Công bố Nghiên cứu quốc gia về Hệ sinh thái khởi nghiệp thanh niên tại Việt Nam
Ngày 5/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Youth Co:Lab Việt Nam (đồng sáng tạo bởi Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc - UNDP và Quỹ Citi) và Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã chức Lễ công bố Nghiên cứu quốc gia về Hệ sinh thái khởi nghiệp thanh niên tại Việt Nam.
Để công bố nghiên cứu này, nhất là đề xuất, nhóm nghiên cứu đã tổ chức gần 20 buổi phỏng vấn nhóm, phỏng vấn sâu và hội thảo tham vấn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cùng với các đại diện của nhiều thành phần thuộc hệ sinh thái. Nhóm cũng đã thu thập ý kiến thông qua bảng hỏi với 210 người từ 16 - 35 tuổi trên cả nước để đưa ra những đánh giá và khuyến nghị thiết thực. Nghiên cứu đã áp dụng phương pháp kết hợp giữa định lượng và định tính.
Cụ thể, trong Nghiên cứu quốc gia về Hệ sinh thái khởi nghiệp thanh niên tại Việt Nam đã đưa đề xuất nên thu hút các đơn vị liên quan vào quá trình xây dựng chính sách liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp thanh niên. Trong đó, Việt Nam cần tăng cường hợp tác về phát triển và thực thi chính sách để tránh sự chồng chéo giữa các quy định; đơn giản hóa quy trình quản lý và tạo ra các chính sách thân thiện với thanh niên để giảm bớt khó khăn cho các doanh nhân trẻ...
Thạc sĩ Vương Khiết, thành viên nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, để huy động nguồn lực, phát triển hỗ trợ tài chính, mục tiêu của doanh nhân trẻ là phải thành lập các quỹ tài chính chuyên dụng với khả năng tiếp cận dễ dàng cho các doanh nhân trẻ có lịch sử tín dụng hạn chế. Ngân hàng thương mại và tổ chức trung gian tài chính nên thiết kế sản phẩm vay linh hoạt cho đối tượng này.
Đặc biệt, muốn phát triển nguồn nhân lực và văn hóa khởi nghiệp cần nâng cao giáo dục khởi nghiệp và phát triển kỹ năng cho thanh niên Việt Nam; đồng thời, thúc đẩy trải nghiệm thực tế liên quan đến kinh doanh cho họ, kết nối hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Tại sự kiện, một số chuyên gia chia sẻ, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển lớn. Đóng góp vào bức tranh đa dạng của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam không thể không kể đến lực lượng doanh nhân trẻ, thanh niên khởi nghiệp. Đây là lực lượng đã và đang trở thành động lực then chốt cho sự phát triển bền vững cũng như đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh những kết quả phát triển đáng khích lệ, hoạt động khởi nghiệp nói chung và thanh niên khởi nghiệp nói riêng vẫn đang gặp nhiều khó khăn như thiếu nghiên cứu đầy đủ, chuyên sâu, mang tính định hướng quốc gia cho Hệ sinh thái khởi nghiệp thanh niên. Trước bối cảnh đó, Nghiên cứu quốc gia về Hệ sinh thái khởi nghiệp thanh niên tại Việt Nam có thể xem là nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này, mang đến cái nhìn bao quát, chuyên sâu và đa chiều các hoạt động khởi nghiệp thanh niên và hệ sinh thái khởi nghiệp. Từ đó, đánh giá và đưa ra những khuyến nghị về chính sách, chương trình hỗ trợ thiết thực cho thanh niên Việt Nam.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH), những kết quả nghiên cứu cũng như khuyến nghị về chính sách, chiến lược trọng tâm sẽ được nghiêm túc ghi nhận và cụ thể hóa bằng kế hoạch thực tiễn, đảm bảo mang đến tác động tích cực và bền vững cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong thời gian tới. Đây cũng là nền tảng quan trọng để tập hợp sức mạnh và trí tuệ của cả Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam với góc nhìn thực tế, khách quan, khoa học, đa chiều và bao trùm.
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị tiên phong trong thực hiện Chiến lược quốc gia khởi nghiệp. Đơn vị đã phát triển những chương trình đào tạo chính quy, đưa nhiều môn học gồm: Tư duy thiết kế, Phát triển bền vững, Khoa học dữ liệu và Khởi nghiệp kinh doanh vào chương trình đại cương bắt buộc. Qua đó, góp phần tạo nền tảng vững chắc về kiến thức, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam./.
Mỹ Phương