Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường đề xuất 5 giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Ô nhiễm môi trường tại các Khu xử lý rác thải ở các đô thị lớn đang đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý nhằm tìm ra một giải pháp toàn diện, bền vững.
Liên quan đến phản ánh của người dân và các cơ quan truyền thông về thực trạng ô nhiễm môi trường xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) những năm gần đây khiến người dân sống trong khốn khổ. Cuối tháng 8/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thành lập đoàn kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực Tây Bắc huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh sau khi báo chí phản ánh.
Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại các đô thị lớn hiện nay đang đặt ra thách thức không nhỏ cho các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương. Để có thêm góc nhìn cho đọc giả, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Tạ Đình Thi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị, nhà máy xử lý rác tại nhiều địa phương đã xảy ra và gần đây là khu vực Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh). Vậy ông có đánh giá thế nào việc nhà máy xử lý ô nhiễm môi trường lại gây ô nhiễm?
Về việc này, tôi cũng mới được biết thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể là mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty Cổ phần Vietstar tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.
TS. Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội |
Qua đó đã phát hiện 02 đơn vị nêu trên đã có một số vi phạm, tồn tại trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như: Xả chất thải vượt quy chuẩn cho phép; tiếp nhận khối lượng rác vượt công suất xử lý... Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xem xét, xử lý vi phạm hành chính đối với 02 công ty theo quy định, đồng thời sẽ có văn bản đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương của Thành phố nhanh chóng có biện pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, vi phạm của 02 công ty theo thẩm quyền và trách nhiệm.
Trước đó, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (TP. Hồ Chí Minh), Khu liệp hợp xử lý chất thải Nam Sơn (TP. Hà Nội) cũng đã từng gây ô nhiễm môi trường khiến người dân địa phương rất bức xúc. Theo ông, các cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai những biện pháp gì để giải quyết dứt điểm tình trạng trên?
Có một thực trạng, hiện nay đa số hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt chưa được đầu tư một cách đồng bộ, cụ thể: Rác thải chưa được phân loại, có trường hợp được phân loại thì thu gom, vận chuyển lại gộp chung.
Có nhà máy xử lý thì hoạt động dưới công suất thiết kế do không có rác, có nhà máy xử lý phải tiếp nhận quá công suất thiết kế dẫn đến nhiều vấn đề về môi trường phát sinh, nếu không được kiểm soát tốt sẽ là địa điểm gây ô nhiễm môi trường. Để khắc phục thực trạng trên, trong thời gian tới, không chỉ cần các cơ quan quản lý nhà nước triển khai các biện pháp mà cần sự vào cuộc, tham gia chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng, người dân và toàn xã hội.
Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP). Theo đó, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Bộ Tài nguyên và Môi trường được xác định cụ thể.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó đã quy định: Nội dung về yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích chất thải; Phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng đối với nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt (Ảnh: Cấn Dũng) |
Để hạn chế ô nhiễm từ các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, trước mắt các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung thực hiện một số biện pháp sau:
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các hành vi xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường;
Chỉ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời khi xem xét, lựa chọn nhà đầu tư mới hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cần ưu tiên đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, bảo đảm giảm dần tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp nhằm đáp ứng mục tiêu về quản lý tổng hợp chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ phát triển;
Rà soát, xây dựng và ban hành theo lộ trình các quy chuẩn kỹ thuật môi trường để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của địa phương, đảm bảo việc kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với thực tế của địa phương;
Thực hiện các chính sách ưu đãi cho các cơ sở xử lý chất thải nói chung, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đối với các địa phương, cần tập trung nghiên cứu, áp dụng hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, trong đó triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Bên cạnh đó, cần có sự tham gia chủ động, tích cực của các đoàn thể, nhân dân cũng như các bên liên quan, trong đó có các cơ quan truyền thông thì chúng ta mới có thể thành công trong việc giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt.
Công nghệ đốt rác phát điện được cho là giải pháp hữu hiệu trong xử lý chất thải rắn tại các đô thị, nhưng hiện đang thiếu cơ chế ưu đãi, vậy chúng ta cần tập trung vào những nội dung gì để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?
Trên thực tế, chúng ta đã có nhiều dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt kết hợp phát điện (hiện có khoảng 15 nhà máy đốt rác phát điện đang được triển khai xây dựng).
Đến nay, đã có 03 nhà máy chính thức phát điện tại thành phố Cần Thơ (Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ của Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (Cần Thơ)); Hà Nội (Nhà máy điện rác Sóc Sơn – giai đoạn 1 của Công ty Cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý); Bắc Ninh (Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng của Công ty TNHH Môi trường Ngôi Sao Xanh).
Nhà máy điện rác Sóc Sơn tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Ảnh: Thu Hường) |
Tuy nhiên, hiện nay có những khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, công nghệ, giá xử lý rác thải, thực hiện quy định trong đấu thầu, giá bán điện… Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải hoàn thành rất nhiều thủ tục hành chính khác nhau liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo tôi, để tháo gỡ thì cần phải tập trung thực hiện các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, quy định về chất thải rắn sinh hoạt, trong đó ưu tiên xây dựng và ban hành Bộ định mức kinh tế - kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (gồm cả đốt phát điện); rà soát, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (bao quát cả các lò đốt phát điện).
Thứ hai, tổ chức triển khai cơ chế, chính sách về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH và thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, huy động mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để triển khai xây dựng các dự án mới hoặc chuyển đổi cơ sở xử lý chất thải từ chôn lấp sang sử dụng công nghệ đốt phát điện theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về đầu tư.
Thứ ba, triển khai nội dung quy hoạch quản lý CTRSH trong quy hoạch tỉnh với mục tiêu xây dựng cơ sở xử lý CTRSH sử dụng công nghệ hiện đại, đốt phát điện.
Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý CTRSH tiên tiến, hiện đại kết hợp phát điện.
Thứ năm, tăng cường truyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đến mọi tầng lớp nhân dân để cùng chung tay, góp sức giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt kết hợp với phát điện, góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Xin cảm ơn ông!
Báo cáo hiện trạng ô nhiễm môi trường trên cả nước được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố mới đây cho thấy, quá trình đô thị hóa đã diễn ra mạnh mẽ tại nhiều địa phương. Dân số gia tăng đồng nghĩa với việc gia tăng chất thải, nhất là chất thải rắn sinh hoạt. Cả nước có trên 900 bãi chôn lấp chất thải rắn hoặc tập kết chất thải cấp xã. Tại nhiều bãi rác lộ thiên diễn ra hoạt động đốt rác thải, phát sinh NOx , CO, SOx , HCl, HF, tro và một số chất độc hại khác, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí tại những thời điểm nhất định. |