Startup nông sản Foodmap huy động 2,9 triệu USD thành công
Startup nông sản Foodmap đã huy động 2,9 USD thành công từ các quỹ Beenext, Vulpes, Ascend Vietnam Ventures và Wavemaker.
FoodMap được sáng lập vào năm 2018 bởi CEO Phạm Ngọc Anh Tùng, từng làm sếp tại Cầu Đất Farm. FoodMap là một trong những startup Việt đầu tiên cung cấp sản phẩm nông nghiệp trên kênh trực tuyến. Cả Tiki và Lazada đã chọn hợp tác với FoodMap khi ra mắt mảng nông sản, thực phẩm tươi trong giai đoạn căng thẳng nhất của Covid-19 (tháng 4/2020).
FoodMap là sản thương mại điện tử chuyên cung cấp các sản phẩm nông sản an toàn qua ba thương hiệu riêng là Đặc sản Ngon Lành (như đường, mật ong, rau củ quả...), Maloka (trà và cà phê) và HappyNut (các loại hạt dinh dưỡng). Nhắm đến mục tiêu dùng công nghệ để nâng cao giá trị nông sản Việt, FoodMap đặt vấn đề truy xuất nguồn gốc là điều kiện bắt buộc lên sàn cho mọi nhà sản xuất hoặc nông dân, đồng thời làm thương hiệu riêng cho những nông sản bản địa độc đáo. Song thương hiệu cũng khó cạnh tranh ở các sàn lớn vì chưa có thế mạnh thương hiệu.
Vào tháng 9/2019, FoodMap từng được tổ chức Ricebowl (Malaysia) bầu chọn là "Startup tốt nhất Việt Nam" trong lĩnh vực agri-tech (nông nghiệp công nghệ). Năm nay, dự án đại diện Việt Nam tham gia vòng bình chọn ở khu vực Đông Nam Á.
“Mình làm mô hình này với mong muốn cắt được trung gian giữa nông dân với người tiêu dùng, từ đó giảm chi phí cho hai đầu và tụi mình sẽ thu mua giá cao hơn nhưng bán giá thấp hoặc hợp lý hơn. Bên cạnh đó, mình muốn người tiêu dùng mua sản phẩm sẽ có nhiều thông tin, biết được mình đang ăn sản phẩm gì, trồng ở vùng đất như thế nào, văn hóa vùng đất đó ra sao… Đó là hai vấn đề tụi mình đang giải quyết”, Tùng chia sẻ.
Trong suốt thời gian giãn cách năm 2021, FoodMap là một trong số ít những doanh nghiệp hiếm hoi được cấp phép để tiếp tục hoạt động nhằm cung ứng thực phẩm kịp thời cho người dân.
Sự quan tâm của các quỹ đầu tư vào FoodMap đã phần nào cho thấy xu hướng rót vốn của họ có sự thay đổi. Thay vì ưu tiên vào những startup công nghệ cao như trước, họ đã dần quan tâm hơn tới những startup công nghệ nông nghiệp đang hoạt động trong những lĩnh vực nông sản.
Điều này cũng cùng với xu hướng đầu tư “an toàn” trên thị trường toàn cầu hiện nay. Theo tờ Wall Street Journal, đối mặt với đại dịch COVID-19, các nhà đầu tư sẽ không còn tuỳ tiện vung tiền vào những startup có tiềm năng sinh lời ‘khổng lồ’ như trước đây, mà thay vào đó sẽ tập trung vào những startup có xu hướng kinh doanh thiết thực và bền vững hơn.
Hiện tại, FoodMap cung cấp sản phẩm của hơn 300 nông dân và nhà sản xuất cho Việt Nam. Nền tảng cho phép khách hàng nhìn thấy sản phẩm của FoodMap thông qua nền tảng thương mại điện tử và ứng dụng di động. Tất cả các sản phẩm được đưa vào FoodMap đều có mã QR.
Đối với người nông dân, FoodMap giúp tăng thu nhập đối với các sản phẩm thô của họ lên khoảng 10%-20% trong khi giảm các khoản chi phí kém hiệu quả qua nhiều lớp trung gian. Bên cạnh đó, nền tảng cung cấp nhiều thông tin chuyên môn và cách thức giúp người nông dân lập kế hoạch thu hoạch.
Đối với các nhà cung cấp, FoodMap mang thương hiệu và câu chuyện của họ đến với khán giả trực tuyến và bắt đầu số hóa doanh số bán hàng. Ví dụ, đối với một số thương hiệu lâu đời, FoodMap đã bắt đầu tạo ra tới 50% tổng doanh số bán hàng. Mặt khác, nền tảng cung cấp cách thức kiểm soát chất lượng và tìm hiểu sản phẩm cho khách hàng.