Quản lý quảng cáo trên Facebook, Google: “Thuốc” chưa đủ tốt để “trị bệnh”
Hiện nay, các dịch vụ quảng cáo trên Facebook, Google, Youtube vẫn hoạt động ngoài vòng kiểm soát với doanh thu, lợi nhuận khủng, hành vi vi phạm pháp luật.
Điều này đặt ra yêu cầu phải có sự kiểm soát mạnh mẽ hơn đối với hoạt động này.
Nghị định 70/2021/NĐ-CP: Vì sao Google, Facebook và nhiều nền tảng "né" thực hiện?
Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau đã có những quy định về các giao dịch trực tuyến, các nền tảng xuyên biên giới. Mặc dù nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã có các luật liên quan đến giao dịch trực tuyến và xuyên biên giới, nhưng các luật này có sự khác biệt rõ ràng về chi tiết và không phải lúc nào cũng đề cập đến các khía cạnh xuyên biên giới.
Ở nước ta, để khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo ra đời và có hiệu lực từ ngày 15/9/2021. Theo đó, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, Youtube, TikTok... buộc phải tuân thủ các quy định khi cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam.
Nghị định có một số điểm mới như: Các đơn vị sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định có quảng cáo vi phạm thì phải xử lý. Nếu không xử lý và không có lý do chính đáng, Bộ sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn những quảng cáo này. Trong trường hợp phát hiện quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam sẽ thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông báo đến Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh. Trong các nội dung yêu cầu có thông tin về địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có), đầu mối liên hệ.
Tuy nhiên, cả Google, Facebook và nhiều đơn vị đến nay vẫn né tránh, chưa thực hiện nghiêm túc và triệt để một số qui định của nghị định.
Ảnh minh họa |
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đánh giá, việc Chính phủ ban hành Nghị định 70 là phù hợp với bối cảnh hiện nay, góp phần bảo đảm công tác quản lý của Nhà nước, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thúc đẩy sự sáng tạo, đa dạng cho hoạt động quảng cáo, đáp ứng nhu cầu quảng cáo của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, luật sư Đặng Văn Cường cũng bày tỏ: “Tôi cho rằng việc quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới là cần thiết, nhưng cần có các phương án, giải pháp tối ưu, tháo gỡ vướng mắc, thủ tục hành chính rườm rà cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cần có thêm những chính sách ưu đãi để vừa quản lý tốt, vừa giữ chân, thu hút sự đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài”.
Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation (Tập đoàn Truyền thông Lê), việc Nghị định 70 có thêm quy định về kiểm soát nội dung quảng cáo là cần thiết. Bởi hiện nay, nhiều nền tảng không có bộ lọc nội dung dẫn đến tình trạng quảng cáo phản cảm. Tuy nhiên, vấn đề ông Vinh băn khoăn là yêu cầu tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới thực hiện xử lý quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ. Quy định này có thể gặp phải nhiều rào cản liên quan đến tiếp nhận thông tin, quy trình thông báo, hạ tầng kỹ thuật - công nghệ của hai bên, chênh lệch về múi giờ và ngôn ngữ.
Chưa thực sự mạnh tay
Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 70/2021/NĐ-CP vẫn chưa thực sự có nhiều quy định mới và thật sự mạnh tay trong hoạt động quản lý quảng cáo xuyên biên giới đặc biệt là trong vấn đề thu thuế. Theo các chuyên gia về thuế thì dù cơ quan quản lý khẳng định theo pháp luật về thuế, các “ông lớn” xuyên biên giới phát sinh doanh thu tại Việt Nam đều phải kê khai, nộp thuế, song không thể ép buộc nếu như họ không có chi nhánh tại Việt Nam và không phát sinh thu nhập ở nước sở tại. Đặc thù của công ty công nghệ là có thể vận hành từ xa thông qua hệ thống của họ, không cần thiết phải đặt chi nhánh, trụ sở tại nhiều nước. Nếu bắt buộc, họ cũng chỉ đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam song văn phòng đại diện sẽ không phát sinh thu nhập, không thể yêu cầu kê khai và nộp thuế.
Luật sư Lê Văn Lên, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Hãng luật Capital phân tích: “Trong hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, đa phần công ty sở hữu nền tảng từ nước ngoài sẽ ký hợp đồng và ủy quyền cho đại lý quảng cáo của Việt Nam. Khi đó, chỉ đại lý Việt Nam phát sinh thu nhập từ hoạt động quảng cáo và Nhà nước thu được thuế từ đây, còn nguồn thu từ nước ngoài thì cơ quan thuế của Việt Nam không thể quản lý. Như vậy, quy định kê khai, thu thuế với hoạt động quảng cáo xuyên biên giới hiện nay mới chỉ dừng lại ở các công ty quảng cáo trong nước. Chưa kể, không loại trừ khả năng đại lý quảng cáo trong nước sẽ tìm cách lách luật để trốn khoản thuế này, ví dụ thanh toán qua các phương tiện nằm ngoài hệ thống ngân hàng Việt Nam. Vấn đề này cần phải sớm được khắc phục. Đồng thời, cần có hệ thống các quy định đồng bộ, thống nhất về các lĩnh vực liên quan đến các nền tảng xuyên biên giới”.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực quảng cáo trong nước còn chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý trong các quy định về quảng cáo theo kiểu “dễ người khó ta”. Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2021. Tuy nhiên, người ta đã chỉ ra một số điểm bất cập trong nghị định mới này, cụ thể là quy định xử phạt “Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây” và “Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào nội dung tin bài”.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng: “Việc áp dụng Nghị định 38 sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước khi cạnh tranh với các ông lớn công nghệ như Facebook, Google, YouTube. Tại điểm B, khoản 2, điều 38 của Nghị định 38, quy định phạt tiền từ 10-15 triệu đồng, nếu thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử không ở vùng cố định quá 1,5 giây. Có nghĩa là thời lượng quảng cáo tối đa 1,5 giây, sau đó người dùng có thể bấm nút bỏ qua. Trong khi đó, giao diện của các nền tảng như Facebook và Google cho phép người xem chỉ có thể bỏ qua quảng cáo sau ít nhất là 5 giây. Điều này đã tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp quảng cáo trong nước với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới”.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, việc ban hành Nghị định 70 là cần thiết, nhưng chưa phải là toàn diện, trong khi Luật Quảng cáo, Nghị định 181/2013/NĐ-CP ban hành đã 8 năm cũng bộc lộ một số điểm hạn chế chưa phù hợp với tình hình phát triển mới của quảng cáo Việt Nam và thế giới. Từ đó, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ và Quốc hội cho phép sửa đổi, điều chỉnh toàn diện Luật Quảng cáo 2012 để ngành công nghiệp quảng cáo Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.