Liệu có tránh được suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2023?
Năm 2023, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ không diễn biến quá tệ như nhiều người lo sợ trước đó, nhưng khó khăn và thách thức vẫn rình rập phía trước.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 có nguy cơ chậm lại do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine và đà tăng trưởng giảm tốc tại một số nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Nguy cơ suy thoái gia tăng
Bà Kristalina Georgieva cho biết, khả năng tăng trưởng toàn cầu giảm xuống dưới 2% trong năm tới do ảnh hưởng của cuộc chiến ở Ukraine và sự suy giảm đồng thời ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu... Giám đốc điều hành IMF đặc biệt lo ngại về sự suy giảm ở Trung Quốc vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang là động lực mạnh mẽ của tăng trưởng toàn cầu.
Hồi tháng 10 vừa qua, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 xuống còn 2,7%, so với mức dự báo 2,9% đưa ra vào tháng 7, trong bối cảnh áp lực từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá lương thực và năng lượng cao, lạm phát và lãi suất gia tăng. Điều này cảnh báo rằng các điều kiện có thể xấu đi đáng kể trong năm tới.
IMF đưa ra xác suất 25% tăng trưởng toàn cầu giảm xuống dưới 2% trong năm tới - một hiện tượng chỉ xảy ra 5 lần kể từ năm 1970 - và cho biết có hơn 10% khả năng GDP toàn cầu giảm. Tổ chức này cũng dự báo, hơn 1/3 số nền kinh tế toàn cầu có thể suy giảm trong năm nay hoặc năm sau, trong đó hoạt động kinh tế tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) bị đình trệ.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga. Trung Quốc phải hứng chịu những gián đoạn liên quan đến đại dịch và sự suy thoái ngày càng sâu sắc của thị trường bất động sản, trong khi đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ cũng đang chậm lại... Tất cả những yếu tố này buộc chúng tôi phải đưa ra cảnh báo nguy cơ suy thoái đang gia tăng, Giám đốc điều hành IMF nhấn mạnh.
Lãnh đạo IMF thúc giục các nhà hoạch định chính sách tiếp tục chống lạm phát. Song, bà Kristalina Georgieva cảnh báo, thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức có thể sẽ đẩy kinh tế thế giới rơi vào suy thoái kéo dài.
Các nền kinh tế lớn gặp khó
Chia sẻ trên Wall Street Journal, bà Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành của IMF cũng đưa ra nhận định về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023. Bà cho rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ cũng khó tránh khỏi suy thoái, trong khi nền kinh tế số 2 là Trung Quốc thì triển vọng kinh tế cũng "tối đi rõ rệt".
Trong một thế giới lạm phát, khủng hoảng năng lượng, lãi suất gia tăng và mối đe dọa kéo dài của Covid-19, các nền kinh tế trên thế giới đang còn gặp nhiều khó khăn. Bà Gita Gopinath nhận định, năm 2023 sẽ chứng kiến sự suy giảm trên diện rộng của nền kinh tế toàn cầu. Khả năng tránh suy thoái kinh tế thực sự rất hẹp đối với Mỹ khi tài chính bị thắt chặt đáng kể, nền kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.
Đối với châu Âu, Phó Giám đốc điều hành của IMF dự báo, nền kinh tế này sẽ có thể rơi vào suy thoái vì phải chịu sự gia tăng mạnh về chi phí năng lượng. "Đầu năm tới sẽ chứng kiến sự suy yếu ở khu vực đồng euro, do quy mô của cú sốc năng lượng mà họ phải đối phó và chi phí sinh hoạt mà họ phải chịu", bà Gita Gopinath nói.
Tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, Phó Giám đốc điều hành IMF cho hay, chính sách "zero Covid" lúc đầu đã có hiệu quả rất tốt đối với Trung Quốc. Song, lực lượng lao động bị thu hẹp, và đây là điểm yếu trong tăng trưởng năng suất ở Trung Quốc khiến tăng trưởng trung hạn đang chậm lại.
Bà Gita Gopinath bày tỏ lo lắng về nguy cơ lạm phát khi nền kinh tế được kích thích quá nhiều. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ, nới lỏng chính sách tài khóa là hợp lý. Tuy nhiên, cần phải giảm lạm phát, điều này đòi hỏi chính sách tài khóa phải nằm trong phạm vi tổng thể bị hạn chế.
Về vấn đề nợ, quan chức IMF cho biết, có một số quốc gia hoặc đã lâm vào cảnh túng quẫn hoặc có nguy cơ lâm vào cảnh bí bách cao. Khoảng 60% các nước thu nhập thấp, 25% các thị trường mới nổi phải đối mặt với nợ nần. Tại thời điểm này, dù chưa thực sự có một cuộc khủng hoảng nợ hệ thống nhưng hiện mức nợ khá cao ở mọi nơi trên thế giới. "Chúng tôi lo ngại về những gì có thể xảy ra khi các đợt tăng lãi suất đi vào hệ thống", bà Gita Gopinath bày tỏ./.