Những điều đọng lại sau SEA Games 31
SEA Games 31 chính thức khép lại bằng một màn bế mạc đầy cảm xúc và lắng đọng. Trong những ngày diễn ra đại hội, các vận động viên đã cống hiến cho khán giả những màn trình diễn đẹp mắt, ấn tượng. Mùa SEA Games nào cũng có những giọt mồ hôi, những nụ cười chiến thắng và có cả những giọt nước mắt tiếc nuối. Nhưng có lẽ sự cổ vũ nhiệt tình, nồng hậu của khán giả nước chủ nhà chính là nét riêng có, là dấu ấn đậm nhất trong lòng những vận động viên các nước khi tham dự SEA Games 31 tại Việt Nam.
Những khán đài đầy ắp khán giả
Trong suốt những ngày diễn ra SEA Games 31, từ những khán đài của sân Thiên Trường (Nam Định), nơi diễn ra các trận đấu thuộc bảng B môn bóng đá nam, đến sân Việt Trì (Phú Thọ), nơi tổ chức các trận đấu thuộc bảng A, luôn đầy ắp khán giả.
Tại sân vận động Cẩm Phả (Quảng Ninh) tối 21/5, trận chung kết bóng đá nữ giữa Việt Nam gặp Thái Lan, phủ khắp 4 khán đài là sắc đỏ của áo và cờ. Gần 20.000 khán giả đã có mặt ở đây, cùng nhau khoác lên mình chiếc áo màu cờ Tổ quốc. Sắc đỏ lung linh quyện trong ánh đèn, đan xen với đèn flash từ hàng nghìn chiếc điện thoại của các cổ động viên đã tạo nên một bức tranh huyền ảo, diệu kỳ đến khó tả.
Sân vận động Cẩm Phả (Quảng Ninh) được nhuộm đỏ bởi gần 20.000 cổ động viên |
Fanpage ASEAN Football sau đó đã đăng tải hình ảnh về một rừng cờ đỏ sao vàng trên sân Cẩm Phả cùng dòng trạng thái: "Khoảnh khắc của hôm 21/5. Bầu không khí tuyệt vời ở sân Cẩm Phả hôm nay. Hơn 16.000 cổ động viên tới xem trận chung kết bóng đá nữ."
Đó là một sự thừa nhận của truyền thông khu vực. Đó cũng là lời khẳng định cho tình yêu bóng đá cuồng nhiệt của người Việt Nam. Sân Cẩm Phả chỉ là một minh chứng điển hình nhất cho sự cuồng nhiệt ấy.
Tại sân Thiên Trường (tỉnh Nam Định) đăng cai tổ chức bảng B, dù không có sự hiện diện của U23 Việt Nam nhưng mỗi trận đấu tại đây, khán đài đều chật cứng người hâm mộ. Không khí trên sân Thiên Trường làm cho các đội bóng có cảm giác như đang được đá trên chính sân nhà của mình. Điều này đã gây ấn tượng mạnh với bạn bè Đông Nam Á.
Chia sẻ sau trận đấu giữa U23 Thái Lan gặp U23 Malaysia, bà Nualphan Lamsam, Trưởng đoàn bóng đá U23 Thái Lan, nói: "Tôi đã có 16 năm ở trong môi trường bóng đá và rất bất ngờ với sự nhiệt huyết, cũng như thân thiện của các cổ động viên bóng đá Việt Nam. Tôi thích bầu không khí của sân Thiên Trường. Điều sau cùng của các trận đấu là gắn kết mối quan hệ giữa các quốc gia. Tôi nghĩ bóng đá có thể mang đến tình bạn giữa các nước".
Tại Hà Nội, sân vận động Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước, Cung thể thao Quần Ngựa, Nhà thi đấu Cầu Giấy... những ngày diễn ra SEA Games luôn đầy ắp khán giả dõi theo các cuộc tranh tài đỉnh cao của thể thao Đông Nam Á.
Theo ông Nguyễn Trọng Hổ, Giám đốc Khu liên hợp Thể thao Quốc gia chia sẻ, tại SEA Games 31, mỗi trận điền kinh thu hút hơn 10.000 khán giả đến cổ vũ, trên tổng 40.000 ghế ngồi tại sân Mỹ Đình. Lượng người hâm mộ gấp khoảng 20 lần so với các giải đấu khác. Trong nhiều trận đấu, cổ động viên phải đến sớm để xếp hàng vào sân, "tranh" vị trí đẹp để thuận tiện theo dõi. Một số khu thi đấu riêng như bơi lội, bắn cung nhiều lúc phải đóng cửa, ngừng nhận khán giả vì sân quá tải.
Điều tương tự cũng đã xảy ở Nhà thi đấu các tỉnh: Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Giang hay Bắc Ninh… Người hâm mộ đến sân không chỉ để cổ vũ riêng cho các vận động viên Việt Nam. Với tình yêu thể thao cuồng nhiệt, họ coi đây là cơ hội để tận hưởng, được chứng kiến các trận đấu hay của ngày hội thể thao lớn nhất khu vực.
Trong buổi trao đổi với báo chí ngày 23/5, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 chia sẻ: “Trước khi diễn ra SEA Games 31, tất cả chúng ta đều nghĩ rằng kỳ đại hội sau đại dịch sẽ rất khó khăn. Nhiều người hỏi chúng tôi rằng đại hội có được tổ chức không, rồi khán giả có thể được vào xem không. Đến gần đại hội thì chúng ta đã thực hiện được việc mở cửa đón người hâm mộ.
Chúng tôi rất bất ngờ và hạnh phúc khi chứng kiến sự đón nhận nhiệt tình của người dân. Đã có nhiều địa điểm thi đấu phải đóng cửa vì quá đông khán giả. Không chỉ có sân đấu lớn ở Thủ đô, ngay cả các địa điểm thi đấu các địa phương khác, ví dụ sân Nam Định, không có đội tuyển Việt Nam nhưng người dân vẫn đến rất đông.
Chúng tôi chỉ đạo phải tạo điều kiện tốt nhất để cho người dân vào xem. Ngay cả khi hết chỗ ngồi thì vẫn cho người dân ngồi cả bậc thềm để cổ vũ SEA Games. Theo thống kê của BTC thì hầu hết các VĐV đều có gia đình đến trực tiếp cổ vũ, dù ở xa hay gần”.
Việt Nam - Chúng tôi xin chào
Kết thúc sau gần 3 tuần tranh tài, SEA Games 31 đã để lại ấn tượng tốt cho các quốc gia bạn, đánh dấu một kỳ đại hội tổ chức nhiều thách thức nhưng thành công trong bối cảnh đại dịch. Có những khoảnh khắc đã đọng lại trong tâm trí những vận động viên nước bạn khi đến Việt Nam thi đấu.
Ở tuổi 68, kinh qua rất nhiều giải đấu tầm cỡ thế giới nhưng Efren Reyes, huyền thoại Billard Philippines vẫn choáng ngợp trước tình yêu thể thao của người Việt Nam.
"Toàn đoàn Philippines đều cảm thấy sốc. Tôi không thể ngờ rằng người hâm mộ Việt Nam đến xem đông đến thế. Thật sự tôi cảm thấy rất hạnh phúc và cảm nhận được sự nồng nhiệt khi tới Việt Nam. Tôi nhận ra tình yêu của những người hâm mộ. Tôi cũng rất yêu quý họ. Tôi sẽ giữ mãi những ấn tượng này trong lòng và không bao giờ quên", huyền thoại Billard Philippines chia sẻ.
Felisberto khoác lên mình lá cờ Timor Leste và cầm trên tay quốc kỳ Việt Nam |
Felisberto De Deus giành huy chương Bạc điền kinh. Đó là tấm huy chương đầu tiên của Đoàn thể thao Timor Leste ở đấu trường SEA Games. Đứng ở vạch đích chờ gần 10 phút, anh hụt hẫng khi chưa thể cầm trên tay lá cờ nước mình. Lúc này, một nữ tình nguyện viên Việt Nam chạy ra từ khán đài, đưa lá cờ Timor Leste cho Felisberto để anh quàng vai tự tin sải bước quanh sân vận động Mỹ Đình trong tiếng hò reo, cổ vũ của cổ động viên Việt Nam. Sau đó, hai vận động viên của Việt Nam chạy đến nắm tay Felisberto và cùng nhau ăn mừng. Họ tạo ra một hình ảnh đẹp, ý nghĩa và thiêng liêng trong ngày hội thể thao Đông Nam Á.
Felisberto khoác lên mình lá cờ Timor Leste, còn cầm trên tay quốc kỳ Việt Nam. Anh muốn lưu giữ tất cả những điều này, muốn trân trọng từng khoảnh khắc tại Mỹ Đình.
Những câu chuyện của Efren Reyes hay Felisberto chỉ là điển hình. Ở Nhà thi đấu Ninh Bình, nhiều học sinh đã mang đặc sản quê mình tới tận sân để tặng cho các đoàn thi đấu.
Ở sân Việt Trì, hàng trăm cổ động viên đã nán lại sau các trận đấu để thu dọn rác, trong đó có cả những em nhỏ, những cụ già… Tất cả những điều đó tạo nên một hình ảnh đẹp, như một thông điệp mạnh mẽ truyền tải đến cả khu vực về tình yêu thể thao, về sự thân thiện, hiếu khách của con người Việt Nam.
Các liền anh liền chị hát quan họ gửi lời chào tới bạn bè quốc tế |
Theo chia sẻ của bà Lê Thị Hoàng Yến - Giám đốc Trung tâm báo chí SEA Games 31 đồng thời là Phó trưởng Tiểu ban Thông tin truyền thông SEA Games 31 với báo chí: "Cho đến trước ngày cuối cùng thi đấu của SEA Games 31 diễn ra, chúng tôi luôn nhận được những lời khen và cảm ơn sự đón tiếp chuẩn bị của chủ nhà Việt Nam trong các môn thi đấu và tại các điểm thi đấu”.
Không chỉ thành công trong công tác tổ chức, Việt Nam đã tạo ra một kì đại hội ấn tượng, đọng lại những ký ức tươi đẹp khi bạn bè trong khu vực ở gần bên nhau, cùng nhau tranh tài, cùng nhau cống hiến và toả sáng.
Ngọn lửa của SEA Games 31 đã tắt sau Lễ bế mạc nhưng tinh thần thể thao, tinh thần vì một Đông Nam Á mạnh mẽ, tinh thần vì một khối ASEAN đoàn kết sẽ tiếp tục cháy sáng. SEA Games 32 sẽ chờ đón chúng ta tại “đất nước Chùa tháp” Campuchia. Việt Nam - Chúng tôi xin chào!