Thứ năm, 19/09/2024 - 08:36

Áp dụng sớm thuế tối thiểu toàn cầu giúp môi trường đầu tư minh bạch, công bằng

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu nhằm xác định quyền đánh thuế của Việt Nam và mang lại lợi ích cho Đất nước. Cho rằng ban hành Nghị quyết sẽ giúp môi trường đầu tư đảm bảo tính minh bạch, công bằng, các đại biểu Quốc hội cũng đều thống nhất cao việc cần sớm ban hành Nghị quyết này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ các nội dung liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ các nội dung liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Xác định quyền đánh thuế của Việt Nam

Tại phiên thảo luận chiều 20/11, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc ban hành Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu là xác định quyền đánh thuế của Việt Nam và mang lại lợi ích cho Đất nước.

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam phải thực hiện các quy định của quốc tế. Bối cảnh này cũng đòi hỏi Việt Nam chủ động sửa đổi các quy định của pháp luật để phù hợp với yêu cầu của quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế của Đất nước.

Làm rõ thêm nội dung về phần thuế này được nộp vào ngân sách trung ương chứ không phải ngân sách địa phương, Bộ trưởng cho biết, dự toán ngân sách 3 năm và hàng năm được Quốc hội thông qua đã quy định rõ tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Do đó, việc nộp vào ngân sách trung ương sẽ không ảnh hưởng đến điều hành và quản lý của ngân sách địa phương và thuận lợi cho việc hỗ trợ ngân sách địa phương từ ngân sách trung ương.

Nếu trường hợp thay đổi thì phải quy định lại về tỷ lệ điều tiết. Mặt khác, nếu nộp vào địa phương khó xác định bởi các doanh nghiệp, công ty đóng trên địa bàn các địa phương khác nhau. Do đó, rất dễ xảy ra tranh chấp nguồn thu và phát sinh thủ tục hành chính nếu doanh nghiệp trên nhiều địa bàn. 

Về thuế nhà đầu tư nước ngoài nộp qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới, Bộ trưởng cho hay, hiện nay, Bộ Tài chính đang thu nộp theo tỷ lệ vào ngân sách trung ương là 5% thuế giá trị gia tăng và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Liên quan đến việc giao Tổng cục Thuế chỉ định đơn vị nộp thuế, Bộ trưởng cho biết, trước tiên cần phải ưu tiên cho các doanh nghiệp, công ty mẹ chỉ định và khi họ không chỉ định được thì cơ quan quản lý nhà nước phải chỉ định. Đây là biện pháp cuối cùng để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. 

Chia sẻ về nội dung bù trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp trong dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, quy định này nhằm tránh thu thuế 2 lần đối với những quốc gia đã kí hiệp định song phương với Việt Nam. Liên quan đến năm tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, khi thu thuế tại Việt Nam thì sẽ phải thực hiện theo quy định về tài khoá của Việt Nam.

Trước ý kiến đại biểu về mức 750 triệu EUR, Bộ trưởng nêu, nội dung này thực hiện theo quy định của OECD. Dự thảo Nghị định cũng quy định phân bổ tỷ giá bình quân 12 tháng liền kề trước năm phát sinh doanh thu, thu nhập được tham chiếu do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Quy định này đã rất rõ ràng. "Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, Bộ Tài chính sẽ làm việc với các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng để đảm bảo thực thi hiệu quả", Bộ trưởng cho biết thêm. 

Cần sớm ban hành Nghị quyết

Trước đó, thảo luận về nội dung trên, đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội nhất trí cao với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Theo đại biểu, để đảm bảo lợi ích quốc gia, cần thiết phải ban hành Nghị quyết, song song với đó cần ban hành chính sách để khuyến khích hỗ trợ đầu tư mới để đảm bảo công bằng cho tất cả các doanh nghiệp. 

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp.

Đại biểu lưu ý, về quan điểm, phải khẳng định, việc ban hành các chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư mới không phải là một biện pháp để bù đắp thiệt hại cho các nhà đầu tư do phải nộp thuế bổ sung, vì điều này là vi phạm các nguyên tắc của OECD. Chính sách hỗ trợ đầu tư cần bảo đảm nguyên tắc công bằng hướng tới tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt đó là doanh nghiệp thuộc đối tượng phải chịu thuế bổ sung hay không. 

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, các lĩnh vực, dự án cần ưu tiên thu hút: Lĩnh vực công nghệ cao thân thiện với môi trường; hoạt động nghiên cứu phát triển; lĩnh vực năng lượng tái tạo; các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao và có quy mô lớn và tất cả đều nhằm tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.

Cũng thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc nhất trí rằng, cần thiết ban hành Nghị quyết. Đại biểu cho biết, thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu là khoản thuế mới, chưa được quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, việc ban hành chính sách bổ sung là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, mang lại cơ hội mới như tăng thu ngân sách từ phần thu thuế bổ sung, đồng thời chống chuyển giá, trốn thuế.

Về quan điểm xây dựng Nghị quyết, đại biểu nhất trí với quan điểm chủ động ủng hộ và áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp nộp thuế, bổ sung thuế tại Việt Nam. 

Đánh giá cao dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết sẽ giúp môi trường đầu tư đảm bảo tính minh bạch, công bằng giữa các quốc gia. Việc Việt Nam áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam; giúp thu được một khoản thuế bổ sung từ thuế tối thiểu toàn cầu; đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Chính sách này cũng thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiệm cận với xu thế chung của thế giới. Đồng thời, vẫn giữ nguyên được các chính sách ưu đãi đối với các trường hợp áp dụng các doanh nghiệp mà không thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư nâng cao kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quốc gia, cần tiếp tục đầu tư nhiều nữa cho hạ tầng về giao thông để góp phần giảm chi phí logistics, chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là lĩnh vực công nghệ cao và kinh tế xanh; Hỗ trợ thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nên có đầu mối hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính...

Lượt xem: 4
Nguồn:tapchitaichinh.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan