Thứ tư, 11/12/2024 - 19:44

‏VEIA: Chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn đều đang muốn đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam

Với sự phát triển vượt bậc trong nhiều năm trở lại đây, ngành điện tử đang trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh lớn ngay trên thị trường nội địa, nếu không có những bước tiến đổi mới.

Ngành điện tử Việt Nam trong bức tranh kinh tế toàn cầu

‏‏‏Chia sẻ tại lễ khai mạc “Triển lãm Quốc tế linh kiện điện tử và sản xuất thông minh tại Việt Nam 2024 (GEIMS Việt Nam 2024)” ngày 28/11, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), cho rằng ngành điện tử Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế và là điểm đến hấp dẫn cho đổi mới và đầu tư.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Mai Trang.

‏Đặc biệt, trong vòng 2 năm trở lại đây, nhất là năm 2024, việc chuyển dịch chuỗi cung ứng về Việt Nam ngày càng rõ nét, dòng vốn FDI đổ vào các ngành sản xuất, lắp ráp và cung ứng linh kiện.‏

‏Tính riêng 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử đã đạt 105 tỷ USD, xấp xỉ bằng tổng kim ngạch xuất khẩu điện tử cả năm 2023 (109 tỷ USD). Con số này cho thấy sức tăng trưởng vượt trội và đầy tiềm năng của ngành cũng như sức phát triển của chuỗi cung ứng điện tử thông minh tại Việt Nam.‏

‏Chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn đều đang muốn đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Các hãng điện tử lớn đã có mặt ở Việt Nam như Samsung, LG, Intel Việt Nam… cũng đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư như Samsung, LG, Intel Việt Nam…‏

 

‏Theo báo cáo Thương mại thế giới (World Trade Report), Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động, đứng thứ 5 về xuất khẩu máy tính và linh kiện.‏

‏Theo bà Hương, Châu Á sẽ vẫn là động lực tăng trưởng. Áp lực chính trị và kinh tế tác động đến Trung Quốc sẽ dẫn đến việc tiếp tục chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia châu Á khác. Việt Nam và Ấn Độ dường như sẵn sàng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ do lực lượng lao động lớn, tỷ lệ lao động thấp và đầu tư đáng kể của các công ty điện tử đa quốc gia.‏

‏Vị thế của Việt Nam trong bản đồ điện tử thế giới. Ảnh: World Trade Report‏

3 yếu tố tác động đến đầu tư vào ngành điện tử tại Việt Nam‏

‏Bà Đỗ Thị Thúy Hương khẳng định Việt Nam đang có hàng loạt tiềm năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử, trong đó có 3 yếu tố chính là: lao động; chính sách; hạ tầng bất động sản công nghiệp.‏

‏Điện tử là một trong những ngành thâm dụng lao động tại Việt Nam. Lực lượng lao động ngành điện tử lớn thứ ba trong tất cả các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chỉ sau dệt may và da giày). Đây là một đặc thù riêng có của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam: vừa là ngành tập trung vốn, tập trung công nghệ, lại vừa là ngành tập trung lao động.‏

‏Đồng thời, Chính phủ đang dành rất nhiều chính sách, ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp điện tử. Theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, sản xuất phụ kiện, linh kiện điện tử, cụm chi tiết điện tử là một trong những ngành nghề được khuyến khích và được hưởng ưu đãi đầu tư từ Chính phủ. Ngoài ra những dự án đầu tư có vốn lớn hơn 6.000 tỷ VNĐ (tương đương khoảng 250 triệu USD) – các dự án lắp ráp lớn đầu tư vào Việt Nam trong ngành điện tử theo thống kê của HOUSELINK thường có mức vốn tương tự, cũng được hưởng ưu đãi đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam.‏

‏Về yếu tố hạ tầng bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, theo bà Hương, ở mỗi vùng, miền ở Việt Nam đều có lợi thế về vị trí địa lý khác nhau. Nếu như ở miền Bắc có các khu công nghiệp (KCN) gần với đường cao tốc thì ở miền Trung lại có lợi thế đường bờ biển dài, các KCN cũng được bố trí xây dựng dọc theo các tuyến đường bờ biển nên có vị trí gần với các cảng biển, thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu và giao thương hàng hóa…‏

‏Bên cạnh đó, trên cơ sở khảo sát 357 KCN, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp đạt trên 87%. Phần lớn các Khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy trên 90%. Ngoài ra do sự tham gia của các KCN mới đi vào hoạt động nên các KCN có tỷ lệ lấp đầy dưới 25% cũng chiếm tỷ lệ đáng kể. Bên cạnh đó dịch vụ cho thuê kho bãi cũng đang ngày càng được đẩy mạnh và tập trung nhiều ở khu vực miền Nam.‏

‏Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, tính kết nối của doanh nghiệp nội địa Việt Nam với các thương hiệu lớn còn yếu, luôn ở thế bị động, thiệt thòi trong đàm phán đơn hàng và giá cả; hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng ngành điện tử vẫn ở vị trí thấp, với đơn hàng không ổn định và vẫn đang ở phần đáy của chuỗi với vị trí doanh nghiệp sản xuất.

Tin liên quan
Đang chờ cập nhật