TP Hồ Chí Minh xem xét thông qua 5 dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT
Tại kỳ họp lần thứ 11 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X sẽ xem xét thông qua danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT theo cơ chế của Nghị quyết 98.
Trong tờ trình của UBND TP Hồ Chí Minh đã đề xuất làm 5 tuyến đường theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) từ cơ chế của Nghị quyết 98 là: Quốc lộ 13, đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu; Quốc lộ 1, đoạn từ An Lạc đến giáp tỉnh Long An; Quốc lộ 22, đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; Trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm); Cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh), với tổng mức đầu tư 5 dự án là 37.000 tỷ đồng.
TP Hồ Chí Minh sẽ xem xét thông qua 5 dự án đầu tư theo hình thức BOT (Ảnh minh họa) |
Trước đó, TP Hồ Chí Minh đã đưa vào khai thác và sử dụng 5 dự án loại hình BOT với tổng mức đầu tư 15.000 tỷ đồng gồm: Xây dựng cầu Bình Triệu 2 (giai đoạn 1); Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn từ An Sương đến An Lạc; Xây dựng cầu Phú Mỹ; Mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc Lộ 1, đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn; Xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu.
Qua quá trình khai thác và sử dụng, thành phố ghi nhận nhiều hiệu quả mang lại như: Cải thiện năng lực thông hành tuyến đường, giảm ùn tắc giao thông khu vực, tăng cường trật tự đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tình trạng các phương tiện dừng chờ, rút ngắn thời gian lưu thông, phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường, tiết kiệm chi phí xã hội, tăng cường kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận...
Qua đó, UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá 5 dự án nêu trên có tính cấp thiết, cần đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá công trình theo cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98 về phát triển TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2030.
Quan cảnh kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X sáng 19/9 |
Ngoài nội dung trên, kỳ họp cũng trình HĐND thành phố xem xét thành lập Sở An toàn thực phẩm thành phố; Cơ cấu tổ chức bộ máy tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức; Quy định chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức...