Thứ năm, 19/12/2024 - 06:50

Sở Công Thương Thanh Hóa phối hợp triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững

Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên

Ngày 21/3/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND “Về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa xác định sẽ tập trung giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vươn lên mức sống tối thiểu; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Sở Công Thương Thanh Hóa phối hợp triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững

Trao bò giống sinh sản hỗ trợ cho cộng đồng nông dân nghèo tại xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Đoàn Lưu.

Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa cho thấy, trên địa bàn tỉnh này có khoảng 600.000 đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 16,7% dân số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt tại các huyện miền núi. Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thực hiện các phong trào thi đua và triển khai nhiều mô hình, cách làm giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 63 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng kinh phí gần 21,8 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao năng lực sản xuất cho 90% người dân ở độ tuổi lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn có nhu cầu.

Thực hiện phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã tập trung thực hiện nhiều chính sách an sinh đến hộ nghèo, cận nghèo như: Cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, xây dựng nhà ở, hỗ trợ chi phí học tập cho con hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trên tinh thần đồng hành với các hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế bằng tình cảm và trách nhiệm, các địa phương còn huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ để không bỏ sót các đối tượng được thụ hưởng.

Thống kê cho thấy, năm 2023 từ nguồn huy động của Quỹ "Vì người nghèo" các cấp, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được khoảng 1.600 căn nhà Đại đoàn kết, giúp người nghèo có nơi ở ổn định, an cư lập nghiệp. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp còn tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, khám chữa bệnh, thăm hỏi, tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa còn hơn 35.000 hộ nghèo. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025...; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua.

Để công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn đạt được nhiều kết quả hơn nữa, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong việc nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người nghèo. Thanh Hóa quyết tâm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm trở lên, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hằng năm 3% trở lên. Phấn đấu đến năm 2030, sẽ không còn huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Sở Công Thương Thanh Hóa phối hợp triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững
Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hiệp hội Y tế tư nhân tỉnh Thanh Hoá tổ chức trao tặng thẻ BHYT và kinh phí hỗ trợ đóng BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024. Ảnh: Nam Hà.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Huy Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết: Trên cơ sở các nhiệm vụ được giao, Sở Công Thương đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; cũng như ban hành các Văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Sở Công Thương không được phân công chủ trì triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình.

Tuy nhiên, với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, Sở đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó trọng tâm là nhiệm vụ: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình; truyền thông về giảm nghèo đa chiều; tổ chức các buổi làm việc, các cuộc kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương được phân công phụ trách, cụ thể:

Cụ thể, tại huyện Thường Xuân được giao phân công theo dõi, chỉ đạo tại Quyết định số 02/QĐ-BCĐ ngày 02/7/2021 của Trưởng Ban Chỉ đạo 404 về việc phân công nghiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Tại xã Thanh Quân, huyện Như Quân được phân công đỡ đầu tại Kế hoạch số 278/KH-UBND ngày 14/12/2021 về việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Thanh Hóa cũng đã triển khai có hiệu quả việc tổ chức kiểm tra, rà soát, nắm bắt tình hình, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình năm 2024 trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn.

Lượt xem: 17
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật