Phim truyền hình Hàn Quốc có xu hướng ngày càng ít tập
Sở thích của khán giả đối với cách kể chuyện nhanh đã thúc đẩy xu hướng phim truyền hình Hàn Quốc dạng ngắn (8-10-12 tập) ngày càng nhiều.
Nhiều phim truyền hình Hàn Quốc hiện nay kéo dài không quá 10-12 tập. Ảnh: NSX
Theo Korea Times, định dạng phim truyền hình Hàn Quốc 16 tập truyền thống đang dần được thay thế bằng các bộ phim chỉ còn 12 tập, hoặc thậm chí 8-10 tập. Điều này phản ánh nhu cầu của khán giả về cốt truyện chặt chẽ hơn và cách kể chuyện nhanh hơn.
Các nền tảng phát trực tuyến (OTT) đã đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi này, vì cách người xem tiếp nhận phim truyền hình vẫn đang tiếp tục thay đổi từng ngày.
Trước đây, phim truyền hình thường kéo dài 24 tập, rồi giảm xuống còn 20, sau đó định dạng phim 16 tập được duy trì trong nhiều năm. Nhưng thời điểm hiện tại, xu hướng phim truyền hình dạng ngắn khoảng 10-12 tập đang rất phổ biến, ở cả phim của đài truyền hình và nền tảng trực tuyến.
Nhiều bộ phim lên sóng gần đây như “Motel California” (Lee Se Young, Na In Woo đóng chính) của đài MBC, “Love Scout” (Lee Joon Hyuk, Han Ji Min) của đài SBS, “The Queen Who Crowns” (Cha Joo Young, Lee Hyun Wook) của đài tvN, và phim "Unmasked" (Kim Hye Soo, Jung Sung Il) của nền tảng Disney+ đều theo cấu trúc 12 tập.
“Love Scout” được yêu thích thời gian gần đây. Ảnh: NSX
2 bộ phim "The Potato Lab" (Lee Sun Bin, Kang Tae Oh) và "The Divorce Insurance" (Lee Dong Wook, Lee Joo Bin, Lee Kwang Soo) của đài tvN sắp ra mắt trong tháng 3, cũng có độ dài 12 tập.
Các tác phẩm khác như "The Witch" (Park Jin Young, Roh Jeong Eui) của Channel A, "Study Group" (Hwang Min Hyun, Han Ji Eun, Cha Woo Min) của Tving và "Melo Movie" (Choi Woo Sik, Park Bo Young) của Netflix áp dụng mô hình 10 tập.
Bộ phim đề tài y khoa "The Trauma Code: Heroes on Call” (Joo Ji Hoon, Choo Young Woo, Ha Young) của Netflix vừa gây sốt dịp Tết Nguyên đán, thậm chí chỉ bao gồm 8 tập.
Ban đầu, phim lên kế hoạch chiếu 10 tập, mỗi tập dài 60 phút. Nhưng sau đó, chương trình đã được tái cấu trúc thành 8 tập, mỗi tập dài 45 phút.
Sự điều chỉnh này cho phép "The Trauma Code" truyền tải câu chuyện có nhịp độ nhanh, phù hợp với thói quen xem phim hiện đại, nhưng vẫn đảm được sự sâu sắc, hấp dẫn trong kịch bản.
Phim mới “Newtopia” của Jisoo có 8 tập. Ảnh: NSX
Bộ phim xác sống "Newtopia" (Jisoo Blackpink, Park Jung Min) của nền tảng Coupang Play cũng có 8 tập, đang phát sóng vào thứ 6 hàng tuần.
Sự gia tăng của các nền tảng phát trực tuyến và sự phổ biến của các định dạng theo mùa (nhiều phần) cũng góp phần vào sự thay đổi này. Người xem đã quen với cấu trúc 12 tập, khiến các định dạng dài hơn trở nên quá mức.
Một lợi thế chính của phim truyền hình không quá 12 tập là khả năng duy trì mức độ tương tác cao. Cách kể chuyện chặt chẽ hơn với ít tập phim phụ, mang lại cho người xem trải nghiệm nhập vai tốt hơn.
Ngay cả chỉ với 8 tập, một số loạt phim gốc của nền tảng trực tuyến đã tạo ra tác động mạnh mẽ và lâu dài. Thay vì những tác phẩm có nhịp độ chậm, với sự lặp lại không cần thiết, người xem ngày càng thích những bộ phim truyền hình dạng ngắn.
"The Trauma Code: Heroes on Call” đang được đề nghị sản xuất phần 2, vì 8 tập phim gây tiếng vang lớn, đứng Top 1 Netflix toàn cầu chỉ sau hơn 1 tuần ra mắt.
Khán giả đề nghị "The Trauma Code: Heroes on Call” nhanh chóng sản xuất phần 2 vì kịch bản hấp dẫn. Ảnh: NSX
Tuy nhiên, xu hướng này cũng có thách thức. Các công ty sản xuất phải đối mặt với tình trạng mất doanh thu do ít tập phim hơn. Trong khi, các đài truyền hình phải vật lộn với việc doanh thu quảng cáo giảm, vì những bộ phim ăn khách kết thúc nhanh chóng.
Việc lấp đầy các khung giờ phát sóng cũng trở thành một lo ngại lớn. Số tập phim giảm đồng nghĩa với việc phải sản xuất thêm phim mới hoặc tiến hành quay các phần tiếp theo để nối sóng.
Mặc dù việc phát hành nhiều phần phim là một lựa chọn, nhưng không có gì đảm bảo rằng phần thứ 2 sẽ đạt được thành công như phần đầu tiên.
Song, Korea Times nhấn mạnh, xu hướng phim truyền hình ngắn tập, hoặc rút gọn số tập bằng cách chia thành nhiều phần, sẽ giúp củng cố bản chất cạnh tranh của ngành, nơi chỉ có nội dung chất lượng cao mới nổi bật và đạt được thành công.