Thứ năm, 26/12/2024 - 16:59

Đầu tư bãi đỗ xe cao tầng, ngầm - giảm áp lực giao thông

Tại phiên chất vấn diễn ra ngày 11/12, kỳ họp 20 Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội, các đại biểu đã quan tâm đến việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải; đầu tư, khai thác bãi đỗ xe và các phương tiện cơ giới...

Bổ sung cơ chế đầu tư

Trả lời đâu hỏi của các đại biểu quan tâm đến vấn đề xây dựng, khai thác bãi đỗ xe, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, việc bổ sung cơ chế đầu tư bãi đỗ xe cao tầng và ngầm, trong Luật Thủ đô mà Quốc hội đã thông qua Điều 43 có liên quan nội dung này, thay thế Nghị quyết 07 năm 2019 của HĐND TP. UBND TP đang giao Sở xây dựng cơ chế. Trong cơ chế của Luật Thủ đô thay thế Nghị quyết 07 có đề cập vấn đề tạo tiền đề thu hút đầu tư trên địa bàn.

Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường trả lời chất vấn

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường trả lời chất vấn

Theo nghị định mới nhất của Chính phủ về Luật Đầu tư có việc thực hiện đấu giá quyền khai thác. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu nội dung này và tham mưu UBND TP thông qua việc sử dụng đầu tư công khai thác tư bãi đỗ xe ngầm.

Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã bàn việc thống kê theo quy hoạch các bãi đỗ xe ngầm, đặc biệt các bãi đỗ xe trong khu vực nội đô. Một số địa bàn (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) đang có ý kiến xem xét đưa vào hình thức đầu tư công và Sở đang bàn và xin hướng dẫn. Dự kiến hoàn thành trong quý II/2025.

Liên quan việc hướng dẫn các địa phương có nhu cầu dùng ngân sách địa phương xây dựng bãi đỗ xe ngầm, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Giao thông Vận tải sẽ có hướng dẫn sớm và báo cáo UBND TP.

Đưa trông giữ xe trở lại quỹ đạo

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường cho biết thêm: Toàn TP có 1.690 điểm trông xe, theo quy hoạch diện tích giao thông tĩnh phải đáp ứng 30% nhưng thực tế chúng ta mới có 0,5%.

Tình trạng thiếu trầm trọng bãi đỗ xe và liên quan đến ùn tắc giao thông, an ninh trật tự. UBND TP đã có cuộc họp với các ngành về vấn đề này, cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn chủ trì và thông báo danh mục chỉ đạo công việc.

Mặc dù TP đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên thu hút đầu tư nhưng vẫn khó khăn do tiền bỏ ra lớn, mà thu thấp nên khó thu hút đầu tư, khiến dự án chậm tiến độ. UBND TP đã chỉ đạo các sở, quận, huyện rà soát toàn bộ và xây dựng được 9 dự án, trong đó đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa 73 danh mục này vào khuyến khích đầu tư.

Cùng với danh mục mà TP trực tiếp đầu tư bằng đầu tư công, còn 10 dự án giao cho các quận dùng nguồn ngân sách của quận để đầu tư công với vị trí quy hoạch cụ thể; hiện đang rà soát thêm với các quận để thống nhất tác động.

Việc đỗ xe tạm, các kỳ trước đại biểu HĐND TP đã chất vấn nhưng liên quan đến Luật An toàn giao thông, Luật Đường bộ, Luật Thủ đô, để tiệm cận các nội dung Sở đã trình UBND, sắp tới quy định 250 tuyến phố được phép trông xe, với điều kiện bảo đảm không ùn tắc, còn liên quan đến nguyên tắc đưa trông giữ xe trở lại quỹ đạo, trật tự, góp phần bảo đảm trật tự đô thị.

Đại biểu chất vấn

Đại biểu chất vấn tại phiên họp

Phát triển giao thông thông minh

Trả lời câu hỏi của đại biểu về giao thông thông minh (ITS), Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, HĐND TP vừa thông qua Đề án giao thông thông minh ở kỳ họp trước và hôm qua UBND TP chính thức thông qua Đề án giao thông thông minh của Thủ đô. Trong đó chia làm 3 giai đoạn: 2025-2027 hình thành phát triển; 2027-2029 mở rộng phát triển; sau 2030 giai đoạn phát triển bền vững.

Khi thực hiện Đề án giao thông thông minh sẽ đưa giao thông của Hà Nội căn cơ hơn, góp phần giảm ùn tắc giao thông; đã triển khai trên 360 bãi điểm đỗ xe 2 không (không tiền mặt, không dừng) và 1 có (có hóa đơn, biên lai).

Ông Nguyễn Phi Thường cho biết thêm, giai đoạn thí điểm đã triển khai ở 17/30 quận huyện, tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 97,7%; kết quả tốt, phấn khởi, tạo thói quen không dùng tiền mặt, minh bạch, tiến tới bảo đảm trật tự an toàn mĩ quan đô thị.

Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, từ 1/7/2024, Luật Giá mới có hiệu lực. Trước đó, thực hiện cam kết của Sở Tài chính, Sở đã nghiên cứu một số mô hình thí điểm tại một số quận, huyện về trông giữ phương tiện và thu tiền bằng hệ thống điện tử.

Từ khi Luật Giá mới có hiệu lực, căn cứ vào đó, Sở đã tham mưu cho UBND TP giao nhiệm vụ giao Sở GTVT đánh giá Nghị quyết 07 để điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù phù hợp với Luật Giá mới và Luật Thủ đô và sẽ hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2025.

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 14
Tác giả: Lê Dung
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật