Thứ năm, 19/09/2024 - 23:16

Quyết liệt chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 8/3, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, để công tác chuyển đổi số đạt kết quả thiết thực, hiệu quả, các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án thuộc Đề án phát triển đô thị thông minh cần khẩn trương tập trung triển khai, lập và hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Đặc biệt, các lĩnh vực như giao thông - an ninh trật tự, quy hoạch - xây dựng, tài nguyên và môi trường, y tế phải triển khai đồng thời, bảo đảm đồng bộ để liên thông, kết nối dữ liệu với kết quả thực hiện dự án "Xây dựng và triển khai hạ tầng ICT và nền tảng dữ liệu thông minh" do Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện. Giám đốc, thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ, chất lượng các dự án.

Ông Phạm Văn Thiều giao Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bạc Liêu phù hợp khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, làm cơ sở đưa ra quyết định đầu tư, triển khai xây dựng, phát triển chính quyền điện tử tỉnh kịp thời, chính xác và đảm báo tính kế thừa, tính chia sẻ, kết nối liên thông, tránh trùng lặp, lãng phí, đạt mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh đề ra.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương hoàn thiện việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đầy đủ tính năng, tích hợp, kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng yêu cầu, các sở, ngành, địa phương tăng cường số hóa dữ liệu chuyên ngành, cung cấp dữ liệu mở; thúc đẩy sử dụng nền tảng số quốc gia, ứng dụng số, dịch vụ số, nhất là nền tảng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo; ứng dụng thanh toán số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, thuế điện tử, chữ ký số; tạo nền tảng bứt phá trong quá trình chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước cũng như phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bạc Liêu, năm 2023, địa phương đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện chuyển đổi số. Đáng chú ý, hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước được duy trì, kết nối đến 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Toàn tỉnh có 1.196 đơn vị thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, đạt 89,66%.

Tỉnh triển khai cập nhật thông tin cán bộ, công chức, viên chức và đồng bộ vào Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ quản lý với gần 15.250 hồ sơ, đạt 100%; triển khai số hóa tài liệu lưu trữ tại kho lưu trữ điện tử với hơn 3,31 triệu trang tài liệu; thực hiện thu nhận định danh điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 111,3%, tỷ lệ tài khoản kích hoạt đạt 73,92% chỉ tiêu được giao.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số của tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế. Việc thực hiện chuyển đổi số đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước còn thấp; còn ít sản phẩm, dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nguồn nhân lực làm công tác chuyển đổi số, công nghệ thông tin, an toàn thông tin thiếu cả số lượng, chất lượng và kinh nghiệm, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và về lâu dài, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thực hiện thủ tục đầu tư nâng cấp còn chậm…

Năm 2024, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bạc Liêu đề ra mục tiêu: 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 90% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; 50% hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả trực tuyến; 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 45%…

Tại hội nghị, các đại biểu nêu khó khăn, vướng mắc; từ đó, chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả chuyển đổi số năm 2024 và những năm tiếp theo./.


Tuấn Kiệt

Lượt xem: 13
Tác giả: Lê Tuấn Kiệt
Nguồn:TTXVN Sao chép liên kết
Tin liên quan