Kinh tế thương mại là một điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Trong 20 năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Điểm sáng hợp tác kinh tế, thương mại
Với một nền tảng là quan hệ láng giềng, nhân dân gần gũi, trên tầm cao chiến lược và tầm nhìn dài hạn, hai Đảng, hai nước nhìn nhận thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định, cùng chung nhận thức kiên định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình mỗi nước.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng, cùng chung biên giới, cùng là hai nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có quan hệ hữu nghị truyền thống, có lợi ích ngày càng gắn bó. Do đó, cả hai nước đều coi trọng quan hệ với nhau, đều xác định quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Trung Quốc - Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của mỗi nước.
Đánh giá về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, nhất là sau 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết, kể từ khi hai bên thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vào năm 2008 đến nay, quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ngày càng thực chất, vững chắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Quan hệ chính trị giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trao đổi đoàn cấp cao và các cấp được tăng cường. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc hai nước thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi mật thiết. Trong đó, có nhiều chuyến thăm cấp cao đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, đặc biệt là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 đến 1/11/2022.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức nước CHND Trung Hoa từ ngày 30/10-01/11/2022 - Ảnh: TTXVN |
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cũng cho biết, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu. Trong 20 năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại song phương tăng 9 lần từ mức 20 tỷ USD năm 2008 lên gần 180 tỷ USD năm 2022. Kể từ khi hai nước thiết lập Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 10 lần từ mức lũy kế 2 tỷ USD vào năm 2008 lên 25 tỷ USD hiện nay. Riêng năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ tư trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Tại phiên họp lần thứ 15 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc vừa qua, hai bên đã đi sâu trao đổi và xác định một số trọng tâm công tác: Tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp; triển khai hiệu quả các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng, Quốc hội và Nhân đại toàn quốc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc; phát huy vai trò quan trọng của hai Bộ Ngoại giao trong việc điều phối, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác; triển khai tốt các cơ chế giao lưu quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật.
Hai bên nhất trí tiếp tục áp dụng các biện pháp hiệu quả, thực chất để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư phát triển bền vững, lành mạnh; tăng cường đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; phối hợp tháo gỡ vướng mắc trong các dự án tồn đọng; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án viện trợ không hoàn lại tại Việt Nam.
Đồng thời, hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, môi trường, giao thông vận tải, nông nghiệp, y tế; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân; tăng cường ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.
Hai bên cũng trao đổi ý kiến thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung cấp cao, trong đó có Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc; thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển đạt tiến triển thực chất.
Bên cạnh quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương giữa hai nước diễn ra sôi động, đạt nhiều thành quả thiết thực. Đến nay, đã có gần 60 tỉnh, thành của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc.
Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương hai bên đã thiết lập và tổ chức định kỳ nhiều cơ chế, chương trình hợp tác. Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Trung Quốc nhiều năm liên tục dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam, trung bình cứ 3 khách quốc tế đến Việt Nam thì có 1 khách Trung Quốc. Hai bên cũng đạt được nhiều thành quả trong việc xây dựng đường biên giới trên bộ Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị và hợp tác, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương biên giới hai nước.
Kỳ vọng về một “định vị mới”, “tầm mức mới” của quan hệ song phương Việt - Trung
Về chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đến Việt Nam sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 12-13/12. |
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cho biết, chuyến thăm diễn ra đúng một năm sau chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 2022. Chuyến thăm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc đến Việt Nam diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 15 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Trong bối cảnh như vậy và với tầm quan trọng của chuyến thăm, chắc chắn đây sẽ là một dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cho rằng, có 3 điểm mà hai bên đều rất kỳ vọng vào chuyến thăm lần này. Một là, kỳ vọng về một “định vị mới”, “tầm mức mới” của quan hệ song phương Việt - Trung. Trên cơ sở thành quả quan trọng của 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ hợp tác cho tương lai lâu dài của quan hệ hai nước theo hướng bền vững, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần vào xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Hai là, kỳ vọng về những kết quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực. Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ xác định những phương hướng, trọng tâm lớn cũng như các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đáp ứng lợi ích của cả hai bên.
Trong chuyến thăm, sẽ có thể có một số lượng lớn văn kiện trên nhiều lĩnh vực được ký kết, tạo cơ sở quan trọng để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp triển khai hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Ba là, kỳ vọng về hiệu ứng lan tỏa của chuyến thăm đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Chuyến thăm này, cùng với chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo động lực và xung lực mạnh mẽ cho các ngành, các cấp, các địa phương và đoàn thể nhân dân tiếp tục duy trì và phát triển các mối quan hệ sẵn có, qua đó xây dựng nền tảng xã hội vững chắc, tốt đẹp cho sự phát triển của quan hệ song phương.
Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022 đã xác định quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay là quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện thời đại mới. Trong thời gian tới, để làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hai bên sẽ tiếp tục củng cố và phát huy những thành quả, những điểm đã làm tốt đồng thời cũng chú trọng đến hạn chế, giải quyết những tồn tại. |