Hòa nhạc "Là con gái để tỏa sáng" góp phần xóa bỏ định kiến giới
Tối 10/12 tại Hà Nội, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) phối hợp với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam (VNSO) tổ chức Chương trình Hòa nhạc Tài năng trẻ “Là con gái để toả sáng” tại Học viện Âm nhạc Việt Nam.
Tiếp nối sự thành công của hai buổi hòa nhạc đã được tổ chức vào năm 2020 và 2021, chương trình năm nay có sự góp mặt của các nữ nghệ sĩ độc tấu trẻ tuổi, nhằm hướng đến nâng cao nhận thức cộng đồng và đề cao giá trị của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, đặc biệt là giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.
Hình ảnh tại buổi hòa nhạc "Là con gái để tỏa sáng" |
Đây cũng là sự tham gia của UNFPA trong Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới của Việt Nam, cũng như Chiến dịch Toàn cầu 16 Ngày Đoàn kết hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng nổi tiếng Honna Tetsuji, các nhạc sĩ trẻ tài năng của Việt Nam đã biểu diễn các tác phẩm nổi tiếng của các nhà soạn nhạc lừng danh trên thế giới. Bao gồm các tác phẩm: Harp Concerto Bb-major, Op. 4 Số 6, HWV 294 của George Frideric Handel; Andante e Rondo cho Viola và Dàn nhạc của Carl Maria Fridrich Ernst von Weber; Bản Rhapsody Hungary cho Cello và Dàn nhạc của David Popper; Grand Polonaise Brilliante, Op. 22 của Frédéric Chopin; Double Bass Concerto, Op. 3 (1st & 2nd movements) của Serge Koussevitzky và A Midsummer Night’s Dream Suite của Felix Mendelssohn Bartholdy.
Bình đẳng giới ở Việt Nam đã được cải thiện trong những thập kỷ qua và Luật Phòng, chống Bạo lực Gia đình sửa đổi đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11 đã lồng ghép cách tiếp cận dựa trên quyền và lấy người bị bạo lực làm trung tâm trong các văn bản pháp luật của Việt Nam. Điều này phản ánh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề bạo lực gia đình và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, như những thực hành có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Tại Việt Nam, trong 3 phụ nữ thì có gần 2 người bị một hoặc nhiều hình thức bạo lực trong đời, theo Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ do Bộ LĐTBXH và Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ của UNFPA và Australia. Và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang tiềm ẩn trong xã hội Việt Nam, vì hơn 90% phụ nữ chưa bao giờ tìm kiếm bất kỳ dịch vụ hỗ trợ nào và hơn một nửa trong số họ chưa bao giờ nói với bất kỳ ai về điều đó.
Trong khi đó, lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới là vấn đề vẫn tồn tại dai dẳng ở Việt Nam và được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) ở nước ta. Như Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã chỉ ra, TSGTKS ở Việt Nam nghiêng về nhiều bé trai hơn đã tăng nhanh và đạt 111,5 bé trai trên 100 bé gái vào năm 2019, so với TSGTKS “bình thường” về mặt sinh học là 105 - 106 bé trai trên 100 bé gái. TSGTKS của Việt Nam cao thứ ba ở Châu Á.
Bằng chứng cho thấy sự mất cân bằng nhân khẩu học này là kết quả của việc lựa chọn giới tính trước sinh, tức là chấm dứt thai kỳ khi thai nhi được xác định là bé gái. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 ước tính mỗi năm Việt Nam có 45.900 trẻ em gái bị thiếu hụt.
Cần thay đổi ngay thực trạng bạo lực trên cơ sở giới và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới là thông điệp chính của buổi hoà nhạc.
Trong phần phát biểu khai mạc, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis kêu gọi sự chú ý và hành động của mọi người: “Tối nay tôi muốn kêu gọi mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ Việt Nam hãy giúp lan toả thông điệp của buổi hòa nhạc và là tác nhân tạo ra sự thay đổi.
Hãy nói "Không" với bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hãy nói "Không" với tâm lý ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Hãy để sức mạnh của âm nhạc gắn kết tất cả chúng ta lại với nhau, hướng tới sự phát triển toàn diện, công bằng và bền vững tại Việt Nam.”