Ngành trí tuệ nhân tạo (AI) của Pháp sẽ nhận được khoản đầu tư tư nhân trị giá 109 tỷ Euro (tương đương 112,6 tỷ USD) trong những năm tới, Tổng thống Emmanuel Macron thông báo hôm 9/2, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh AI toàn cầu của nước này.
![]() |
Ngành trí tuệ nhân tạo (AI) của Pháp sẽ nhận được khoản đầu tư tư nhân trị giá 109 tỷ Euro trong những năm tới. Ảnh minh họa |
Đầu tư vào AI tại Pháp được so sánh với dự án Stargate của Mỹ
Phát biểu trên đài truyền hình TF1, Tổng thống Emmanuel Macron mô tả cam kết đầu tư này là “tương đương với những gì Mỹ đã công bố với dự án Stargate”, ám chỉ khoản đầu tư khổng lồ trị giá 500 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào AI.
Dự án liên doanh của Mỹ mang tên Stargate sẽ chứng kiến sự hợp tác của OpenAI, Oracle và SoftBank với khoản chi lên tới 500 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ trong bốn năm tới.
Trong khi đó, khoản đầu tư vào ngành AI của Pháp sẽ bao gồm cam kết từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), các quỹ đầu tư của Mỹ và Canada, cùng các công ty Pháp như tập đoàn viễn thông Iliad và Orange, cũng như tập đoàn hàng không và quốc phòng Thales.
Vài ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh Hành động về trí tuệ nhân tạo của Pháp, UAE tuyên bố sẽ đầu tư từ 30 - 50 tỷ Euro để xây dựng một trung tâm dữ liệu AI công suất một gigawatt tại Pháp như một phần của khuôn viên phát triển công nghệ này.
Tập đoàn viễn thông Iliad cam kết chi 3 tỷ Euro vào cơ sở hạ tầng AI, trong khi công ty AI Mistral có trụ sở tại Paris thông báo kế hoạch đầu tư hàng tỷ Euro để xây dựng trung tâm dữ liệu riêng tại Pháp.
Ông Victor Riparbelli, CEO của startup AI Synthesia có trụ sở tại Anh, nhận xét kế hoạch đầu tư 109 tỷ Euro của Tổng thống Emmanuel Macron là một "điều tuyệt vời" cho hệ sinh thái AI của châu Âu, nhưng cho rằng cần nhiều hơn nữa để đảm bảo châu lục này có thể cạnh tranh với các cường quốc công nghệ như Mỹ và Trung Quốc.
Cuộc đua AI toàn cầu
Hội nghị Thượng đỉnh Hành động về trí tuệ nhân tạo thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo thế giới và giám đốc của những công ty hàng đầu phát triển công nghệ này tại Paris.
Những nhân vật nổi bật tham dự bao gồm Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, ông Sundar Pichai, CEO của Google, ông Brad Smith, Chủ tịch Microsoft, ông Sam Altman, CEO của OpenAI, ông Demis Hassabis, CEO của Google DeepMind, và ông Dario Amodei, CEO của Anthropic.
Ông Elon Musk hiện không có kế hoạch tham dự.
Sự xuất hiện của mô hình AI mã nguồn mở R1 đột phá từ công ty Trung Quốc DeepSeek trong những tuần gần đây đã làm dấy lên các cuộc tranh luận về chi phí khổng lồ mà các công ty đang chi cho hạ tầng tính toán để huấn luyện hệ thống của mình.
DeepSeek tuyên bố tổng chi phí huấn luyện cho mô hình AI mới nhất của họ là 5,6 triệu USD. Tuy nhiên, có nhiều nghi vấn về tính xác thực của tuyên bố này.
Tháng trước, công ty nghiên cứu bán dẫn SemiAnalysis ước tính chi phí phần cứng của DeepSeek đã vượt 500 triệu USD, đồng thời nhấn mạnh rằng chi phí nghiên cứu và phát triển cũng như quyền sở hữu của startup này là rất lớn.
Hôm 9/2, ông Demis Hassabis, CEO của Google DeepMind, cho biết mô hình AI của DeepSeek là "công trình tốt nhất" mà ông từng thấy từ Trung Quốc, nhưng từ góc độ công nghệ thì không có thay đổi lớn nào. Ông cho rằng sự thổi phồng về DeepSeek là "hơi quá mức".
Dẫu vậy, với việc các công ty chi hàng tỷ USD cho các trung tâm dữ liệu sử dụng chip tiên tiến từ nhà sản xuất chip của Mỹ Nvidia, mô hình mới của DeepSeek đã khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ bong bóng trong lĩnh vực AI.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh AI, ông Mike Capone, CEO của công ty phần mềm Mỹ Qlik, chia sẻ với CNBC rằng, DeepSeek có thể sẽ trở thành chủ đề thảo luận chính trong tuần này, khi các chính phủ trên thế giới đối mặt với những tiến bộ AI của Trung Quốc.
Ông Capone nói với CNBC: "Hãy kỳ vọng một cuộc chiến thông điệp chiến lược khi các nhà lãnh đạo AI từ Mỹ, Pháp và Anh tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của DeepSeek, trong khi Trung Quốc cố chứng minh rằng họ không chỉ đang bắt kịp mà còn dẫn đầu cuộc chơi".
"Ngoại giao AI giờ đây cũng quan trọng như phát triển AI. Cuộc đấu tranh quyền lực sẽ không chỉ xoay quanh việc ai xây dựng mô hình tốt nhất, mà là ai kiểm soát được câu chuyện về AI", ông nói thêm.
Khoản đầu tư vào ngành AI của Pháp sẽ bao gồm cam kết từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), các quỹ đầu tư của Mỹ và Canada, cùng các công ty Pháp như tập đoàn viễn thông Iliad và Orange, cũng như tập đoàn hàng không và quốc phòng Thales. |