Những ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất áp thuế 10% với "nước giải khát có đường"
Tại tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm đồ uống có đường nằm trong diện chịu thuế này. Tuy nhiên, các khái niệm về "nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam" còn chưa rõ ràng, thống nhất, có thể gây nên tình trạng bỏ lọt các sản phẩm nước ngọt có đường.
Dự thảo đánh thuế 10% "nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml”
Theo Bộ Tài chính, nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao... Sữa và sản phẩm từ sữa không chịu thuế này do không phải nước giải khát theo TCVN và là mặt hàng dinh dưỡng sức khỏe. Các loại nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai; nước rau quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao cũng không thuộc diện bị áp thuế.
Tại dự thảo lần này, điểm mới là Bộ Tài chính đề xuất bổ sung mặt hàng “nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml” vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (nội dung quy định tại điểm l khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật). Do đây là mặt hàng mới bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% đối với mặt hàng này.
Theo báo cáo đánh giá tác động, tăng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường sẽ khiến giá cả mặt hàng này tăng 10%, nhưng điều này đồng nghĩa lượng tiêu thụ sẽ giảm, người tiêu dùng chuyển sang dùng sản phẩm thay thế hoặc loại ít đường, tốt hơn cho sức khỏe.
"Việc tăng thuế và giá sẽ góp phần giảm béo phì, tiểu đường và tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm khác trong tương lai, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ đó, hệ thống y tế, bệnh viện cũng được giảm áp lực, quá tải", Bộ Tài chính phân tích.
Về mặt tích cực, theo Bộ Tài chính nếu đánh thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường, số thu ngân sách Nhà nước sẽ tăng trong năm đầu tiên do đây là đối tượng chịu thuế mới bổ sung. Tuy nhiên, số thu các năm sau sẽ giảm dần, do việc đánh thuế khiến người tiêu dùng sử dụng ít đi và nhà sản xuất chuyển đổi công thức, sản xuất sản phẩm có hàm lượng đường dưới ngưỡng đánh thuế.
Bộ Tài chính cho rằng, việc áp thuế sẽ làm giảm sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệ̂p sản xuất, nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian đầu. Song, việc này sẽ khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Bộ Tài chính dẫn quan điểm của các hiệp hội, doanh nghiệp phản đối áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường như không có khả năng làm giảm thừa cân béo phì; chính sách đánh thuế sẽ tạo ra phân biệt đối xử, gây tác động đến các ngành như mía đường, bán lẻ, bao bì....
Bộ Tài chính khẳng định, số liệu từ Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình tiêu thụ nước giải khát có đường tăng từ 56,22% năm 2010 lên 69,76% vào 2016. Tiêu thụ nước ngọt bình quân đầu người tăng gần gấp rưỡi sau 7 năm, đạt 70,56 lít một người vào 2020.
Cùng đó, tỷ lệ thừa cân và béo phì đáng báo động ở trẻ em Việt Nam từ 5-19 tuổi tăng hơn 2 lần trong 10 năm, đạt 19% vào 2020. Đây là mức cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á (17,3%) và các nước có mức thu nhập thấp, trung bình của khu vực.
Bộ khẳng định: "Đánh thuế đồ uống có đường đã trở thành xu thế chung. Hiện có khoảng 85 quốc gia áp thuế này, tăng gần 6 lần so với cách đây 10 năm".
Bất cập của định nghĩa “nước giải khát có đường theo TCVN”
Ngày 21/6 mới đây, Hiệp hội mía đường Việt Nam đã có công văn số 59/CV-HHMĐ gửi Văn phòng Chính phủ, tham gia góp ý kiến về Hồ sơ dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trong đó, Hiệp hội nêu rõ: “Hồ sơ dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và kinh nghiệm quốc tế về biện pháp đánh thuế vào nước giải khát có con đường để định hướng tiêu dùng, nhưng đã xuất hiện điểm không hợp lý là không sử dụng định nghĩa của tổ chức WHO hoặc các tổ chức quốc tế về đồ uống có đường mà lại sử dụng định nghĩa nước giải khát theo TCVN, trong khi có sự khác biệt rất lớn với các định nghĩa này”.
Trong khi, theo WHO “Đồ uống có đường (sugary drinks) được định nghĩa là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do (free sugars). Đường tự do đề cập đến gồm: đường đơn monosacarit (như glucose, fructose) và đường đa disacarit (như sucrose hoặc đường ăn)”.
Tương tự, theo World Bank, đối tượng chịu thuế đồ uống có đường được định nghĩa: “Đồ uống có đường (Sugar-sweetened beverages - SSBs) là đồ uống không cồn có chứa chất làm ngọt có năng lượng, chẳng hạn như sucrose (đường) hoặc si-rô ngô có hàm lượng fructose cao (HFCS); đồ uống có đường SSBs có chứa nhiều đường tự do dễ hấp thụ ”.
Trong khi đó, tại Việt Nam, đường lỏng sirô ngô HFCS là chất tạo ngọt chính trong nước giải khát. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, khối lượng đường lỏng sirô ngô HFCS nhập khẩu đang có xu hướng tăng dần qua các năm, và đa số được nhập khẩu bởi các công ty sản xuất nước giải khát. Ước tính lượng nhập khẩu đường lỏng sirô ngô cả năm 2023 là 232.000 tấn, gấp 1,5 lần năm 2020.
Do những bất cập về định nghĩa, vậy nên đề xuất bổ sung mặt hàng “nước giải khát theo TCVN, có hàm lượng đường trên 5g/100ml” cũng là chưa hợp lý, dễ “bỏ lọt” các sản phẩm sử dụng chất làm ngọt là đường lỏng sirô ngô HFCS mà hầu hết các công ty nước giải khát Việt Nam đang sử dụng hiện nay.
3 kiến nghị để đánh giá lại đồ uống có đường
Trên cơ sở những phân tích trên, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề xuất: “Bỏ cụm từ "nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN)" thành "đồ uống có đường (sugary drinks) bao gồm đồ uống chứa đường và đồ uống có chứa đường lỏng sirô ngô HFCS" với diễn giải chi tiết về đồ uống có đường (sugary drinks), phù hợp hướng dẫn của tổ chức WHO.
Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị bỏ tiêu chí "hàm lượng đường trên 5g/100ml" vì không còn phù hợp thực tế, có thể dẫn đến nguy cơ bỏ qua đối tượng chịu thuế chính hiện nay là đồ uống có chứa đường lỏng sirô ngô HFCS.
Cuối cùng là xem xét áp dụng kinh nghiệm của một số nước trong khối ASEAN như: Philippine và Indonesia, trong đó Philippine thu thuế tiêu thụ đặc biệt có mức thuế khác nhau đối với đồ uống có đường và đồ uống có chứa đường lỏng sirô ngô HFCS, và áp mức thuế cao hơn (gấp 2 lần) đối với đồ uống có chứa đường lỏng sirô ngô HFCS; kinh nghiệm của Indonesia là vừa áp thuế phòng vệ thương mại đối với đường lỏng sirô ngô HFCS vừa kiến nghị thu thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường và ga từ 1.500 rupiah đến 2.500 rupiah cho mỗi lít tuỳ loại đồ uống.
“Cụ thể trong trường hợp Việt Nam, đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% đối với đồ uống có đường và áp dụng mức thuế suất 20% đối với đồ uống có chứa đường lỏng sirô ngô HFCS”, ông Lộc thay mặt Hiệp hội đề xuất.