Thứ sáu, 22/11/2024 - 19:10

Cần giải pháp đột phá đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng, giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tích cực nhưng chưa có nhiều đột phá, chưa đạt được như kỳ vọng...

Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên), 9 tháng năm 2023 với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đại biểu cho rằng, 3 động lực tăng trưởng đều chưa đạt kỳ vọng.

Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tích cực nhưng không đột phá, chưa đạt được như kỳ vọng và chưa thực hiện được vai trò nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Thắng, vốn đầu tư công là nguồn lực, động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023, lĩnh vực này cần bung ra mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt hơn nữa tháo gỡ những khó khăn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Cần giải pháp đột phá đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên)

Ông Thắng cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành liên quan có giải pháp về bố trí nguồn ngân sách để lập dự án đầu tư bảo đảm khi được bố trí vốn, việc triển khai được thuận lợi.

Theo đại biểu đoàn Hưng Yên, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai cung ứng, ổn định giá vật liệu xây dựng cho các dự án.

"Việc công bố giá vật liệu xây dựng cần phải kịp thời sát với giá thị trường ở thời điểm công bố, nhất là các dự án giao thông đường bộ trọng điểm", ông Thắng nói.

Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp để sớm tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản; có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển phân khúc nhà ở vừa túi tiền để bảo đảm thanh khoản tốt, giải quyết được nhu cầu chỗ ở thực và đang thiếu nguồn cung ở các đô thị lớn.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu các chính sách và giải pháp đột phá, đồng bộ tương ứng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; cần sớm ban hành một nghị quyết riêng để thí điểm các chính sách ưu đãi cụ thể về thuế, đất đai, tín dụng, thủ tục hành chính để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Lượt xem: 21
Tác giả: Hậu Lộc
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật