Thứ sáu, 20/09/2024 - 07:11

Xung quanh chuyện các nhà làm phim đi tìm bối cảnh

Một bối cảnh phim tốt tạo ra cảm xúc, giúp các diễn viên có những cảnh diễn xuất ăn ý. Chính vì thế, việc tìm kiếm, thiết kế bối cảnh phù hợp cho mỗi bộ phim là khâu hết sức quan trọng...

Xung quanh chuyện các nhà làm phim đi tìm bối cảnh

Đạo diễn Trần Hữu Tấn tại bối cảnh quay làng Sảo Há, Hà Giang. Ảnh nhân vật cung cấp

Các nhà làm phim Việt cho biết, bối cảnh phim ở nước ta vừa thừa, vừa thiếu. Tức là rất dễ tìm các cảnh đẹp, nhưng các cảnh đó lại không đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật để quay. Xung quanh chuyện tìm bối cảnh thực hiện các bộ phim ở Việt Nam có nhiều chuyện thú vị.

Lên 1.600 mét tìm bối cảnh

“Tết ở làng Địa Ngục” và “Kẻ ăn hồn” là dự án kép gồm một phim truyền hình và một phim điện ảnh do ProductionQ sản xuất. Phim dựa trên các sáng tác của nhà văn Thảo Trang, kể về những sự kiện kinh hoàng và ám ảnh xảy ra ở làng Địa Ngục - ngôi làng hoang vu trên núi cao quanh năm khói sương bao phủ.

Chia sẻ với Lao Động, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết, không dễ để tìm được bối cảnh quay như mô tả trong tiểu thuyết gốc. “Khi tìm bối cảnh cho “Tết ở làng Địa Ngục”, tôi và ê kíp sản xuất đã lên một danh sách gồm 10 ngôi làng cổ ở Hà Giang, từ Đồng Văn xuống Yên Minh sang Mèo Vạc rồi đến Vị Xuyên. Có danh sách rồi, đoàn phim bắt đầu đi thực địa.

Mỗi ngôi làng đều có vẻ đẹp riêng, nhưng đều không phù hợp để ghi hình. Bởi chúng không có được vẻ nguyên sơ, độc bản và tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài” - Trần Hữu Tấn nói.

Trong lúc sắp tuyệt vọng, đạo diễn Trần Hữu Tấn được một người lái xe ôm ở Hà Giang kể, ở huyện Yên Minh có một ngôi làng cổ “cao thật là cao, đường đi lên quanh co hiểm trở chỉ vừa một đường bánh xe”.

Anh quyết định thử nốt lần cuối và thu được quả ngọt. “Khi xe vừa dừng tại cổng làng, lập tức tôi cảm giác như có một dòng điện chạy dọc sống lưng. Một số bạn trong đoàn ôm nhau khóc, tất cả đều cảm nhận đây đúng là bối cảnh như trong truyện”.

Làng Sảo Há nằm ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, cheo leo, hiểm trở, biệt lập, không có đường ôtô lên nên toàn bộ thiết bị quay phim phải chở lên bằng xe máy.

Cặp đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân có tiếng trong giới làm phim là những người cực kỳ khó tính khi chọn bối cảnh. Khi thực hiện phim “Chuyện ma gần nhà”, Hoàng Quân dành nhiều tháng trời để tìm một chung cư cũ “gợi cảm giác thập niên 1970” ở TPHCM làm bối cảnh quay.

Dựng Đà Lạt thành Paris

“Em và Trịnh” có kinh phí sản xuất lên đến 60 tỉ đồng. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ, trong quá trình quay phim có một kỷ niệm khiến anh nhớ mãi.

“Đó là cảnh Trịnh Công Sơn gặp bà Michiko ở Paris. Ban đầu chúng tôi dự kiến sẽ đi Pháp để thực hiện cảnh quay này. Nhưng thời điểm sản xuất phim trùng vào dịch COVID-19, việc đi lại xuất ngoại rất khó khăn”.

Trong cái khó ló cái khôn. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh được giới thiệu bối cảnh tại khách sạn Đà Lạt Palace, tòa nhà do người Pháp xây dựng, mang nhiều nét kiến trúc giống như Paris.

Sau khi trực tiếp khảo sát thực địa, cân nhắc các yếu tố phù hợp, Phan Gia Nhật Linh quyết định sẽ quay bối cảnh Paris tại đây.

Công nghệ điện ảnh ngày càng phát triển, kỹ thuật máy tính có thể tạo ra bất cứ thứ gì - dù là phi thực tế nhất - trên màn ảnh rộng. Tuy thế, nhiều nhà làm phim vẫn cho rằng, một bối cảnh chân thực sẽ đem đến giá trị nghệ thuật lớn cho bộ phim.

Lượt xem: 39
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan