Ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương nhận định như vậy bên lề kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra từ ngày 22 đến ngày 23/7/2024.
Đánh giá về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương trong 6 tháng đầu năm 2024, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương cho biết, từ báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh, qua kết quả tổng hợp ý kiến thảo luận của các tổ đại biểu HĐND tỉnh trước kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy: Trong 6 tháng năm 2024 mặc dù tình hình chung còn nhiều khó khăn, không thuận lợi, song với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, sự điều hành linh hoạt, sâu sát của UBND tỉnh cùng với sự chung sức, đồng lòng của các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tỉnh đã vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả khá tích cực.
Ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương. |
Theo đó, trong 36 chỉ tiêu chủ yếu đã có 26 chỉ tiêu đạt và vượt 50% kế hoạch cả năm đề ra, trong đó có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch cả năm đề ra. Nổi bật, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 6,8%; tiến độ thi công đường Vành đai 3, thủ tục đầu tư đường Vành đai 4, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được khẩn trương thực hiện; công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 và thành phố thông minh triển khai hiệu quả...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế còn có một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh mặc dù có tăng so với cùng kỳ năm 2023 nhưng mức tăng trưởng chưa có sự bứt phá, tương xứng với lợi thế tiềm năng của tỉnh.
“Đặc biệt, trong 6 tháng năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được 825 triệu USD, đạt 85% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này cho thấy lợi thế cạnh tranh của tỉnh về thu hút đầu tư đã có dấu hiệu giảm dần và cần có giải pháp đột phá hơn để thu hút mạnh trở lại”, ông Nguyễn Văn Lộc nhấn mạnh.
Bình Dương ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc các doanh nghiệp có công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường (Ảnh: Thanh Minh). |
Theo kế hoạch, năm 2024, Bình Dương dự kiến thu hút khoảng 1,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, riêng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh phấn đấu thu hút 1,2-1,3 tỷ USD và từ 1.100-1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước.
Lũy kế đến nay, Bình Dương thu hút được 4.322 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 41 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội).
Để tiếp tục là điểm đến đầy tiềm năng cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài thế hệ mới, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút vốn FDI tăng trở lại trong thời gian tới.
Cụ thể, tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa tối đa và công khai, minh bạch đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết hồ sơ hành chính. Đồng thời, tập trung ưu tiên các nguồn lực để tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sạch; triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư.
Cùng với đó, tập trung phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng hệ sinh thái mới để thúc đẩy phát triển.
“Thời gian tới, tỉnh đẩy nhanh tiến độ mở rộng các khu công nghiệp và đầu tư mới các cụm công nghiệp theo quy hoạch, xây dựng tiêu chí phát triển công nghiệp sinh thái, công nghệ cao. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc các doanh nghiệp có công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường nhằm tạo nên sự hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội và tăng trưởng xanh để phát triển bền vững”, ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.
Bình Dương đang triển khai Chương trình đổi mới thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao; dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, nhất là thu hút đầu tư vào khu công nghiệp khoa học công nghệ trên nền tảng công nghiệp 4.0. |