Bình Dương: Tổng sản phẩm GRDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,84% so với cùng kỳ
Ngày 22/6 UBND tỉnh Bình Dương tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, 6 tháng qua nhiều chỉ tiêu đề ra của tỉnh đạt và vượt, trong đó tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tăng 6,84% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt
Đồng chí Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp còn có đại điện Văn phòng Tỉnh ủy, đại diện các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố trong tỉnh, cùng đông đảo cơ quan báo chí địa phương và Trung ương.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các ngành sản xuất như: Dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử… chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt; Mạnh dạn chuyển đổi số, đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu bền vững.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,84% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ tăng 5,91%); trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng 7,85%; Dịch vụ tăng 6,06%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,95%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,18%.
Đồng chí Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (bên trái) chủ trì cuộc họp |
Về công nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2021, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,772 tỷ USD. Tỉnh đã tổ chức động thổ khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III; Đang triển khai đề án điều chỉnh đối với khu công nghiệp: Bàu Bàng và Cây Trường.
Thương mại - dịch vụ: Triển khai thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa, không xảy ra tình trạng khan hiếm, sốt giá. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 133.300 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp đảm bảo cung ứng, thường xuyên kiểm tra, xử lý doanh nghiệp găm hàng.
Xuất khẩu - nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19,181 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12,792 tỷ USD, giảm 5,8%; duy trì thặng dư thương mại gần 6,4 tỷ USD.
Về đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 60.723 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Đầu tư công đến 31/5/2022 tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công là 1.828 tỷ đồng, đạt 20,5% kế hoạch năm 2022 HĐND tỉnh giao và đạt 20,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đầu tư trong nước đến 31/5/2022 đã thu hút 33.817 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh (giảm 22,9% so với cùng kỳ); Đầu tư nước ngoài (đến 31/5/2022) đã thu hút 2,52 tỷ USD (đạt 140% kế hoạch, tăng 91% so với cùng kỳ).
Lĩnh vực giao thông vận tải, tỉnh tiếp tục phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai các thủ tục đầu tư tuyến đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Xúc tiến các thủ tục đầu tư: Mỹ Phước - Tân Vạn, mở rộng Quốc lộ 13 và các nút giao, nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1; Tập trung các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn; Phân luồng, điều chỉnh tổ chức giao thông đối với một số tuyến đường huyết mạch.
Số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng cao
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại cuộc họp đại diện lãnh đạo tỉnh cũng cho biết những khó khăn còn tồn tại như: Tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường đã có những ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam và tỉnh trên hầu hết các ngành, lĩnh vực; Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao...
Tiến độ lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng còn chậm; Các vướng mắc trong đầu tư công được tập trung chỉ đạo tháo gỡ tuy nhiên tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng cục bộ vẫn còn xảy ra trên một số tuyến đường.
Toàn cảnh cuộc họp |
Giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu vẫn ở mức cao ảnh hưởng đến đời sống của người nghèo, người thu nhập thấp. Việc triển khai một số chính sách hỗ trợ một số đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh còn chậm.
Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi và mũi 3 cho người trên 18 tuổi còn chậm; Dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng có chiều hướng tăng cao, đặc biệt trong giai đoạn mùa mưa từ tháng 4 đến nay. Toàn tỉnh ghi nhận 4.867 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đã ghi nhận 8 trường hợp tử vong gồm: TP Dĩ An: 5 ca, TX Tân Uyên: 2 ca, TP Thuận An: 1 ca.
Tình hình bệnh tay chân miệng cũng đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng mạnh trong tháng 5/2022 với 703 ca, cao gấp 2,6 lần so với tháng 4/2022. Lũy kế từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.668 ca mắc (tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2021), và 1 trường hợp tử vong do tay chân miệng.
Các dịch bệnh truyền nhiễm khác ổn định (sởi, thủy đậu, quai bị…) trong tháng ghi nhận số ca mắc thấp, không ghi nhận ca tử vong. Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm 2021. Ngành Y tế tỉnh tập trung công tác thông tin tuyên truyền và phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 ngăn ngừa dịch tái bùng phát.