Chủ nhật, 24/11/2024 - 23:01

Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn

Ngày 28/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức “Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam”. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam và nhiều doanh nghiệp lớn tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh đây là Hội nghị khởi động thực hiện chủ trương lớn của Việt Nam; Triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại “Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại “Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam”

Tại Hội nghị COP26, các quốc gia đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 để giữ mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này. Trong đó, chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch, tái tạo là trọng tâm.

Tuy nhiên, theo nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Ellen Macarthur, chuyển đổi năng lượng cùng với tiết kiệm sử dụng hiệu quả năng lượng chỉ đóng góp được 55% cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, 45% nằm ở các giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Tại Việt Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn là trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030. Đây là một chủ trương phù hợp với xu thế toàn cầu và sự phát triển tất yếu của thời đại.

Vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn đã nêu rõ trong Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020. Theo đó, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên liệu, vật liệu kéo dài vòng đời sản phẩm; Hạn chế chất thải phát sinh và giải thiểu tác động tiêu cực đến mô trường.

Toàn cảnh “Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam”.
Toàn cảnh “Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam”

Các Bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; Quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải; Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối…

Việc áp dụng các nguyên tắc loại bỏ chất thải và ô nhiễm, lưu thông các sản phẩm, nguyên liệu và tái tạo thiên nhiên trong mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp, nông nghiệp. Cụ thể, việc giảm thiểu và loại bỏ chất thải và ô nhiễm sẽ giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi giá trị bằng cách luân chuyển các sản phẩm và vật liệu, có thể thu giữ lại năng lượng có trong các sản phẩm và vật liệu; Tái tạo tự nhiên sẽ giúp cô lập và thu giữ được các-bon.

Cũng tại sự kiện quan trọng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) chính thức khai trương Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ tại hội nghị về kinh tế tuần hoàn
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ tại hội nghị về kinh tế tuần hoàn

Theo các chuyên gia, chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn, hướng tới một nền kinh tế không phát thải, trung tính carbon vào năm 2050 là tham vọng toàn cầu nhằm dịch chuyển các ngành công nghiệp và chuỗi giá trị toàn cầu trong 25 tới 30 năm, bằng khoảng thời gian của một thế hệ hôm nay vì sự phát triển bền vững của thế hệ mai sau.

Đây là một xu thế tất yếu không thể đảo ngược, không thể chậm chễ hơn nữa. Sự cam kết của Chính phủ các quốc gia, các vùng lãnh thổ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc 2021 (COP26) với quyết tâm cao nhất, tinh thần gắn kết cao nhất, chung tay nỗ lực hành động vì sự thịnh vượng gắn với môi trường, khí hậu an toàn và bền vững được xem là mệnh lệnh cho những nỗ lực và hành động quyết liệt của chính các quốc gia.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ tại hội nghị, kinh tế tuần hoàn là một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam mà việc đầu tư vào hệ thống quản trị, phát triển thể chế và chính sách để thúc đẩy kinh doanh bền vững, giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm sẽ giúp Việt Nam đảm bảo phục hồi kinh tế xanh trong tương lai.

Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh, sự phục hồi kinh tế sau COVID-19 mang lại cơ hội lịch sử để chuyển hướng sang một mô hình phát triển bền vững và bao trùm hơn. Phục hồi xanh từ COVID-19 có thể giảm phát thải khí nhà kính tới 25% dưới kịch bản thông thường của doanh nghiệp vào năm 2030, tăng khả năng cho kịch bản giữ nhiệt độ tăng dưới 2 độ C, phù hợp với Thỏa thuận khí hậu Paris.

Đại diện doanh nghiệp tại
Đại diện doanh nghiệp tại "Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam”

“Tại UNDP, chúng tôi cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng tầm nhìn xa hơn về sự phục hồi kinh tế xanh, một nền kinh tế tuần hoàn bao trùm và các-bon thấp để thực hiện phát thải ròng bằng không vào năm 2050. UNDP kêu gọi tất cả các đối tác của chúng tôi tham gia cùng nhau và thực hiện sứ mệnh này, nền kinh tế tuần hoàn trung hòa carbon - một trong đó là định hình lại chuỗi giá trị, xem xét lại các mô hình sản xuất và tiêu dùng, đồng thời chú trọng vào giới cho một quá trình chuyển đổi công bằng đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Caitlin Wiesen khẳng định.

Tại Hội nghị, các đối tác trong nước và quốc tế đã cùng nhau chia sẻ về các mô hình kịnh tế tuần hoàn đã thành công trên thế giới, trong khu vực và từ đó, xác định các mô hình phù hợp có thể áp dụng tại Việt Nam. Tại Diễn đàn, gần 20 gian hàng triển lãm trình diễn về khái niệm, cách tiếp cận và các mô hình kinh tế tuần hoàn được giới thiệu đến các đại biểu tham dự.

Lượt xem: 190
Tác giả: Vũ Cường
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật