Thứ sáu, 20/09/2024 - 04:52

Kinh nghiệm thực tiễn về cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp

Để cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển ổn định, bền vững thì việc tìm hiểu cách làm sáng tạo, những mô hình hay có ý nghĩa quan trọng. Từ khảo cứu kinh nghiệm tiến hành cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp của tỉnh Sơn La và Yên Bái, bài viết rút ra một số bài học thực tiễn mà các địa phương khác có thể tham khảo để vận dụng triển khai phát triển kinh tế nông nghiệp.

Đặt vấn đề

Để phát huy vai trò của ngành Nông nghiệp và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong thời gian qua, tỉnh Sơn La và Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, từ đó giúp ngành Nông nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, ngành Nông nghiệp tại 2 địa phương này đã chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa lớn; các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng tiến bộ phát triển cả số lượng và hiệu quả kinh tế; các sản phẩm chủ lực được chú trọng khai thác có hiệu quả.

Đặc biệt, giá trị sản xuất nông nghiệp của 2 địa phương này đã góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng kinh tế. Thống kê cho thấy, năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp tỉnh Sơn La đạt 8.364,43 tỷ đồng, chiếm 24,59% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Tỉnh; giá trị sản xuất nông nghiệp tỉnh Yên Bái đạt 4.916 tỷ đồng, chiếm 22,5% GRDP của Tỉnh.

Tuy nhiên, để lĩnh vực nông nghiệp có đóng góp hiệu quả hơn nữa vào phát triển kinh tế, thì việc nghiên cứu kinh nghiệm về cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp tại hai tỉnh (Sơn La và Yên Bái) là điều cần thiết.

Kinh nghiệm cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp tại Sơn La và Yên Bái

Tại tỉnh Sơn La

Một là, thường xuyên hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Thời gian qua, tỉnh Sơn La chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp (KTNN) như: Chính sách hỗ trợ cải tạo giống cây trồng, vật nuôi; chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển HTX, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Những hộ gia đình thực hiện cấy ghép cải tạo vườn cây ăn quả được hỗ trợ 200.000 đồng/hộ/năm; các mô hình trồng mới cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha; mỗi huyện, thị được hỗ trợ xây dựng 2 vườn ươm sản xuất giống. Các hộ nông dân được hỗ trợ 35% lãi suất tiền vay vốn tại các ngân hàng thương mại, Quỹ Tín dụng nhân dân...

DN, HTX tham gia liên kết sản xuất, đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn được hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng và đào tạo tay nghề, tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý... Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp đã góp phần khuyến khích, thu hút DN, HTX, người dân tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Nhiều hộ gia đình, DN, HTX có điều kiện đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.

Hai là, lấy ứng dụng KHCN hiện đại là khâu then chốt trong cơ cấu lại KTNN.

Nhằm cơ cấu lại KTNN theo hướng hiện đại, bền vững, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2015-2020 xác định: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một chương trình trọng tâm; nhiệm kỳ 2020 - 2025, coi ứng dụng KHCN là giải pháp then chốt trong cơ cấu lại KTNN. Trên tinh thần đó, chính quyền tỉnh Sơn La ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc trong ngành Nông nghiệp; đầu tư nâng cao năng lực trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các chủ thể ứng dụng KHCN trong cải tạo, trồng mới vườn cây ăn quả...

Với các biện pháp chủ động, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm thực tiễn, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sơn La không ngừng được hiện đại hóa phù hợp với tình hình của địa phương. Đến năm 2022, Tỉnh này đã cơ giới hóa khâu làm đất đối với trồng mía, cao su, chè đạt 100%; trồng lúa, sắn, ngô, cà phê đạt trên 50%; khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật đạt trên 40%; khâu thu hoạch đối với chè trên 80%; cung cấp thức ăn, nước uống, xử lý môi trường đối với chăn nuôi lợn đạt trên 80%.

Toàn tỉnh Sơn La có 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 5.917 ha cây trồng, 3.469 tấn sản lượng vật nuôi áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và tương đương; 18.429,5 ha cà phê áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến; 9.274 ha cây trồng được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun... Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác được cải thiện; giảm thiểu tác hại đối với môi trường sinh thái, giảm bớt sự phụ thuộc vào thiên nhiên, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Ba là, gắn quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất tập trung với thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản.

Để tiến lên sản xuất hàng hóa lớn và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 06 NQ/TU về phát triển công nghiệp chế biến nông sản và Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện chủ trương đó, tỉnh Sơn La rà soát, xây dựng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy hoạch các dòng sản phẩm gắn với các cụm công nghiệp chế biến nông sản; tích cực triển khai chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa tập trung...

Kết quả, đến năm 2022, toàn tỉnh Sơn La đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung như: Vùng cây công nghiệp (mía, chè, cà phê, cao su) quy mô 81.177 ha; vùng cây ăn quả (nhãn, xoài, mận, chuối, sơn tra, cây có múi) quy mô 82.805 ha, sản lượng 392.122 tấn; vùng cây lương thực có hạt: 129.406 ha; vùng chăn nuôi lấy sữa với sản lượng sữa tươi đạt 96.100 tấn…; có 17 nhà máy và 543 cơ sở chế biến nông sản. Việc gắn quy hoạch các vùng sản xuất tập trung với phát triển công nghiệp chế biến nông sản đã giải quyết có hiệu quả bài toán về đầu ra cho nông sản tỉnh Sơn La, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu nông sản; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu KTNN theo hướng sản xuất lớn, hiệu quả.

Tại tỉnh Yên Bái

Một là, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp phù hợp với mục tiêu cơ cấu lại, quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch chặt chẽ.

Để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại KTNN, năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đến năm 2021, các mục tiêu, nội dung phát triển KTNN tiếp tục được rà soát, bổ sung, điều chỉnh cùng với quy hoạch tổng thể tỉnh Yên Bái đến năm 2030. Từ những định hướng này đã xác định các chỉ tiêu cụ thể đối với từng chuyên ngành trong từng giai đoạn. Xác định rõ nhóm 11 sản phẩm chủ lực của Tỉnh và 10 sản phẩm đặc sản của địa phương; mỗi sản phẩm đều định hình quy mô diện tích vùng nguyên liệu chuyên canh, khu vực phân bổ trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố thuộc Tỉnh.

Không chỉ xây dựng quy hoạch, Yên Bái còn chú trọng tuyên truyền quy hoạch và nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện kế hoạch. Nhờ đó, quy hoạch phát triển nông nghiệp được các cấp, các ngành, chủ thể kinh tế quán triệt và tích cực ủng hộ. Những mục tiêu lớn của Quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020 như tốc độ tăng trưởng, cơ cấu nội ngành, sản lượng lương thực và một số mặt hàng chủ lực như chè, phát triển lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đều đạt được; năm 2022 các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 như tổng sản lượng lương thực có hạt, chè búp tươi, thịt hơi xuất chuồng, trồng rừng, sản lượng thủy sản đều được thực hiện tốt.

Hai là, đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trang trại, HTX, DN để sản xuất hàng hóa lớn.

Đối với hình thức kinh tế trang trại, tỉnh Yên Bái tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình có nhu cầu, khả năng phát triển trang trại; miễn giảm tiền thuê đất cho chủ trang trại thuê đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hoá, thuê diện tích ở các vùng nước tự nhiên chưa có đầu tư cải tạo vào mục đích sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và miễn thuế tài nguyên nước đối với chủ trang trại xây dựng các công trình thuỷ lợi, sử dụng nước mặt, nước ngầm… Đồng thời, triển khai chính sách ưu đãi vay vốn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ đối với chủ trang trại; hỗ trợ đào tạo lao động theo Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ quảng bá sản phẩm, ứng dụng thương mại điện tử...

Đối với HTX nông nghiệp, tỉnh Yên Bái có các chính sách khuyến khích tổ hợp tác, trang trại, hộ nông dân hợp tác phát triển HTX; đồng thời, tiến hành rà soát, phân loại, sắp xếp lại các HTX theo hướng giải thể, sáp nhập các HTX yếu kém; hỗ trợ chi phí đào tạo cho lao động làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các HTX, liên hiệp HTX; hỗ trợ trả lương cho lao động trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại HTX để nâng cao HQHĐ của HTX.

Đối với DN, Tỉnh này đã có chính sách thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp; hỗ trợ các DN hợp tác, liên kết sản xuất; mở rộng quy mô, hướng vào phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực; chế biến nông sản, cung ứng dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp. Nhờ đó, các HTX, trang trại ngày càng phát triển về số lượng, phát huy vai trò quan trọng trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; cung ứng dịch vụ; liên kết, hỗ trợ các hộ nông dân; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy KTNN phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung khai thác các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế.

Ba là, tập trung phát triển nguồn nhân lực, coi đó là động lực để thực hiện cơ cấu lại KTNN.

Xác định nguồn nhân lực là động lực thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại KTNN, tỉnh Yên Bái có chính sách phát triển nguồn nhân lực đồng bộ, nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ hoạch định, thực thi chính sách đến người lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ cấu lại KTNN.

Tỉnh Yên Bái đẩy mạnh thực hiện Đề án sắp xếp mạng lưới trường, lớp; rà soát, bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; đầu tư cơ sở vật chất trường học theo hướng hiệu quả và hiện đại... Điều này góp phần nâng cao trình độ dân trí của nhân dân tạo tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp. Tỉnh này, ban hành các chính sách để thu hút tri thức trẻ về địa phương công tác; thực hiện tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, sử dụng đội ngũ cán bộ các cấp; chú trọng đào tạo chuyên môn, trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ cơ sở, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Việc đẩy mạnh thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với tỷ lệ lao động nghề nông nghiệp chiếm trên 60%. Trong đó, ưu tiên đối tượng đào tạo nghề là lao động nông nghiệp tại các vùng sản xuất hàng hóa theo Đề án cơ cấu lại KTNN, lao động làm việc trong các trang trại, HTX, tổ hợp tác, DN có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân; lao động gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm. Hình thức đào tạo đa dạng, linh hoạt, gắn tổ chức dạy nghề nông nghiệp với bồi dưỡng, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật cho lao động; giữa đào tạo của nhà trường với đào tạo của các DN, HTX. Người lao động sau khi học nghề đã cải thiện kiến thức, kỹ năng lao động, tiếp cận được những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; mạnh dạn đầu tư, tích cực chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; thực hành sản xuất theo các quy trình kỹ thuật tiên tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Một số bài học kinh nghiệm

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của tỉnh Sơn La và Yên Bái có thể rút ra một số bài học mà các địa phương khác có thể tham khảo khi thực hiện cơ cấu lại KTNN như:

Thứ nhất, kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp phù hợp với mục tiêu, yêu cầu cơ cấu lại KTNN và tổ chức thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả.

Kinh nghiệm của tỉnh Yên Bái cho thấy, để đạt mục tiêu cơ cấu lại KTNN cần xây dựng và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển KTNN bảo đảm sát thực tiễn, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu và định hướng phát triển KTNN của địa phương.

Trong quy hoạch cần phát huy trí tuệ tập thể thông qua nhiều hình thức như: Tổ chức hội thảo xin ý kiến các chuyên gia trong ngành Nông nghiệp, các nhà khoa học, nhà quản lý, các chủ thể kinh tế. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương để phân định các nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của địa phương, từ đó xác định quy mô, địa bàn phân bổ phù hợp với năng lực sản xuất và nhu cầu của thị trường.

Từ kinh nghiệm của tỉnh Sơn La có thể thấy, trong quy hoạch cần chú trọng tới quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản để đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, tạo hiệu ứng lan tỏa nâng cao chất lượng sản xuất.

Thứ hai, thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại KTNN.

Kinh nghiệm của tỉnh Sơn La cho thấy, việc ban hành và triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các đối tượng đã khuyến khích, thu hút DN, HTX, người dân tham gia đầu tư vào nông nghiệp; thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết sản xuất, từ đó khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương trong sản xuất nông nghiệp.

Để thúc đẩy cơ cấu lại KTNN các địa phương cần nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trên cơ sở đó ban hành, triển khai thực hiện các chính sách đặc thù của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực cho quá trình cơ cấu lại KTNN. Đồng thời, thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình thực hiện chính sách, kịp thời khắc phục những bất cập cản trở việc tiếp cận của các chủ thể kinh tế, bảo đảm các chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, dễ triển khai và đi vào thực tiễn.

Thứ ba, phát triển hình thức tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất lớn.

Kinh nghiệm của tỉnh Yên Bái cho thấy, khi các HTX, trang trại, DN được tạo điều kiện phát triển về số lượng, sắp xếp đổi mới, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực hoạt động sẽ phát huy vai trò quan trọng trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh liên kết sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị, hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất, thúc đẩy KTNN phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại.

Để vận dụng kinh nghiệm này, đòi hỏi các địa phương cần ban hành, thực thi các chính sách định hướng hỗ trợ các hộ sản xuất mở rộng sản xuất phát triển theo hướng trang trại, tham gia các tổ hợp tác, trên cơ sở đó phát triển lên hình thức HTX. Khuyến khích, hỗ trợ các trang trại mở rộng quy mô, tăng cường liên kết phát triển theo hình thức HTX. Quan tâm hỗ trợ đổi mới, sắp xếp, tăng cường năng lực về vốn, quản trị, chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực, HQHĐ. Phát huy vai trò chủ đạo của các HTX, DN trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Thứ tư, lấy phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng KHCN hiện đại làm khâu đột phá trong quá trình cơ cấu lại KTNN.

Kinh nghiệm của tỉnh Yên Bái và tỉnh Sơn La cho thấy, việc phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng KHCN hiện đại đã giúp hai địa phương này khắc phục được những điều kiện bất lợi, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Để vận dụng kinh nghiệm này, đòi hỏi các địa phương cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực toàn diện, nhất là chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển nguồn nhân lực phải chú trọng cả chiều rộng và chiều sâu; lấy nâng cao mặt bằng trình độ dân trí cho nhân dân trên địa bàn Tỉnh làm cơ cơ sở; đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý kinh tế và nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Mặt khác, các cấp chính quyền cần xây dựng chương trình, dự án ứng dụng KHCN trong nông nghiệp; xác định rõ trình độ, lĩnh vực công nghệ để ứng dụng trong từng chuyên ngành, từng khâu sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình của mỗi địa phương.

Tài liệu tham khảo:

  1. HĐND tỉnh Sơn La (2020), Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/2/2020 về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La;

  2. HĐND tỉnh Yên Bái (2020), Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND về chính sách phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021 - 2025;

  3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La (2022), Báo cáo tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023;

  4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái (2022), Báo cáo tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023;

  5. Tỉnh ủy Sơn La (2021), Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/01/2021 về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2023

Lượt xem: 26
Nguồn:tapchitaichinh.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan