Thứ năm, 19/09/2024 - 09:10

Xưởng gỗ vùng cao Yên Bái đầu tư theo phong trào rồi đóng cửa, người dân lao đao

Do khó khăn thị trường tiêu thụ cùng giá thành xuống thấp khiến phần lớn xưởng gỗ ván bóc ở vùng cao Yên Bái phải dừng hoạt động, người dân lao đao vì không có việc làm.

Xưởng gỗ vùng cao Yên Bái đầu tư theo phong trào rồi đóng cửa, người dân lao đao

Nhiều cơ sở chế biến gỗ rừng trồng ở Yên Bái hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa do không tiêu thụ được. Ảnh: Bảo Nguyên

Hệ lụy từ đầu tư theo phong trào

Khoảng vài năm về trước, khắp các huyện thị ở Yên Bái, ván bóc được phơi la liệt ven đường hoặc ở bất cứ nơi nào rộng rãi có ánh nắng mặt trời. Nhiều chủ xưởng ăn nên làm ra, có thu nhập vài trăm triệu đồng đến cả tỉ đồng mỗi năm. Thấy vậy, những xưởng mới lại tiếp tục mọc lên ồ ạt như nấm sau mưa, thiếu quy hoạch, thiếu kiểm soát.

Xã Lương Thịnh được coi là "thủ phủ" của ngành chế biến gỗ rừng trồng ở huyện Trấn Yên. Thời hoàng kim của ngành chế biến gỗ, có thời điểm xã này có trên 100 cơ sở hoạt động rầm rộ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Anh Nguyễn Mạnh Hường - thôn Đồng Bằng, xã Lương Thịnh - chia sẻ, những năm trước xưởng hoạt động khá ổn định, tạo việc làm cho nhiều người ở địa phương. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng dần cạn kiệt. Đặc biệt từ giữa năm 2022 đến nay, đầu ra sản phẩm rất khó khăn, không bán nổi hàng.

Anh Hường cho biết, 1m3 gỗ ván thành phẩm còn có giá thấp hơn 1m3 gỗ tròn nguyên liệu nhập vào. Do đó, từ đầu năm 2023 đến nay, xưởng đã dừng hoạt động, thi thoảng chỉ khởi động máy móc cho khỏi han rỉ, hỏng hóc.

Cùng chung cảnh ngộ, cơ sở ván bóc của gia đình ông Dương Kim Tư ở thôn Đồng Bằng, xã Lương Thịnh nhiều tháng nay điêu đứng vì phải đóng cửa. Theo ông Tư, do giá gỗ xuống thấp, nếu bán thì thua lỗ, thậm chí không có người mua nên nhiều tháng qua máy móc đầu tư cả trăm triệu đồng cũng đành "đắp chiếu". Trong 2 kho chứa của xưởng ông Tư hiện vẫn còn hơn 400m3 gỗ ván bóc ước tính gần tỉ đồng ế ẩm chưa thể bán được.

Cũng theo khảo sát tại các huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, từ đầu năm đến nay, hàng trăm cơ sở chế biến gỗ rừng trồng dừng hoạt động do không bán được hàng. Giá thu mua gỗ rừng trồng hiện cũng giảm tương ứng 1/3 so với giá lúc cao điểm, nông dân trồng rừng điêu đứng vì giá xuống thấp.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Chủ tịch UBND xã Bảo Ái, huyện Yên Bình - hiện cả 10 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng của xã đều hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng máy, khiến hàng trăm lao động tại các cơ sở này đều chuyển sang ngành nghề khác hoặc đi lao động tại các tỉnh bạn.

Cần định hướng lâu dài

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái - cho biết, phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn có công nghệ chế biến còn lạc hậu, năng suất và chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu hàng còn đơn điệu, sản phẩm có sức cạnh tranh không cao… từ đó khiến việc tiêu thụ gỗ chế biến từ rừng trồng gặp vô vàn khó khăn.

Đặc biệt, từ giữa tháng 4, Liên minh châu Âu (EU) có quy định sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này phải chứng minh không liên quan đến việc gây mất rừng và suy thoái rừng. Theo đó, toàn bộ những sản phẩm hàng hóa được sản xuất trên đất rừng bị chuyển đổi thành đất để sản xuất ra các sản phẩm này sau ngày 31.12.2020 không được nhập khẩu vào EU.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Anh Quân - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái - hiện tỉnh đang thực hiện đẩy nhanh việc đổi mới công nghệ chế biến để tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, giá trị lớn.

Câu chuyện cấp bách hiện nay là tăng cường xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường mới cũng như đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực, nhất là đội ngũ kỹ sư công nghệ chế biến và đội ngũ công nhân có tay nghề cao.

Để ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng phát triển bền vững, tỉnh Yên Bái đang tiếp tục rà soát và quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn để mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; kiểm soát việc cấp phép cho các cơ sở chế biến gỗ theo đúng tiêu chí, đảm bảo quy mô và chất lượng sản phẩm sau chế biến. Đặc biệt, khả năng liên kết bao tiêu sản phẩm ổn định, lâu dài cho những cơ sở sơ chế nhỏ lẻ và người trồng rừng, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu cũng cần được chú trọng.

Tin liên quan