Thứ bảy, 23/11/2024 - 04:49

Nâng cao hiệu quả công tác đánh giá việc thực thi và các tác động của Hiệp định EVFTA

Sau gần 2 năm thực thi, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mang lại những kết quả tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam tăng cường hiệu quả công tác đánh giá việc thực thi Hiệp định EVFTA và các tác động của hiệp định này, nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định mang lại.

Cụ thể, thông qua Dự án Hỗ trợ liên quan đến thương mại dành cho Việt Nam, EU cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện đầy đủ EVFTA, trong đó phải kể đến việc thực hiện hiệu quả các cam kết thuế quan và triển khai phân tích, thống kê thương mại.

Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (gọi tắt là EVFTA) có hiệu lực (từ 1/8/2020) đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực hiện đầy đủ hiệp định này. Điển hình là hoạt động nâng cao năng lực của các cán bộ Chính phủ, các nhà nghiên cứu của Việt Nam trong việc chuyển đổi biểu thuế và thực thi các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Sau gần 2 năm thực thi, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mang lại những kết quả tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. 

Sau gần 2 năm thực thi, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mang lại những kết quả tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. 

Cuối tháng 1/2022, thông qua Dự án hỗ trợ liên quan đến thương mại dành cho Việt Nam (gọi tắt là ARISE+ Việt Nam) do EU tài trợ đã phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức khóa đào tạo về “Chuyển đổi biểu thuế của Việt Nam từ Danh mục Hài hòa thuế quan ASEAN 2017 sang danh mục năm 2022”. Các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ rất nhiều kiến thức về Hài hòa hóa Hệ thống mã hóa và mô tả hàng hóa và các biểu thuế có liên quan, cũng như đưa ra một số gợi ý về giải pháp lựa chọn thuế suất sau khi chuyển đổi danh mục hài hoà thuế quan.

Nội dung này có thể hỗ trợ cho việc soạn thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 111 năm 2020, góp phần hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam trong khuôn khổ EVFTA. Đây là hoạt động có vai trò quan trọng trong việc góp phần giúp Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi biểu thuế và phục vụ cho quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực thi cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định Thương mại tự do, trong đó có EVFTA.

Chia sẻ về hoạt động chuyển đổi biểu thuế của Việt Nam trong quá trình thực thi hiệp định EVFTA, bà Trương Thanh Hà, Phó Trưởng phòng Hội nhập Tài chính Song phương, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính cho biết: "Việc thực thi Hiệp định này có ý nghĩa quan trọng đối với cả Liên minh châu Âu và Việt Nam. Việt Nam tuân thủ hệ thống thuế quan hài hòa Asean thì 5 năm phải thực hiện chuyển đổi 1 lần. Việc chuyển đổi biểu thuế này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam để đảm bảo cam kết được thống nhất chính xác cũng như đảm bảo được lợi ích cho các doanh nghiệp nhằm mục đích cho thông quan thương mại, hàng hóa. Những hoạt động này sẽ là nền tảng sẽ rất hữu ích để thực thi Hiệp định trong thời gian tới".

Theo điều 17.14 của EVFTA, các bên sẽ trao đổi vào ngày 1/7 hàng năm số liệu thống kê nhập khẩu hàng năm của năm trước đó về thương mại hàng hóa ưu đãi và không ưu đãi ở cấp dòng thuế. Việc phân tích thống kê dữ liệu thương mại là cơ sở của việc đánh giá hiệu quả thực thi Hiệp định.

Quá trình thực thi Hiệp định này cho thấy đã có những chuyển biến tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy hiệu quả thực thi Hiệp định, năng lực phân tích số liệu thống kê cần được nâng cao hơn nữa.

Chính vì vậy, thông qua Dự án hỗ trợ liên quan đến thương mại dành cho Việt Nam (gọi tắt là ARISE+ Việt Nam) các chuyên gia đã cung cấp khóa đào tạo về “Phân tích dữ liệu thương mại nhằm thúc đẩy thực thi các Hiệp định thương mại tự do” dành cho các cán bộ chuyên trách đến từ Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương, Tổng cục Thống kê, Bộ Giao thông Vận tải và Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương  nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực của các cán bộ và các nhà nghiên cứu ở Việt Nam trong việc phân tích thống kê thương mại và đánh giá việc thực thi và các tác động của EVFTA.

Ông Peter Bernhardt, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn, Dự án ARISE + Việt Nam cho biết: "Mục đích của sự hỗ trợ từ phía EU là để giới thiệu đầy đủ danh mục các phương pháp hiện có để đánh giá tác động của một FTA. Các hội thảo tập huấn chủ yếu phục vụ cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam và cố gắng trang bị cho các cán bộ này một số kiến ​​thức và kỹ thuật kinh tế để họ có thể tự thực hiện các nghiên cứu đánh giá kinh tế về EVFTA, hoặc ít nhất là kiểm tra một cách nghiêm túc các kết quả đánh giá tác động các nghiên cứu do những người khác thực hiện".

Theo đại diện Bộ Tài chính, những hỗ trợ này liên quan rất nhiều đến công việc của các cán bộ, góp phần nâng cao năng lực cho các cán bộ trong việc giúp các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính theo dõi và đánh giá hiệu quả việc thực thi Hiệp định EVFTA trong tương lai. Trong thời gian tới, Dự án ARISE+ Việt Nam và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hợp tác nghiên cứu một số mô hình thống kê thích hợp để áp dụng trong việc phát triển các báo cáo đánh giá thực tế tác động của EVFTA sau gần 2 năm thực hiện../.

Lượt xem: 112
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật