Thứ bảy, 27/07/2024 - 13:30

Lạng Sơn nỗ lực thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Trong tình hình khó khăn chung về mọi mặt của cả nước sau dịch COVID-19, số người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tiếp tục tăng. Vì vậy, để giải quyết tốt chế độ hưởng BHTN của người lao động, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực thực hiện tốt chính sách này.

Chính sách BHTN đồng hành cùng người lao động

Chị Lý Thị Phương (sinh năm 1988 ở huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) cho biết: “Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công ty ít việc, tôi là công nhân buộc phải xin nghỉ việc để tìm cho mình một cơ hội khác. Đến nay, do chưa thể tìm được việc làm ổn định khác, tôi quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hiện tôi được hưởng 8 tháng trợ cấp thất nghiệp với mức gần 2,9 triệu đồng/tháng. Số tiền tuy không nhiều, nhưng giúp gia đình trang trải một phần phí sinh hoạt trong lúc tìm kiếm việc làm mới. Tôi vẫn được bảo lưu 2 tháng trợ cấp BHTN”.

Theo anh Lý Văn Chung (ở thị trấn Thất Khê, Tràng Định, Lạng Sơn) – công nhân bị mất việc làm, đang được hưởng trợ cấp BHTN với mức gần 3 triệu đồng/tháng: “Những người như chúng tôi hiểu, cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm, chính sách BHTN có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, trở thành phao cứu sinh cho người lao động không may bị mất việc làm, giúp chúng tôi nhận được tiền trợ cấp duy trì cuộc sống trong một thời gian nhất định mà còn được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi môi trường làm việc phù hợp”.

Rất nhiều người lao động nộp đơn đề nghị hưởng BHTN ở Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Lạng Sơn

Rất nhiều người lao động nộp đơn đề nghị hưởng BHTN ở Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Lạng Sơn

Cũng như chị Phương, anh Chung, hiện nhiều người lao động trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được hưởng chính sách BHTN với thủ tục đơn giản, nhanh gọn. Từ năm 2022 đến hết tháng 1/2023, toàn tỉnh Lạng Sơn đã có trên 6.280 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; trên 5.600 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; 117 người tiếp tục được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong số này, có 146 người có quyết định hỗ trợ học nghề… với số tiền chi trả trên 76 tỷ đồng.

Để có được những kết quả trên, thời gian qua, việc chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đã được Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Lạng Sơn phối hợp với các đơn vị thực hiện thường xuyên.

Theo bà Hoàng Thị Bích Loan, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh, để triển khai hiệu quả chính sách này, không chỉ các cơ quan chức năng như BHXH tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh trong đó cơ quan trực tiếp là Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh mà người lao động cũng phải hiểu thông, hiểu rõ, sẵn sàng tiếp cận với chính sách BHTN. Vì thế, công tác tuyên truyền chính sách này cho người lao động được xem là giải pháp trọng tâm.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Nhằm đảm bảo chính sách BHTN được triển khai minh bạch, kịp thời, Trung tâm tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp, thông qua website trung tâm, qua trang thông tin chính thức trên mạng xã hội… về quyền lợi của người lao động khi hưởng chính sách BHTN, quy trình thủ tục làm hồ sơ đăng ký hưởng BHTN…

Theo bà Hoàng Thị Bích Loan, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Lạng Sơn, những năm gần đây người Lạng Sơn đi lao động ở tỉnh khác và người lao động trên địa bàn bị mất việc rất lớn. Con số này vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Vì vậy, thực hiện chủ trương của Nhà nước, song song với việc hỗ trợ người lao động hưởng chính sách BHTN, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề được Trung tâm thực hiện xuyên suốt trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người lao động bị thất nghiệp nếu có nguyện vọng học nghề đều được hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật. Số liệu thống kê của Trung tâm từ đầu năm 2022 đến hết tháng 1/2023, đã có trên 6.280 người người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm.

Trường hợp chị Hoàng Thị Thu (sinh năm 1984, ở thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đang trong quá trình hưởng BHTN ở Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Lạng Sơn đã tìm được việc làm. “Tôi đã được cán bộ trung tâm hướng dẫn cách tìm việc làm trên sàn giao dịch việc làm. Nên mặc dù được 4 tháng hưởng chính sách BHTN (mỗi tháng hưởng trên 3,7 triệu đồng), bảo lưu hưởng 6 tháng, nhưng chỉ sau 3 tháng tôi đã tìm được việc làm mới ở một công ty dưới Bắc Ninh. Nếu không qua Trung tâm, thì không biết 3 tháng vừa qua gia đình nhà tôi lấy đâu ra tiền để sinh hoạt và đến bao giờ tôi mới có việc làm mới” – chị Thu cho biết.

Thực tế, trong thời đại 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chế độ chính sách là bước tiến quan trọng. Xác định được điều đó, để thuận thiện hơn trong việc phổ biến, giúp người lao động tiếp cận “nhanh, đúng, đủ” các chính sách về BHTN, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận hồ sơ của người lao động đề nghị hưởng trợ cấp BHTN

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận hồ sơ của người lao động đề nghị hưởng trợ cấp BHTN

Theo đó, Trung tâm đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả công tác dịch vụ việc làm và giải quyết chế độ BHTN. Qua thực tế tại trung tâm cho thấy, nhiều lao động do chưa hiểu hết các chính sách về BHTN nên phải chịu thiệt thòi khi làm các thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp theo quy định.

Cùng với các giải pháp trên, Trung tâm cũng tham mưu cho lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan chức năng liên quan xử lý, giải quyết vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện chính sách BHTN.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách BHTN vẫn còn nhiều bất cập như: Một số ít trường hợp người lao động chưa trung thực trong việc khai báo thông tin về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng gây khó khăn trong công tác tư vấn giới thiệu việc làm và giải quyết chính sách. Có nhiều trường hợp có từ 2 sổ BHXH trở lên, thời gian tham gia BHXH, BHTN trên sổ không khớp với dữ liệu BHXH vì vậy phải điều chỉnh quyết định trợ cấp thất nghiệp.

Bên cạnh đó, vẫn còn doanh nghiệp trả hợp đồng lao động cho người lao động chậm dẫn đến người lao động thông báo có việc làm mới với trung tâm không đúng thời gian quy định nên người lao động không được bảo lưu số tháng chưa hưởng.

Cùng với đó, phần mềm BHTN do Cục việc làm cung cấp không hoạt động, không nhập được dữ liệu hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Cán bộ làm công tác bảo hiểm thất nghiệp phải tiếp nhận, thẩm định hồ sơ bằng phương pháp thủ công gặp rất nhiều khó khăn, khối lượng hồ sơ quá nhiều dẫn đến tình trạng thẩm định ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động không kịp thời hạn theo quy định.

Trường hợp người lao động nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia có việc làm mới hoặc không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp mà muốn rút lại hồ sơ nhưng trên Cổng dịch vụ công Quốc gia không hỗ trợ người lao động muốn rút lại hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Một số người lao động chưa nắm rõ về Nghị định 61/2020/NĐ-CP khi có việc làm mới trong thời hạn 3 ngày (tính theo ngày làm việc) phải thông báo cho Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh nhưng người lao động không thông báo theo đúng quy định nên không được bảo lưu thời gian đóng BHTN.

Mặc dù cán bộ trung tâm đã rất nỗ lực nhưng những phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách BHTN cho người lao động rất phức tạp.

Vì thế, trong thời gian tới, trung tâm đẩy mạnh việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả hai hình thức là trực tiếp và trên cổng Dịch vụ công Quốc gia; Số hóa để lưu trữ hồ sơ BHTN của người lao động sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuận lợi cho việc tra cứu thông tin kịp thời chính xác. Đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm xã hội trong công tác quản lý người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp mới để hạn chế tối đa tình trạng trục lợi BHXH.

Lượt xem: 17
Tác giả: Hoa Thành
Tin liên quan