Ngày tình yêu, vấn vương “Giăng mắc tình ta”
Sau khi giới thiệu bài thơ “Giăng mắc tình ta”, tòa soạn đã nhận được bài viết Ngày tình yêu, vấn vương “Giăng mắc tình ta” của nhà phê bình văn học Nguyễn Lan. Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giờ thiệu cùng bạn đọc!
Phải chăng là hữu duyên cho những tâm hồn luôn vương vấn chữ tình, chữ yêu? Thế cho nên, tình yêu có bao giờ phai nhạt. Tình yêu khơi nguồn mọi duyên sự thế gian. Và cũng bởi chữ tình mà nối dài, mà “Nổi chìm, giăng mắc…”.
“Và phía ấy sông trôi về biền biệt”
Mái trường xưa, phượng sắp nở bung rồi
Bóng dáng anh nhòa trong hoàng hôn đến
Đêm trở mình cứ ran nóng đôi môi…
“Em chờ gì phía cuối dòng sông”
Chờ lời hát anh gửi theo mây gió
Chờ vòng tay xiết ghì truyền hơi ấm
Trụ vững cuộc đời giữa bão táp, mưa sa.
“Em biết thế đời là cuộc đi”
Đi và viết cùng trang đời mải miết
Phù sa ơi, hổng thêm bờ bãi
Con chữ Tình yêu thầm thì bên tai…
Trang thơ này anh đọc chắc chưa vui
Nói chưa hết cái diệu kỳ thời trẻ
Những trải nghiệm cuộc đời hai thập kỷ
Nổi chìm, giăng mắc Tình ta…
Hồng Vinh, HN - SG, ngày 13/2/2022
Nhà báo - Nhà thơ - PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh |
Hồng Vinh, một cái tên thân thuộc trong làng thơ, làng văn Việt Nam hiện đại. Nói đến ông, là nói đến bao trải nghiệm sâu lắng đậm chất triết lý nhân sinh. Nói đến ông, là nói đến cây viết lão luyện trong nghề. Ấy vậy mà, “Giăng mắc tình ta” như cơn gió lạ xua tan cái không khí nồm ẩm, ướt nhẹp mấy ngày qua.
Có cái gì đó là lạ, nhè nhẹ mà ngấm, mà thấm như “Trải nghiệm cuộc đời hai thập kỷ”. Cũng có cái gì đó như là sự “bất thường” trong phong cách Hồng Vinh mà tôi vốn thấy xưa nay. Từ “Tiếng quê”; “Nhịp điệu thời gian”; “Xanh mãi”; “Chồi biếc”… đến “Vang âm tiếng sóng”, dường như đều chất chứa tiếng lòng thao thức về cuộc đời, về dòng đời mải miết chuyện nhân sinh, thế sự với cảm hứng về tình yêu Tổ quốc, Nhân dân dâng trào. Và tình yêu cũng vậy, không đơn thuần chỉ là tình yêu đôi lứa.
Tập thơ Chồi biếc của Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh |
Dường như, mỗi chuyện tình được tác giả gợi nhớ thường đến từ không gian, thời gian có thực. Nó hiện hữu, đọng sâu trong những mối tình đi qua những tháng năm lửa đạn, chiến tranh, đi qua một giai đoạn của đất nước. Đơn cử như, một chiều hạ bên Hồ Tây, hòa hương sen thơm ngát “Tóc em hương bưởi tỏa lan” cũng làm thi sĩ bồi hồi nhớ tưởng đến Trường Sơn: “Hương thầm từ lá thư em/ Rạo rực mùa hương hoa sữa/ Bịn rịn trong buổi tiễn đưa/ Hương rừng Trường Sơn nhung nhớ” (Một chữ hương). Hay: “Đêm thoáng nhớ Hà thành/ Con đường ta hay dạo/ Heo may về se lạnh/ Bóng nắng lồng vào nhau...” (Bóng nắng).
Tưởng đâu nỗi nhớ của những cặp đôi xa nhau. Tưởng đâu kỷ niệm thuở chưa xa. Chập chòa trong “bóng nắng” ấy lại là cả câu chuyện về cuộc chiến chống covid của cả dân tộc, là màu áo trắng của các y bác sĩ. Chất thế sự đan cài, lồng trong cảm xúc chứa chan, cái tôi - cái ta, cái riêng - cái chung quyện lẫn, tạo nên phong cách Hồng Vinh.
Trở lại với “Giăng mắc tình ta”, một phá cách rất lạ. Cái lạ thứ nhất, Bài thơ có bốn khổ thơ nhưng có tới 3 khổ thơ lấy câu đầu tiên như một điểm tựa, một mệnh đề dẫn. Điểm tựa ấy được đặt trong dấu “…”. “Và phía ấy sông trôi về biền biệt”; “Em chờ gì phía cuối dòng sông”; “Em biết thế đời là cuộc đi”.
Phải chăng đây là ẩn ý của tác giả, muốn người đọc hòa nhập cùng cảm xúc về mái trường xưa, về hàng phượng đỏ sắp bung nở, về bóng dáng người thương với “ran nóng đôi môi”. Có lẽ rằng, chỉ cần từ “ran nóng” đó thôi cũng đủ gói trọn bao hồi ức tình yêu. Phải chăng là xúc cảm ngọt ngào, lãng mạn, ấm nồng hay sự trào dâng cảm xúc mãnh liệt?
“Em chờ gì phía cuối dòng sông”. Sự tò mò, thấp thỏm của tình yêu chăng hay mối hồ nghi đang bắt đầu nhen nhóm? Cái biến hóa đột ngột trong tâm trạng những người đang yêu đã mau chóng tìm ra câu trả lời dễ thương. “Chờ lời hát anh gửi theo mây gió/ Chờ vòng tay xiết ghì truyền hơi ấm”. Bao nghi ngờ, hờn dỗi vừa trỗi chợt tan biến. Tình yêu xa đẹp lạ. “Em chờ gì…”/ “Chờ lời hát…”/ “Chờ vòng tay…”.
Chờ tiếng anh, chờ vòng tay anh. Đợi chờ trong tình yêu mang lại sức mạnh vô biên chống chọi mọi bão giông cuộc đời. Cung bậc tình yêu được đẩy lên đến đỉnh điểm với cái “xiết ghì” vô cùng mãnh liệt, khao khát. Nhưng thực tế luôn trái ngược. Với cái nhìn chân thực, tác giả đành chua xót buông thõng một câu “Em biết thế đời là cuộc đi”. Còn đâu mãi cảm xúc lúc “ran nóng đôi môi”, khi “vòng tay xiết ghì”.
Hiện thực vẫn là hiện thực. Vẫn phải đi, vẫn phải viết, vẫn phải sinh tồn, vẫn phải thuận theo quy luật tự nhiên, như dòng sông kia có bên lở bên bồi, như cảm xúc yêu có lúc trầm lúc bổng. Tuy cất lên tiếng ca nhuốm màu nuối tiếc “Phù sa ơi, hổng thêm bờ bãi”, nhưng vẫn vương vấn mãi hai tiếng tình yêu.
Cái lạ thứ hai là lời bộc lộ vô cùng chân thành đến mộc mạc của tác giả. “Trang thơ này anh đọc chắc chưa vui”. Khác với Hồng Vinh sâu sắc, tinh tế của “Chồi biếc”, của “Xanh mãi”, cũng khác với Hồng Vinh lắng sâu triết lý, nghĩa tình của “Vang âm tiếng sóng”. Tưởng như lời tâm sự này lạc lõng và có phần lạc điệu trong câu chuyện tình rất đẹp. Nhưng không, chính cái mộc mạc ấy lại là tâm điểm của một tình yêu mãnh liệt.
Khép lại bài thơ là tâm trạng chưa thỏa, chưa đi đến tận cùng những giai điệu tình yêu. “Trang thơ này anh đọc chắc chưa vui/ Nói chưa hết cái diệu kỳ thời trẻ/ Những trải nghiệm cuộc đời hai thập kỷ…” và có lẽ, đó chính là duyên cớ của “Nổi chìm, giăng mắc Tình ta”.