Thứ năm, 21/11/2024 - 14:50

Tinh giản bộ máy để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển

Phát biểu tại thảo luận tổ của Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu thực trạng bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam quá cồng kềnh, chồng chéo và điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo hướng tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, bởi nếu không kịp thời tinh gọn sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Tinh giản bộ máy để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển

Cần tiếp tục tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ảnh: Hải Nguyễn

1 giấy khai sinh, lòng vòng qua 5-6 cơ quan

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu một thực tế là 70% ngân sách Nhà nước hiện vẫn dùng để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ hoạt động của bộ máy. Điều này đồng nghĩa chỉ còn 30% nguồn lực dành cho đầu tư cho phát triển, quốc phòng, an ninh, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội.

“Vì sao không thể tăng lương được là vì tăng lương ngân sách chi cho trả lương sẽ tăng lên đến 80-90%, không còn tiền ngân sách để cho các hoạt động khác” - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Vì vậy, Tổng Bí thư đề nghị, cần phải nhìn vào thực chất để tiếp tục tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Dẫn câu chuyện một tờ giấy khai sinh nhưng có đến 5 - 6 cơ quan tham gia, lòng vòng từ y tế, tư pháp, công an, khiến người dân mất cả tuần đến chục ngày mới xong, Tổng Bí thư Tô Lâm đặt vấn đề: “Tại sao không làm các thủ tục ngay ở trạm y tế đó để khi người ta bế con về là đầy đủ giấy tờ? Như thế người dân có sướng không?” và nhìn nhận việc tinh gọn bộ máy phải bắt đầu từ những việc rất cụ thể, rất chi tiết và rất thực tế.

Giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ

Trong báo cáo Chính phủ mới đây về tổng kết thi hành Luật Tổ chức Chính phủ (TCCP) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, hiện còn nhiều vấn đề đặt ra về mô hình tổ chức và hoạt động của Chính phủ cần được giải quyết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Đáng chú ý, bộ máy Chính phủ dù có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa thật sự tinh gọn. Mô hình tổ chức Chính phủ gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ vẫn được duy trì ổn định qua 4 nhiệm kỳ đang tiếp tục bộc lộ những điểm bất hợp lý trước yêu cầu phát triển và đổi mới.

Cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, ngành cũng vẫn chưa thật sự gọn nhẹ. Tình trạng lẫn lộn chức năng hoạch định chính sách pháp luật và chức năng thực thi pháp luật trong bộ máy hành chính Nhà nước dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khó khắc phục.

Bối cảnh hiện nay đang đòi hỏi một Chính phủ thật sự kiến tạo phát triển, rõ về nhiệm vụ, chức năng, thẩm quyền, tinh gọn về bộ máy, hiệu quả về hoạt động. Đồng thời cần thực hiện có lộ trình giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ; tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của bộ trưởng với tư cách thành viên Chính phủ trong quản lý vĩ mô và xây dựng chính sách.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ theo đó nêu định hướng cần tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng về phát huy hiệu quả mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; thực hiện có lộ trình giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ. Và kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật TCCP năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10.2024 vừa ban hành, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khẩn trương thực hiện tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết 18; xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Việc này cần hoàn thành trong tháng 12. Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ khẩn trương đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc về tinh gọn bộ máy của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 20.11.

Quyết liệt cắt giảm, thậm chí cắt bỏ

Về vấn đề tinh gọn bộ máy, TS. Vũ Trung Kiên (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhìn nhận, một bộ máy hiệu lực, hiệu quả không nhất thiết Trung ương có cơ quan nào, ở cấp tỉnh, cấp huyện phải có cơ quan đó. Cần quyết liệt cắt giảm, thậm chí cắt bỏ các cơ quan, đơn vị chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

Cân nhắc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ

Khi thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TCCP, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá việc sửa đổi, bổ sung luật đáp ứng yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn cuộc sống đặt ra và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước nói chung và Tổng Bí thư Tô Lâm nói riêng trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần thuyết minh rõ, lấy ví dụ cụ thể về các vướng mắc, bất cập trong việc thi hành luật để làm sâu sắc hơn nữa sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật; đồng thời cân nhắc việc sửa đổi toàn diện Luật TCCP để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong công tác tổ chức bộ máy.

Giảm 17 tổng cục và tương đương

Qua sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đến nay giảm được 17 Tổng cục và tổ chức tương đương Tổng cục; giảm 10 Cục; giảm 145 Vụ/Ban thuộc Tổng cục và thuộc bộ; giảm cơ bản phòng trong vụ.

Lượt xem: 3
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật