Thứ tư, 15/01/2025 - 15:09

Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư

Năm 2023, Sở Công Thương Bến Tre tiếp tục phối hợp triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy; Kế hoạch phát triển các cụm công nghiệp (CCN) giai đoạn 2021 - 2025, trong đó ưu tiên xúc tiến, thu hút đầu tư thứ cấp và hạ tầng các CCN trên địa bàn.

Sản xuất các sản phẩm từ dừa xuất khẩu của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Ảnh: Huyền Thu

Sản xuất các sản phẩm từ dừa xuất khẩu của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Ảnh: Huyền Thu

Hỗ trợ doanh nghiệp

Sở Công Thương Bến Tre tiếp tục hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống xử lý nước thải 3 CCN Tân Thành Bình, Phong Nẫm, Thị trấn - An Đức. Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng KCN Phú Thuận và giao đất cho các nhà đầu tư. Tập trung đầu tư hệ thống xử lý nước thải CCN do cấp huyện quản lý, tăng cường xử lý tình trạng thiếu khu xử lý nước thải tập trung. Nắm chắc thông tin, tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN) để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện tốt công tác khuyến công, tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất các sản phẩm từ dừa giai đoạn 2023 - 2025. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ xanh vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao năng lượng, hạ giá thành hỗ trợ, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước. Liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các CCN và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối và phát triển hệ thống phân phối hiện đại. Xây dựng và triển khai các hoạt động về hội nhập kinh tế quốc tế, kế hoạch phát triển thương mại điện tử. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại theo chiều sâu, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu. Giới thiệu và quảng bá các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh. Hỗ trợ xây dựng và phát triển các cửa hàng sản phẩm OCOP - Đặc sản Bến Tre trong và ngoài tỉnh. Phát triển hệ thống phân phối trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Xây dựng, hoàn thiện chính sách thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển DN, khởi nghiệp theo hướng xanh và ban hành hướng dẫn triển khai. Khuyến khích áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến, đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh đối với DN trong ngành sản xuất. Hỗ trợ DN và địa phương đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để phát triển kinh tế số, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Triển khai các chương trình, đề án

Tập trung triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt. Từng bước đưa du lịch tỉnh trở thành điểm đến sinh thái và trải nghiệm văn hóa hấp dẫn, là nơi nghỉ dưỡng ngắn ngày lý tưởng đối với du khách. Thu hút đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù mang nét đặc trưng của xứ dừa Bến Tre, tạo sức “hấp dẫn, độc đáo, đặc sắc riêng có” của tỉnh.

Tập trung phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo hướng chuyên nghệp, hiện đại. Tiếp tục phối hợp triển khai Đề án Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách, Đề án Làng Dừa huyện Mỏ Cày Nam, Đề án Phát triển du lịch xã Thạnh Phong, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú giai đoạn đến năm 2030. Đăng cai tổ chức Diễn đàn Kết nối chương trình hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long năm 2024. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; tăng cường liên kết, quảng bá, xúc tiến, giới thiệu về du lịch Bến Tre; tổ chức đa dạng các sự kiện, các chương trình kích cầu du lịch nội địa và nâng chất lượng phục vụ.

Phát triển và hỗ trợ DN, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN, kế hoạch phát triển 5.000 DN và xây dựng 100 DN dẫn đầu. Tăng cường công tác truyền thông các văn bản, chính sách, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp theo nhóm đối tượng; tổ chức đánh giá việc triển khai các chính sách đặc thù, khuyến khích, hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Xây dựng hoàn thiện Không gian đổi mới sáng tạo Mekong với đầy đủ hạ tầng, kỹ thuật hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích, tạo điều kiện xã hội hóa lĩnh vực khởi nghiệp nhằm tạo đa dạng số lượng, chất lượng các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Phấn đấu năm 2024 thành lập mới khoảng 1.180 DN, trong đó khoảng 400 DN chuyển lên từ hộ kinh doanh, 144 DN khởi nghiệp và phát triển 25 DN dẫn đầu.

Khuyến khích áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến, đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh đối với DN trong ngành sản xuất. Nghiên cứu, thí điểm, nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo cùng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ tăng trưởng xanh.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu, sở phối hợp xúc tiến và thu hút đầu tư, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, chú trọng mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Triển khai có hiệu quả Kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa giai đoạn 2023 - 2025. Tăng cường các hỗ trợ các DN tiếp cận và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Triển khai giai đoạn 2 “Số hóa dữ liệu các khu CCN trên nền tảng bản đồ số 4D; số hóa hiện trạng khu vực/vị trí dự án mời gọi đầu tư”. 

 Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu: Tỉnh Bến Tre phấn đấu năm 2024, thu hút khoảng 400 triệu USD vốn đầu tư FDI, giải ngân khoảng 22 triệu USD; thu hút đầu tư trong nước khoảng 8.000 tỷ đồng. Nghiên cứu để xây dựng chính sách, ban hành hướng dẫn thúc đẩy đầu tư xanh theo phương thức hợp tác công - tư; thiết lập cơ chế ưu đãi, khuyến khích về đầu tư xanh. Phát huy vai trò dẫn dắt sản xuất và tiêu dùng xanh của các DN nhà nước và các DN lớn trong tỉnh hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi xanh”.

Lượt xem: 67
Nguồn:tapchitaichinh.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật