Thứ năm, 19/09/2024 - 08:12

Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Iran

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Iran ngày 9/8.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Hồi giáo Iran của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ ngày 8-10/8/2023, thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Iran, Phòng Thương mại, Công nghiệp, Mỏ và Nông nghiệp Iran, tổ chức Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Iran vào ngày 9/8.

Diễn đàn là một trong những hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Diễn đàn với sự góp mặt của các đại biểu của Việt Nam đến từ các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, Đại sứ quán Việt Nam tại Iran cùng nhiều lãnh đạo cao cấp của Iran: ông Abbas Aliabadi - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Mỏ và Thương mại Iran; ông Mehdi Safari - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Iran…

Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Iran

Ngoài ra, tham dự Diễn đàn còn có 25 doanh nghiệp Việt Nam và hơn 300 doanh nghiệp Iran thuộc đa dạng các lĩnh vực từ thương mại, nông nghiệp đến công nghệ cao, vật liệu xây dựng, thực phẩm, dược phẩm, hóa chất, ngân hàng, vận tải đường biển, vận tải đường không, dịch vụ logistics…

Sự có mặt đông đảo doanh nghiệp hai nước tại Diễn đàn chứng tỏ sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp đối với việc phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư Việt Nam - Iran. Đây cũng là cơ hội giao thương tốt cho doanh nghiệp hai bên, cũng như để các cơ quan quản lý nhà nước hai bên nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, cùng hợp tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương hai bên.

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư chiếm vị trí quan trọng trong mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Iran. Hai bên đã xây dựng được những khuôn khổ pháp lý quan trọng như Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại; nhóm công tác về trao đổi thương mại; ký kết được nhiều hiệp định, thỏa thuận như Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Thỏa thuận hợp tác và tương trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan; Bản ghi nhớ về hợp tác công nghệ, nghiên cứu và giáo dục,... làm nền tảng góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế về đầu tư và thương mại giữa hai nước phát triển trên tinh thần cùng có lợi và bổ trợ lẫn nhau.

Những khó khăn trước mắt và cả những nền tảng lâu dài cho hợp tác của doanh nghiệp hai nước sẽ được giải quyết từng bước một cách hiệu quả, góp phần đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp vào thành tựu chung của cả hai nước - Chủ tịch Quốc hội tin tưởng.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định cam kết của Quốc hội Việt Nam đã, đang và không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ những vướng mắc cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, coi thành công của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là thành công của chính mình.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Chúng tôi cam kết đã, đang và không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ những vướng mắc cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Quốc hội hai nước sẽ cùng nhau hợp tác để thúc đẩy và giám sát Chính phủ trong việc hoàn thiện và thực thi các hiệp định đã được ký kết cũng như sẽ được ký kết trong thời gian tới. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng với sự nỗ lực cộng đồng doanh nghiệp hai bên và chúng tôi cũng khuyến khích và ủng hộ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hai bên có các hoạt động hợp tác, tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp sang thăm, tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư kinh doanh giữa hai nước, kết nối địa phương với địa phương, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp. Trên cơ sở sự kiến tạo của Quốc hội, Chính phủ hai nước, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển".

Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Iran

Ông Hossein Selahvarzi - Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp, Mỏ và Nông nghiệp Iran cho rằng, thị trường Việt Nam và thị trường Iran có tính bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế, thương mại hiện chưa tương xứng với quan hệ về chính trị, ngoại giao, đòi hỏi hai bên cần có nỗ lực nhiều hơn để tìm ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác.

Ông Pour Ebrahimi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; khẳng định Chính phủ và nhân dân Iran mong muốn phát triển quan hệ hợp về kinh tế, thương mại với Việt Nam. Ông hy vọng, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ mở ra một chương mới cho hợp tác về kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Trao đổi tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, kim ngạch thương mại Việt Nam - Iran đạt 126 triệu USD trong năm 2022 - mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Đây là tín hiệu tốt và là mức tăng trưởng đáng ghi nhận, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và quan hệ Việt Nam - Iran nói riêng gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 trong 3 năm qua. Tuy nhiên, đây vẫn là mức kim ngạch khiêm tốn, cách xa mục tiêu 2 tỷ USD như lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra vào năm 2016.

Về đầu tư, tới thời điểm hiện tại, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Iran còn khiêm tốn. Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, hai bên có thể xem xét, khai mở hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực hai bên có nhu cầu và thế mạnh bổ sung cho nhau như: năng lượng tái tạo, công nghệ nano, luyện kim, khoáng sản, sắt thép, ô tô, dược phẩm…

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, Việt Nam và Iran chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh của hai nước.

Để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, hai nước cần tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế Uỷ ban Hỗn hợp về Kinh tế - thương mại Việt Nam - Iran để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp hoặc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quan hệ kinh tế - thương mại hai nước - Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh và cho rằng: "Các Bộ, ngành của hai nước cần tiếp tục nghiên cứu, đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận, MOU về hợp tác trong các lĩnh vực liên quan nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên".

Đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến chính sách thương mại, môi trường đầu tư, quy định nhập khẩu, các cơ hội giao thương, nhu cầu xuất nhập khẩu, các dự án kêu gọi đầu tư, hợp tác sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, chuyển giao công nghệ... để kịp thời cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp tham khảo, tìm hiểu và tiếp cận cơ hội hợp tác, thông qua cơ quan đại diện ngoại giao, các Bộ/ngành chuyên môn, các tổ chức xúc tiến thương mại, các hiệp hội ngành hàng ở mỗi nước.

Đặc biệt, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng cần khuyến khích các doanh nghiệp đi khảo sát thị trường, tham dự hội chợ/triển lãm quốc tế hoặc chuyên ngành, các hoạt động xúc tiến thương mại, các sự kiện thương mại và đầu tư, diễn đàn hoặc hội thảo giao thương được tổ chức tại mỗi nước để tìm hiểu và phát hiện ra nhu cầu hợp tác của nhau.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến lễ ký Thoả thuận hợp tác giữa Cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam và Cơ quan xúc tiến thương mại Iran (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến lễ ký Thoả thuận hợp tác giữa Cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam và Cơ quan xúc tiến thương mại Iran. Ảnh: TTXVN

Trước thềm Diễn đàn đã diễn ra các hoạt động ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về công nghệ, nghiên cứu và giáo dục, xúc tiến thương mại… làm nền tảng góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với tỉnh Qazvin, Iran. Đây là những tín hiệu tích cực và đáng vui mừng, đánh dấu tình hữu nghị hợp tác chân thành và lâu dài giữa hai đất nước Việt Nam và Iran.

Phiên giao thương trực tiếp doanh nghiệp tại Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm tham gia đặc biệt của doanh nghiệp hai bên, trao đổi về nhiều cơ hội hợp tác liên kết kinh doanh, xúc tiến thương mại, đầu tư trong đa dạng các lĩnh vực.

Trên 300 lượt giao dịch đã được thực hiện với 22 thỏa thuận xuất nhập khẩu, hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ đã được trao đổi cụ thể trong các lĩnh vực nhà máy điện rác, thiết bị công nghiệp, vật liệu xây dựng, công nghệ sinh học trong bào chế dược phẩm và thành phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, cà phê, hạt tiêu, các loại hạt, máy bơm, máy nông nghiệp, chế tạo tuabin điện gió và thiết bị nước nóng năng lượng mặt trời, vận tải hàng hóa...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia đánh giá chương trình được tổ chức rất chuyên nghiệp, kết nối sát thực nhu cầu hợp tác của doanh nghiệp hai nước.

Sáng 11/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Hồi giáo Iran từ ngày 8 - 10/8/2023.
 
Lượt xem: 7
Tác giả: Hà Hương
Tin liên quan