Thứ bảy, 23/11/2024 - 16:05

“Youtuber” Đặng Văn Tú - thầy thuốc của người nghèo

Là trưởng nhóm thiện nguyện của các y bác sĩ thường xuyên khám chữa bệnh từ thiện ở vùng khó khăn, Đặng Văn Tú còn thường xuyên làm các video hướng dẫn vật lý trị liệu, phục hồi chức năng trên Youtube.

Đặng Văn Tú là cử nhân vật lý trị liệu và phục hồi chức năng - Trưởng nhóm PT (kỹ thuật viên) của Trung tâm phục hồi chức năng, bệnh viện Bạch Mai. Anh cũng là trưởng nhóm thiện nguyện “Chung tay vì sức khỏe cộng đồng.vn”, gồm các y bác sĩ thường xuyên tiến hành các hoạt động khám chữa bệnh cho người nghèo, người già, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng núi, vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, Đặng Văn Tú còn tự thực hiện các video đưa lên Youtube để hướng dẫn người dân chữa bệnh bằng phương pháp không dùng thuốc.

Ứng dụng công nghệ để phục vụ đông đảo người bệnh

Mặc dù công việc ở bệnh viện rất bận rộn, đã vất vả lại càng vất vả hơn trong đại dịch Covid-19, Đặng Văn Tú vẫn duy trì một kênh Youtube để giới thiệu các bài tập phục hồi chức năng đến đông đảo cộng đồng. Anh tâm sự, ban đầu mở kênh Youtube chỉ để lưu lại những video kỷ niệm, nhưng sau đó anh nhận ra, bằng cách này anh có thể giúp rất nhiều người chưa có điều kiện đến bệnh viện hoặc sau khi xuất hiện trở về nhà, tiếp tục duy trì tập để phục hồi chức năng. “Thực ra có nhiều bệnh nhân không có điều kiện về thời gian, về kinh phí để đến tận bệnh viện điều trị. Nhưng youtube thì họ rất dễ tiếp cận, xem video hướng dẫn và làm theo”.

Những bài tập anh làm trên Youtube được đúc rút từ 20 năm kinh nghiệm làm công tác vật lý trị liệu, phục hồi chức năng ở Bệnh viện Bạch Mai, đã được chứng minh về hiệu quả. Sau một thời gian Đặng Văn Tú đưa các bài tập lên, anh nhận được nhiều phản hồi, nhiều lời cảm ơn của người dân ở khắp mọi nơi.

Nội dung các video clip trong Youtube Van Tu Dang (https://www.youtube.com/channel/UCwogbT16cAyBkdB_wqVpmkA) rất dễ hiểu và thiết thực, như:  Kỹ thuật tập thở dành cho bệnh nhân Covid, kỹ thuật xoa bóp vai- cổ, Phương pháp tập cho những em bé bị giật mình khi ngủ, Chia sẻ kinh nghiệm điều trị người bệnh tổn thương tủy sống, Kỹ thuật xoa bóp trị đau thần kinh liên sườn, Kỹ thuật xoa bóp trị đau thần kinh tọa do chèn ép, Bài tập cho người bị chấn thương khớp háng giai đoạn ổn định…

Những video clip đều do anh tự ghi hình, nên khá đơn giản, nhưng dễ hiểu, dễ làm theo

Những video clip đều do anh tự ghi hình, nên khá đơn giản, nhưng dễ hiểu, dễ làm theo

Phản hồi của mọi người ở dưới mỗi video lại gợi ý cho anh về chủ đề những video tiếp theo, đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Anh không cầu kỳ trong việc làm video mà tự ghi hình bằng điện thoại hoặc máy ảnh để có những video ngắn, đơn giản và cụ thể, nhằm hướng dẫn người bệnh và người nhà bệnh nhân phục hồi sức khỏe, chữa bệnh bằng phương pháp không dùng thuốc.

Khởi xướng nhóm y bác sĩ “Chung tay vì sức khỏe cộng đồng.vn”

Vài năm trước, trong một lần viếng thăm chùa Phúc Long- một ngôi chùa ở Sóc Sơn (Hà Nội), Đặng Văn Tú thấy có rất các cụ già neo đơn sống nhờ vào nhà chùa. Tuổi già không tránh khỏi bệnh tật, nhiều cụ đau lưng, đau xương khớp... đúng những căn bệnh thuộc về chuyên môn điều trị của Tú. Anh đã cùng đồng nghiệp tình nguyện khám cho họ. Cũng chính từ sau chuyến đi ấy, Tú bàn bạc với bạn bè lập ra nhóm thiện nguyện “Chung tay vì sức khỏe cộng đồng.vn”.

Đặng Văn Tú trong chuyến đi khám chữa bệnh từ thiện cho các cụ già ở Sóc Sơn, Hà Nội

Đặng Văn Tú trong chuyến đi khám chữa bệnh từ thiện cho các cụ già ở Sóc Sơn, Hà Nội

Nhóm “Chung tay vì sức khỏe cộng đồng.vn” do Tú làm Trưởng nhóm hoạt động từ 2015 đến nay, thường xuyên tổ chức khám từ thiện và cấp phát thuốc miễn phí theo đơn dựa trên những chuyên khoa mà nhóm có nhân lực. “Tôi làm về chuyên khoa xương khớp có thể kết hợp với thần kinh. Bạn bè tham gia cùng là những người có môn tốt về nhi khoa, mắt, y học cổ truyền, răng hàm mặt, tim mạch, tai mũi họng…” Đặng Văn Tú chia sẻ. Đến nay, nhóm quy tụ hơn 100 y bác sĩ, bao gồm cả những bác sĩ có chuyên môn cao (có học vị tiến sĩ, có kinh nghiệm khám chữa bệnh, đang là trưởng khoa… của một số bệnh viện tuyến trung ương). Nhóm đã đi nhiều nơi thuộc các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc, Tây Bắc, miền Trung và khu vực Hà Nội để khám bệnh, cấp thuốc.

Làm ngành Y bận rộn, thường xuyên phải trực tại bệnh viện, thành viên trong nhóm lại từ nhiều bệnh viện khác nhau, nên để sắp xếp cho mỗi chuyến đi thiện nguyện như vậy, anh và mọi người phải mất rất nhiều công phu. Tú cho biết, với mỗi chương trình của nhóm, anh và các bạn bè, đồng nghiệp lên kế hoạch từ trước đó 2-3 tháng, thật kỹ càng, cụ thể. Sau đó, họ dành 2 ngày cuối tuần, vì đó là khoảng thời gian dễ thu xếp nhất.

Hoạt động thiện nguyện của nhóm ngày càng lan tỏa, truyền cảm hứng khiến ngày càng có thêm nhiều y bác sĩ tình nguyện tham gia nhóm. Không chỉ khám và cấp phát thuốc miễn phí, nhóm còn kết nối với các nhà tài trợ để tặng các vật dụng sinh hoạt cho người nghèo, hỗ trợ xây nhà vệ sinh cho học sinh vùng sâu, vùng xa; tặng quần áo, giày dép, sách vở cho học sinh các trường tiểu học nằm trong thôn, xã mà nhóm tổ chức chương trình khám chữa bệnh.

Không chỉ tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, Tú và nhóm thiện nguyện còn thường xuyên tổ chức tặng quà cho các trường học ở vùng khó khăn

Không chỉ tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, Tú và nhóm thiện nguyện còn thường xuyên tổ chức tặng quà cho các trường học ở vùng khó khăn

“Không phải làm chương trình khám, phát thuốc miễn phí là dễ đâu nhé nhà báo” - Tú chia sẻ. “Thời kỳ đầu khi chúng tôi thực hiện các chương trình như vậy từng gặp khó khăn, bởi trên thực tế là có những cá nhân, những nhóm người từng mang danh nghĩa khám miễn phí để lừa người dân mua thuốc, mua thực phẩm chức năng, máy hỗ trợ sức khỏe… cho nên khi thấy chúng tôi, có những người dân cảm thấy nghi ngờ”.

Lần sau, rút kinh nghiệm, Tú xin xác nhận của bệnh viện Bạch Mai và chính quyền địa phương nơi nhóm thực hiện chương trình. “Có nơi họ còn cử người đến tận bệnh viện để xác minh tôi có phải đang công tác ở đấy không, có phải nhóm thực sự làm chương trình thiện nguyện không” - Tú kể lại.

Còn khi được chứng kiến tận mắt việc làm của nhóm rồi, bà con lại ngóng trông ngày các y bác sĩ mang chương trình quay trở lại.

Nhiếp ảnh gia trong bệnh viện

Đặng Văn Tú có sở thích chụp ảnh. Năm 20 tuổi, anh dành dụm mua một chiếc máy ảnh, chụp bằng phim. Rồi công việc bận rộn, anh cũng không có nhiều thời gian đầu tư cho đam mê ấy. Mãi những năm gần đây, anh mới giao lưu với những người yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh để học hỏi. Từ năm 2019, được sự động viên của bạn bè, anh mạnh dạn gửi ảnh dự thi tới các cuộc thi ảnh, và cũng đạt được một số giải thưởng. Năm 2020 bộ ảnh “Trong vòng cách ly” của Đặng Văn Tú đoạt Giải A cuộc thi ảnh “Ấn tượng Việt Nam mùa COVID-19” do Bộ Y tế phối hợp với Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển tổ chức, Giải Nhất cuộc thi Marathon do Truyền hình nhân dân tổ chức, đồng thời được trưng bày tại Triển lãm toàn quốc của hội nghệ sĩ nhiêp ảnh Việt Nam. Đây là chùm ảnh do Đặng Văn Tú chụp bằng điện thoại di động trong những ngày bị bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa vì đại dịch Covid. Tất cả những bức ảnh đoạt giải của Tú từ trước đến nay đều là những ảnh chụp hoạt động trong bệnh viện. Điều đó phần nào cho thấy lòng yêu nghề và sự gắn bó của anh với công việc.

Một tấm ảnh trong bộ ảnh
Một tấm ảnh trong bộ ảnh "Trong vòng cách ly" mà Đặng Văn Tú thực hiện

Một người yêu nghề, yêu cuộc sống, luôn hết mình trong mọi việc làm và truyền cảm hứng cho người khác- đó là những nhận xét của bạn bè, đồng nghiệp dành cho Đặng Văn Tú./.

Lượt xem: 290
Tác giả: Nguyễn Thúy Hoa/VOV ảnh: nhân vật cung cấp
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật