Liệu người trẻ khởi nghiệp có quá khó thành công?
Sau một thời gian ngắn đình đám thì những quán trà chanh giã tay hay những quầy bánh đồng xu phô mai ở TP.HCM và nhiều địa phương khác bắt đầu thưa thớt khách khiến cho mong muốn khởi nghiệp của không ít bạn trẻ cũng theo đó mà giảm nhiệt.
PV: Xin chào Tùng BT, những ngày gần đây thì nhiều người đi trên đường bắt đầu thấy những cái quán trà chanh giã tay hay bánh đồng xu phô mai không còn quá đông, thậm chí là nó thưa thớt khách. Bạn thấy gì từ hiện tượng này?
Trần Thanh Tùng: những cái trào lưu short trend (còn gọi là xu hướng ngắn) ngày xưa nó sẽ tồn tại đâu đó khoảng hai tháng, nhưng gần đây với sự phát triển của tiktok thì trend xuất hiện liên tục, dẫn đến việc bây giờ nó chỉ tồn tại đâu đó khoảng cỡ một tuần, hai tuần là bắt đầu xuống.
Cái thứ hai là những sản phẩm, những xu hướng đã tồn tại lâu ở nước ngoài, một cái nơi khác, tỉnh khác lâu rồi thì may ra kéo dài, còn với các xu hướng ngắn đi xuống như vậy là dĩ nhiên và đương nhiên.
Trà chanh giã tay - một trong những "hot trend" khởi nghiệp gần đây. Ảnh: Nhân viên pha chế trà chanh giã tay ở cửa tiệm anh Thịnh, quận 1, TP HCM, tối 13/11 - Ngọc Ngân/VnExpress
PV: Thực tế là có nhiều bạn mong muốn là được khởi nghiệp và thành công từ những cái trend ngắn như vậy. Liệu những người trẻ họ đang hiểu chưa đúng về khởi nghiệp, đặc biệt là trong khởi nghiệp trong lĩnh vực F&B?
Trần Thanh Tùng: Em nghĩ là do họ thiếu kinh nghiệm thôi, thực tế có người còn đầu tư ba trăm triệu, năm trăm triệu, thậm chí cả tỷ để làm quán cafe cho riêng mình. Cái đợt mà cafe muối, bánh đồng xu hoặc là trà chanh giã tay thì cũng có người đầu tư tiền trăm triệu.
Có đến 70 đến 80 % những người mà dám đầu tư như vậy là nhữ người mới khởi nghiệp lần đầu và họ không có kinh nghiệm, họ không biết cách làm sao để tận dụng trend tốt nhất, họ nghĩ về kinh doanh rất là đơn giản. Chuyện mà thấy ai cũng làm, thấy đông thì bu vô thì em nghĩ là nó là thói quen của những người thiếu kinh nghiệm thôi.
PV: Có một cái câu nói vui nhưng mà tương đối thật là muốn hại ai đó thì hãy rủ họ làm F&B. Phải chăng là khởi nghiệp hoặc là làm giàu từ F&B nó không còn thời sự nữa?
Trần Thanh Tùng: Nói rộng ra luôn là không có làm hại ai đó thì mình rủ người ta làm khởi nghiệp. Cá nhân em khác người khác ở chỗ là em kêu gọi mọi người đừng nên khởi nghiệp vì khởi nghiệp mình phải học tất cả các môn nên rất khó để 1 người khơi khơi mà giỏi khởi nghiệp.
Theo dõi những cuộc thi về kinh doanh khởi nghiệp trong sinh viên là 100 % thất bại, em chưa bao giờ em thấy một trường hợp nào thành công sau hai năm sau khi họ ra trường. Từ đầu năm tới giờ có 135.000 doanh nghiệp phá sản thành công, trong đó có 67,8% doanh nghiệp được hình thành chưa tới 5 năm.
So ra thì F&B là một mô hình khó làm, khó bắt đầu, dễ bị dụ theo xu hướng và khó thành công.Trong cái điều kiện mà kinh tế hiện nay không phải chỉ F&B mà cả lĩnh vực kinh doanh và khởi nghiệp chưa bao giờ khó đến như vậy.
PV: Từ mô hình trà chanh giã tay hay là bánh đồng xu phô mai hay kinh doanh online, có phải chăng là trẻ thì khó khởi nghiệp?
Trần Thanh Tùng: Có một nghiên cứu là độ tuổi thành công trung bình của những người khởi nghiệp là 45 tuổi, càng ngày cái độ tuổi thành công nó càng xa. Nhưng rõ ràng có một cái sự thật là kinh doanh càng ngày càng khó, tức là người càng trẻ thì càng khó kinh doanh thành công.
Lúc này em mới cảm nhận được câu nói ngày xưa lúc 19 tuổi em khởi nghiệp là đến 35 tuổi mới chắc tay. Tức là sau một khoảng thời gian học rất nhiều, vất vả, sai lầm, phá sản nhiều doanh nghiệp khác nhau thì mình mới rút được cho mình những bài học và bây giờ trong công ty gần như em làm được tất cả mọi thứ.
Em không phải là người làm giỏi nhất nhưng em có thể làm được tất cả mọi thứ.
Theo Tùng BT, bám theo hot trend là thói quen của những người thiếu kinh nghiệm. Ảnh: Huế Xuân/NLĐ
PV: Như chúng ta trao đổi thì khởi nghiệp không phải là một câu chuyện đơn giản mà có thể thành công được. Vậy thì làm thế nào để trung hòa giữa cái ước muốn làm giàu từ khởi nghiệp của người trẻ với những cái cơ chế, chính sách mà nhà nước ta đang đưa ra?
Trần Thanh Tùng: Trong thời gian gần đây các chính sách đã và đang ban hành rất là sâu sát rồi. Tuy nhiên có một cái vấn đề nó là hiện nay mọi người chỉ dừng ở cái việc cung cấp những kiến thức, những cái chính sách mang tính hỗ trợ.
Thực tế, có người tập trung nhiều hơn vào bán hàng à lievstream, có người lại tập trung nhiều hơn về sản phẩm và nông nghiệp. Mỗi người đều làm rất hiệu quả ở trong phần của mình nhưng lại thiếu phần liên kết nên dẫn đến cái chuyện người đang làm quá tốt phần bán hàng thì lại không hiểu về việc tạo ra sản phẩm chất lượng phù hợp với nhu cầu khách hàng và ngược lại người làm rất tốt về sản phẩm thì lại không có đầu ra.
Do đó, em cho rằng phải có cái sự liên kết giữa các ban liên ngành để có một đầu ra thống nhất cho một đối tượng khởi nghiệp cụ thể nào đó để mình có đi một hành trình xuyên suốt, để nó tránh cái bị khập khiễng trong quá trình đầu tư, hỗ trợ một doanh nghiệp cho nó phù hợp.
PV: Cám ơn Tùng về cuộc trò chuyện này!