Thứ sáu, 20/09/2024 - 10:46

Xác định phương hướng tự chủ để thu hút nguồn lực đầu tư và tăng nguồn thu từ xã hội

Năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ như: Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng... bám sát các định hướng hoạt động của Bộ, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị theo chức năng nhiệm vụ được phê duyệt trong thời gian tới. Các đơn vị sự nghiệp công lập cần xác định rõ phương hướng tự chủ để thu hút các nguồn lực đầu tư và tăng cường nguồn thu từ xã hội. Đối với những nhiệm vụ nghiên cứu trọng điểm, các đơn vị cần chủ động đề xuất những vấn đề đúng và trúng, đồng hành cùng doanh nghiệp để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị theo chức năng nhiệm vụ được phê duyệt, tự chủ để thu hút các nguồn lực đầu tư, các đơn vị phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, đưa những kết quả nghiên cứu vào sản xuất thực tiễn. Mỗi đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ phải chủ động xây dựng kế hoạch trọng tâm, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tập trung phát triển những thế mạnh riêng của mỗi đơn vị để hoạt động của các đơn vị ngày càng hiệu quả.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030), trong đó khẳng định chủ trương hoàn thiện hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng đẩy mạnh việc chuyển giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là nhiệm vụ quan trọng, gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong quá trình chuyển đổi, tự chủ tài chính mang ý nghĩa then chốt, qua đó, xác định được nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác phục vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ và chủ động trong thực hiện nhiệm vụ. Đối với ngành khoa học và công nghệ, những dịch vụ đặc thù đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo cơ chế đặt hàng để nâng cao hiệu quả.

Các đơn vị sự nghiệp công lập đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống tổ chức và quản lý, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, hoạt động tư vấn, chuyển giao và giám định thúc đẩy hoạt động thực thi quyền sở hữu công nghiệp ngày càng tăng... Bên cạnh đó, các đơn vị sự nghiệp công lập tập trung vào các hoạt động thế mạnh như: Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghệ ở mức độ sẵn sàng chuyển giao và các công nghệ đang ở giai đoạn nghiên cứu hoàn thiện sẽ được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đẩy mạnh triển khai hoạt động tư vấn để kịp đáp ứng nhu cầu tư vấn về hoạt động giám định nhằm hỗ trợ cho hoạt động thực thi quyền sở hữu công nghiệp ngày càng tăng. Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ đẩy mạnh việc hoàn thiện, cập nhật và khai thác, phát triển cơ sở dữ liệu, chuyên gia khoa học và công nghệ nhằm phục vụ trực tiếp và thường xuyên đối với công tác quản lý của Bộ; tiếp tục triển khai Đề tài cấp Quốc gia thuộc đề án 844, hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển các nền tảng trực tuyến liên kết, kết nối các thành phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác công nghệ đẩy mạnh ký kết, cung cấp dịch vụ về khai thác sáng chế và tư vấn sở hữu trí tuệ. Viện tích cực đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới, tiên tiến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Vùng và địa phương, đặc biệt chú trọng việc xây dựng các mô hình chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, có giá trị kinh tế như: cam, bưởi, bơ, mít, đào chuông, trám, sở, chè, quế hữu cơ, cát sâm, lúa, khoai lang... cũng như đẩy mạnh việc tư vấn, xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương tại Yên Bái, Lai Châu.../.

HL

Lượt xem: 15
Tác giả: Phạm Thị Thu Hà
Nguồn:TTXVN Sao chép liên kết
Tin liên quan