

Như vậy, việc giữ gìn vệ sinh trong chế biến thực phẩm là rất quan trọng để đảm bảo an toàn thực phẩm cho khách hàng. Điều này không chỉ giúp quán sạch sẽ mà còn mang lại sự tin tưởng của khách hàng.

Lượt xem: 10
Tác giả: Hoàng Duy
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật