Bầu Thụy muốn “tháo chạy” khỏi Thaiholdings?
Ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 87 triệu cổ phiếu THD, qua đó không còn sở hữu bất cứ cổ phần nào tại Thaiholdings.
Bán sạch vốn tại Thaiholdings
Công ty Cổ phần Thaiholdings (mã CK: THD) vừa có thông báo về giao dịch cổ phiếu của người có liên quan người nội bộ là ông Nguyễn Đức Thụy (tức Bầu Thụy), cổ đông lớn nhất và là anh trai của ông Nguyễn Văn Thuyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaiholdings.
Theo đó, Bầu Thụy muốn bán toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu THD, tương ứng thoái 24,97% vốn tại Thaiholdings, giao dịch dự kiến thực hiện trong tháng 6 tới. Mục đích của giao dịch thoái vốn này là cơ cấu danh mục đầu tư. Sau giao dịch, ông Thụy sẽ không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào tại Thaiholdings.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu Thaiholdings đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/5 tại giá 57.500 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo mức giá này, nếu bán cổ phiếu thành công, Bầu Thụy dự kiến thu về khoảng 5.000 tỷ đồng.
Được biết, ông Nguyễn Đức Thụy (sinh năm 1976) từng là Chủ tịch Tập đoàn Thai Group, Công ty Cổ phần Thaiholdings, Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên và Công ty Cổ phần Enclave Phú Quốc.
Tại Thaiholdings, ông Thụy hiện nay không còn giữ chức vụ nào. Tuy nhiên, ông là người sáng lập và một trong những cổ đông lớn nhất của công ty. Chủ tịch Hội đồng quản trị hiện tại của Thaiholings là ông Nguyễn Văn Thuyết, là em trai của ông Thụy.
Đáng chú ý, động thái thoái vốn của Bầu Thụy khiến giới đầu tư không khỏi bất ngờ. Bởi tại phiên họp thường niên của Thaiholdings vừa diễn ra, nghị quyết của đại hội cũng đã chốt phương án một nhóm các cổ đông lớn chuyển nhượng hơn 30,6 triệu cổ phiếu cho ông Nguyễn Đức Thụy. Sau giao dịch này, ông Thụy sẽ nâng sở hữu THD lên hơn 118 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 33,74%).
Mới đây, ngày 17/5, Công ty Cổ phần Thaiholdings đã công bố thông tin nghị quyết Hội đồng quản trị, thông qua phương án điều chỉnh lại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
Theo đó, chấp hành Công văn số 1428/CV-CSKT-P10 của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu - Bộ Công an (C03), Hội đồng quản trị Thaiholdings đã thông qua phương án Công ty Cổ phần - Tập đoàn Thaigroup (công ty con của Thaiholdings) hoàn trả số tiền đã giao dịch từ Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Đức Thụy (tức Bầu Thụy) (Ảnh: LPB) |
Số tiền mà Thaigroup hoàn trả Tập đoàn Tân Hoàng Minh là 840 tỷ đồng. Đây là số tiền mà nhà đầu tư mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh. Thaigroup sẽ nhận lại cổ phần của Công ty Cổ phần Bình Minh Group (chủ sở hữu dự án 11A Cát Linh, Hà Nội) kèm hồ sơ pháp lý, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án.
Do đó, Hội đồng quản trị Thaiholdings thông qua phương án điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 với dự kiến lợi nhuận sau thuế giảm từ 1.156 tỷ đồng xuống còn 424 tỷ đồng.
Được biết, lô đất 11A Cát Linh có vị trí đắc địa trên địa bàn Hà Nội, với diện tích 2.505m2 và nằm ở nút giao Cát Linh - Đặng Trần Côn. Lô đất này vốn được Công ty Tạp phẩm và Bảo hộ lao động (Sunprotexim) sử dụng thực hiện dự án trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ.
Theo kế hoạch, Sunprotexim sẽ khởi công dự án tại số 11A Cát linh vào quý IV/2010. Để thực hiện dự án, các ki ốt tại số 30 Đoàn Thị Điểm được sửa sang để các đơn vị tại số 11A Cát Linh chuyển sang, tuy nhiên, sau đó không thấy dự án triển khai.
Sau đó, đến tháng 3/2017, một công ty có tên Công ty Cổ phần Bình Minh Group xuất hiện tại địa chỉ số 11A Cát Linh. Cổ đông sáng lập của Bình Minh Group bao gồm: Bà Nguyễn Thị Kim Dung (36% vốn điều lệ), bà Trần Ngọc Hà (36%) và ông Phạm Hoàng Long (28%). Trong đó, bà Dung là vợ ông Trần Nhật Thành (Chủ tịch Delta Group) và cũng được biết đến là Chủ tịch Hội đồng quản trị Sunprotexim.
Tháng 1/2018, Bình Minh Group tăng vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập đồng loạt thoái vốn. Lúc này, một cá nhân có mối liên hệ mật thiết với Thaigroup của doanh nhân Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) trở thành Tổng Giám đốc của Bình Minh Group.
Dấu hiệu mất cân đối tài chính của Thaiholdings
Về kết quả kinh doanh của Thaiholdings, theo báo cáo tài chính quý I/2022, công ty ghi nhận 1.452 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do khoản lợi nhuận khác bất ngờ âm 3,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 567 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt 168,7 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tới thời điểm cuối tháng 3/2022, tổng tài sản hợp nhất của Thaiholdings là 10.954 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là các khoản phải thu (3.287 tỷ đồng), chi phí trả trước (3.331 tỷ đồng) và lợi thế thương mại (1.905 tỷ đồng), phần lớn là với các pháp nhân trong cùng hệ thống.
Thaiholdings tiền mặt còn rất ít, trong khi nợ ngắn hạn vượt xa tài sản ngắn hạn |
Đáng chú ý, công ty này hiện chỉ còn 60 tỷ đồng tiền mặt, chiếm chưa đầy 1% trên tổng tài sản gần 11.000 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến Thaiholdings dù lãi ròng hàng nghìn tỷ mỗi năm nhưng số dư tiền đến cuối quý I/2022 chỉ còn gần 60 tỷ đồng là do dòng tiền lưu chuyển trong công ty thường xuyên ở mức âm.
Năm 2021, dù báo lãi ròng 1.156 tỷ đồng (trước điều chỉnh) nhưng lưu chuyển tiền thuần của Thaiholdings lại âm xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể, do ghi nhận khoản lỗ lớn từ hoạt động đầu tư (-1.571 tỷ đồng) cùng việc giảm các khoản phải thu (-889 tỷ đồng) và chi trả tiền lãi vay, thuế thu nhập doanh nghiệp (-655 tỷ đồng)… dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Thaiholdings năm 2021 âm 973 tỷ đồng trong năm vừa qua.
Nhằm bù đắp lượng lớn dòng tiền rút khỏi công ty kể trên, Thaiholdings phải nhờ tới dòng tiền hơn 2.000 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, chủ yếu là tiền thu từ đợt phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu.
Trong quý I/2022, dòng tiền lưu chuyển từ hoạt động kinh doanh của Thaiholdings đạt mức 177 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính trong quý của doanh nghiệp này lại âm tới 388 tỷ đồng.
Một điểm cho thấy dấu hiệu mất cân đối tài chính của Thaiholdings là việc nợ phải trả ngắn hạn lại vượt khá xa tài sản ngắn hạn của công ty. Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 3/2022, nợ ngắn hạn ở mức 3.913 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chỉ ở mức 2.868 tỷ đồng.