Thứ tư, 15/01/2025 - 17:38

Vốn FDI chưa thể đưa nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn

Theo các chuyên gia, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồi dào đã cho Việt Nam một hình ảnh mới trên bản đồ thương mại nhưng chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn.

Liên kết mạnh ở nhóm ngành… công nghệ thấp

Tại hội thảo “Liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cùng Viện Konrad - Adenauer - Stiftung (KAS) tổ chức ngày 5/12, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR, cho rằng, khu vực doanh nghiệp FDI với sự góp mặt của nhiều tập đoàn đa quốc gia đã đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước.

Điều này thể hiện ở việc khu vực FDI luôn là đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu. Tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh chóng, từ 30% vào năm 1997 khi Việt Nam gia nhập ASEAN lên 65% giai đoạn 2011 - 2015 và lên khoảng 71% giai đoạn 2016 - 2020. Theo Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất nhập khẩu của khu vực FDI năm 2022 đạt 506,83 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 273,63 tỷ USD, chiếm 73,7% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước; nhập khẩu đạt 233,2 tỷ USD, chiếm 65% tổng giá trị nhập khẩu cả nước. Cán cân thương mại của khối FDI năm 2022 thặng dư 40,42 tỷ USD. Kết quả cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp FDI cũng như đóng góp quan trọng của khu vực này với nền kinh tế nước ta.

Tuy nguồn vốn FDI dồi dào đã cho Việt Nam một hình ảnh mới trên bản đồ thương mại nhưng chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn, TS. Nguyễn Quốc Việt nhận xét.

Đơn cử, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc trình độ công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn xếp ở vị trí thấp (90/100). Trong đó, theo số liệu World Economic Forum 2019, công nghệ nền tảng đứng thứ 92/100; năng lực đổi mới sáng tạo thứ 77/100; FDI và chuyển giao công nghệ xếp thứ 73/100. Tỷ lệ sản phẩm công nghệ trung bình và cao cấp của Việt Nam chỉ chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu trong khi các nước trong khu vực đạt tới 80%.

Bên cạnh đó, liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI mạnh mẽ nhưng chỉ nổi bật nhất ở nhóm ngành có công nghệ thấp, trung bình và nhóm ngành dịch vụ.

Đáng chú ý, tỷ trọng đóng góp vào xuất khẩu của nhóm ngành chế biến, chế tạo (ngành cấp 2) khá khiêm tốn, chỉ chiếm 25% năm 2017 mặc dù nhóm ngành này đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ xuất khẩu của Việt Nam. Sự bất đối xứng giữa tỷ trọng đóng góp vào tổng xuất khẩu và tổng xuất khẩu giá trị gia tăng của nhóm ngành chế biến chế tạo phản ánh thực tế xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các hoạt động sử dụng nhiều lao động với giá trị gia tăng thấp, và các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa đủ khả năng cung cấp cho các nhà sản xuất FDI định hướng xuất khẩu.

Tăng năng lực để thúc đẩy liên kết 

Nhóm phân tích VEPR đúc kết, mặc dù đã thu hút nhiều FDI, song mối liên kết cả "ngược" lẫn "xuôi" giữa khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu.

Nhằm thúc đẩy sự liên kết này để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, các ý kiến tại hội thảo cho rằng, tập trung tạo ra sự kết nối giữa các vùng là một biện pháp quan trọng. Cùng với đó, nhanh chóng hoàn thiện chính sách liên quan đến đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; tập trung hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ theo các chuỗi liên kết. 

Cũng theo TS. Nguyễn Quốc Việt, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu chính thức từ 1/1/2024 sẽ khiến khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi khung thuế ưu đãi thay đổi. Các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ phải chấm dứt cuộc đua xuống đáy về thuế và các ưu đãi dạng thuế với các nước trong khu vực. Ngoài ra, các động lực thu hút dòng vốn FDI chất lượng, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ giá trị gia tăng, năng lượng tái tạo hướng tới kinh tế xanh, kinh tế số cũng sẽ gặp không ít thách thức. Do đó, việc thay đổi các biện pháp hấp dẫn thu hút vốn đầu tư nói chung, FDI nói riêng bằng cách hoàn thiện năng lực cạnh tranh quốc gia là vấn đề cấp thiết.

"Nếu không sớm quan tâm và thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp Việt thì hiệu quả thu hút FDI sẽ không cải thiện nhiều trong thời gian tới. Vì thế, phải làm tốt điều này, bởi đó là điều kiện cần để bức tranh kinh tế Việt Nam thực sự tươi sáng hơn với những dấu ấn đậm nét hơn ở chuỗi cung ứng toàn cầu, trong nỗ lực thu hút FDI", Phó Viện trưởng VEPR quan điểm.

Lượt xem: 20
Nguồn:tapchitaichinh.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật