Thứ tư, 16/04/2025 - 20:22

Việt Nam - Áo: ‘Bắt mạch’ dòng chảy thương mại mới thời EVFTA

Hiệp định EVFTA đã, đang và sẽ giúp hàng Việt Nam chinh phục thị trường Áo trong bối cảnh cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu như hiện nay.

Bà Đinh Thị Hoàng Yến – Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Áo, kiêm nhiệm Slovenia đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Bà Đinh Thị Hoàng Yến, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Áo, kiêm nhiệm Slovenia (Ảnh: Thương vụ cung cấp)
Bà Đinh Thị Hoàng Yến, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Áo, kiêm nhiệm Slovenia (Ảnh: Thương vụ cung cấp)

Áo và Việt Nam là hai nền kinh tế bổ sung cho nhau

- Thưa bà, trong bối cảnh xuất khẩu hàng hoá gặp nhiều khó khăn như hiện nay, vấn đề đa dạng hoá thị trường xuất khẩu tiếp tục được quan tâm. Vậy bà đánh giá ra sao về tiềm năng hàng hoá của Việt Nam tại Áo và ngược lại?

Bà Đinh Thị Hoàng Yến: Đối tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, thị trường Áo có các đặc điểm quan trọng là: Thứ nhất, Áo là cửa ngõ năng động vào thị trường châu Âu rộng lớn, đặc biệt là những ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (Hiệp định EVFTA). Hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào Áo cũng có thể tiếp cận với thị trường Nam Trung Âu không có biển, qua Cảng Koper chiến lược của Slovenia ở biển Adriatic, kết nối với Việt Nam qua biển Địa Trung Hải, Hồng Hải.

Thứ hai, Áo và Việt Nam là hai nền kinh tế bổ sung cho nhau, các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào Áo là đồ điện tử, dệt may, giày dép, đồ gỗ và nông sản, trong khi Áo có thế mạnh về sản xuất công nghệ cao và dịch vụ. Ở chiều ngược lại, các công ty Áo có cơ hội lớn xuất khẩu sang Việt Nam đối với nhóm hàng máy móc và thiết bị công nghiệp do tăng trưởng trong ngành sản xuất tại Việt Nam tạo ra nhu cầu ngày càng tăng về thiết bị công nghiệp chất lượng cao của Áo.

Tóm lại, những biến động trên thị trường và căng thẳng thương mại toàn cầu đang mang lại cơ hội cho cả Việt Nam và Áo để củng cố mối quan hệ kinh tế song phương chiến lược mà hai nước đều đang tìm kiếm để đa dạng hóa thị trường rộng lớn hơn.

Đòn bẩy từ EVFTA

- Như chia sẻ của bà, Hiệp định EVFTA đã và đang được coi là đòn bẩy vô cùng hữu hiệu đối với thương mại Việt Nam và các quốc gia châu Âu, trong đó có Áo. Thời gian qua, hiệp định này đã được tận dụng ra sao để thúc đẩy hàng Việt vào Áo, thưa bà?

Bà Đinh Thị Hoàng Yến: Năm 2025 kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – EU và 5 năm thực thi Hiệp định EVFTA. Hiệp định này thực sự là chất xúc tác quan trọng cho hoạt động thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Âu, bao gồm cả Áo. Theo cam kết trong EVFTA, EU giảm thuế cho hàng Việt Nam theo lộ trình, giúp các sản phẩm của Việt Nam có giá cạnh tranh hơn, trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà bán lẻ và tiêu dùng trên thị trường EU, trong đó có Áo. Các danh mục sản phẩm chính được hưởng lợi bao gồm dệt may và giày dép, đồ điện tử và linh kiện, sản phẩm nông nghiệp, giúp cà phê, trái cây, hải sản và các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam tiếp cận thị trường tốt hơn.

Bà Đinh Thị Hoàng Yến giới thiệu nấm khô Việt Nam vào siêu thị Áo (Ảnh: Thương vụ cung cấp)
Bà Đinh Thị Hoàng Yến (trái) giới thiệu nấm khô Việt Nam vào siêu thị Áo (Ảnh: Thương vụ cung cấp)

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam vào Áo năm 2020 đạt 3,18 tỷ USD, Việt Nam xuất siêu 2,9 tỷ USD. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xung đột tại Biển Đỏ và việc chuyển hướng đầu tư của Áo sang một số nước Đông Nam Á khác như Malaysia năm 2021, kim ngạch thương mại song phương bị sụt giảm. Đến năm 2024, con số này đạt 2,5 tỷ USD, Việt Nam xuất siêu 1,6 tỷ USD.

Năm 2025, thương mại hai chiều có xu hướng tăng trưởng tích cực trở lại. 3 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam Áo đạt 896,9 triệu USD, tăng 31,1%, trong đó xuất khẩu đạt 799 triệu USD tăng 34,7% còn nhập khẩu đạt 698 triệu USD tăng 7,5%.

EVFTA đã giúp chính phủ cũng như các nhà xuất khẩu Việt Nam đổi mới về hệ thống kiểm soát chất lượng, nâng cao tiêu chuẩn và đầu tư sản xuất để đạt các chứng nhận cần thiết của Áo cũng như EU. EU cũng cung cấp các chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà sản xuất Việt Nam hiểu, cải thiện và đáp ứng các kỳ vọng khắt khe về chất lượng của EU.

Áo cũng giống như nhiều quốc gia thành viên EU khác, đã và đang nỗ lực đưa các cân nhắc về môi trường vào chính sách thương mại và xuất khẩu của mình theo mục tiêu Thỏa thuận xanh do Ủy ban Châu Âu đưa ra vào năm 2019 nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu như: Trung hòa khí hậu (phát thải khí nhà kính ròng bằng 0) vào năm 2050; Giảm phát thải ít nhất 55% vào năm 2030 (so với mức năm 1990), tham gia hỗ trợ tài chính theo Cơ chế chuyển đổi công bằng cho các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quá trình chuyển đổi, với tổng ngân sách đầu tư của EU là 1 nghìn tỷ Euro trong mười năm với Kế hoạch phục hồi NextGeneration kết hợp các mục tiêu chuyển đổi xanh.

Thúc đẩy hợp tác thương mại

- Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Áo sẽ triển khai những giải pháp gì nhằm đẩy mạnh thương mại hai chiều?

Bà Đinh Thị Hoàng Yến: Trọng tâm kinh tế của Áo ưu tiên bốn lĩnh vực chính là: Ô tô và đường sắt, Khoa học sự sống; Bán dẫn/Vi điện tử; Công nghệ môi trường.

Giống như Việt Nam, Áo có nền kinh tế định hướng xuất khẩu mạnh mẽ và có tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ (dưới 10 nhân viên) chiếm gần 90%. Áo là một trong 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới tính theo bình quân đầu người. Xuất khẩu chiếm 50% GDP của Áo. Kinh tế Áo hướng mạnh về xuất khẩu nhưng 80% xuất khẩu của Áo vẫn hướng về châu Âu. Tuy nhiên, khi đối tác thương mại và nước láng giềng truyền thống của Áo là Đức bị suy giảm kinh tế, Áo đã bắt đầu đa dạng hoá thị trường và châu Á – Thái Bình Dương, với tỷ trọng thương mại 11%, ngày càng đóng vai trò quan trọng cần được Áo khai thác. Theo số liệu thống kê của Áo, năm 2023 Việt Nam đứng thứ 23 về kim ngạch nhập khẩu hàng hoá và đứng thứ 57 về kim ngạch xuất khẩu của Áo.

Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đề nghị Bộ Kinh tế và Lao động Áo báo cáo Chính phủ Áo sớm phê duyệt Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) để mở đường cho đầu tư nhiều hơn nữa của cả hai nước. Đồng thời, tích cực chuẩn bị cho Phiên họp lần thứ 11 của Uỷ ban Hỗn hợp Việt Nam – Áo về hợp tác kinh tế và thương mại tổ chức tại Việt Nam, và đàm phán Hiệp định vay vốn ưu đãi của Áo cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thương vụ luôn bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương và Đại sứ quán, tăng cường hợp tác với Phòng Kinh tế liên bang Áo cũng như các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp Áo để kết nối, trao đổi các đoàn xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, hợp tác kinh doanh, tối đa hóa tiềm năng của các cơ cấu kinh tế bổ sung giữa hai nước, đặc biệt quan trọng khi các mô hình thương mại toàn cầu điều chỉnh theo bối cảnh thuế quan thay đổi.

Thương vụ cũng tích cực giới thiệu các sản phẩm của Việt Nam tại Áo cũng như vận động các doanh nghiệp Áo tham gia triển lãm thương mại tại Việt Nam; tham gia các sự kiện kết nối doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với các nhà nhập khẩu Áo; và xây dựng website của thương vụ, làm nền tảng xúc tiến kỹ thuật số giới thiệu hàng hóa Việt Nam đến các doanh nghiệp Áo.

- Diễn đàn Hợp tác công nghệ cao và đổi mới sáng tạo Việt Nam – Áo 2025 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy và đa dạng hóa hợp tác thương mại và công nghệ giữa Việt Nam với Áo nói riêng và các nước châu Âu nói chung. Xin bà chia sẻ đôi nét về diễn đàn này cũng như kỳ vọng ra sao về việc thúc đẩy thương mại hai chiều Việt Nam – Áo trong bối cảnh khó khăn hiện nay?

Bà Đinh Thị Hoàng Yến: Đại sứ quán Việt Nam tại Áo (ĐSQ) phối hợp với Phòng Kinh tế liên bang Áo (WKO) tổ chức Diễn đàn Việt Nam – Áo về công nghệ cao và đổi mới sáng tạo vào ngày 16 tháng 5 năm 2025 tại Viên theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Diễn đàn này là một sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy sự đổi mới và tiến bộ công nghệ cao giữa Việt Nam và Áo trong các lĩnh vực sản xuất thông minh, chuyển đổi số và phát triển chất bán dẫn và chip. Diễn đàn tập hợp các công ty tiên phong, công ty khởi nghiệp, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách từ cả Áo và Việt Nam, là nơi trao đổi các ý tưởng và hình thành các quan hệ đối tác, phát triển các giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) giúp nâng cao trải nghiệm của con người và định hình nền kinh tế của tương lai.

Diễn đàn này sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy và đa dạng hóa hợp tác thương mại và công nghệ giữa Việt Nam với Áo nói riêng và các nước châu Âu khác nói chung, chuyển xuất khẩu của Việt Nam sang phân khúc cao hơn quan hệ xuất khẩu truyền thống. Sự kiện sẽ mở rộng tiềm năng hợp tác trong việc chuyển giao công nghệ, hợp tác lâu dài đào tạo nguồn nhân lực, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu, đóng góp vào việc xây dựng nền tảng cho kỷ nguyên số trong tương lai, tạo ra các mô hình quan hệ đối tác có thể vượt qua những bất ổn kinh tế, giải quyết các yêu cầu về tính bền vững ngày càng quan trọng ở các thị trường châu Âu.

Đây cũng là dịp để Việt Nam khẳng định vị thế là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp công nghệ Áo và châu Âu, thúc đẩy hợp tác liên doanh thương mại và công nghệ giữa Việt Nam và các quốc gia châu Âu, đồng thời định hình bước tiến mới cho năng lực sản xuất, phát triển công nghệ cao tại Việt Nam, định vị Việt Nam là một giải pháp thay thế đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng của châu Âu trong bối cảnh toàn cầu nỗ lực đa dạng hoá thị trường do ảnh hưởng bởi thuế quan.

Xin cảm ơn bà!

Một số chương trình tiêu biểu về hợp tác đang thực hiện giữa Việt Nam và Áo là hợp tác về đào tạo và tuyển dụng 150 điều dưỡng viên Việt Nam của bang Hạ Áo; ký kết MOU hợp tác giữa Tập đoàn EVG của Áo với Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam; tổ chức Diễn đàn về công nghệ cao và đổi mới sáng tạo; vận động doanh nghiệp Áo tham dự Triển lãm kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế (Sourcing Việt Nam) do Bộ Công Thương tổ chức từ ngày 4 đến ngày 6/9/2025…
 
Lượt xem: 5
Tác giả: Phương Lan thực hiện
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật