Thứ năm, 19/09/2024 - 23:13

Chủ tịch Sâm Sâm Group nói gì về việc vận động thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam?

Chủ tịch Sâm Sâm Group cho rằng, ai đứng ra vận động thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam phải đủ uy tín và năng lực kêu gọi, mang lại lợi ích cho hội viên.

Ông Nguyễn Đức Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sâm Sâm Group cho rằng, việc thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam là rất cần thiết cho việc triển khai các kế hoạch, chương trình để phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh nói riêng và sâm Việt Nam nói chung và cá nhân, tổ chức đứng ra vận động thành lập Hiệp hội phải có đủ uy tín và năng lực.

Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sâm Sâm Group về xung quanh vấn đề trên.

PV: Được biết, công ty TNHH Sâm Sâm là một trong những đơn vị đi đầu trong việc phát triển, chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Việc phát triển của công ty gặp những khó khăn gì và đã vượt qua như thế nào, thưa ông?

Chủ tịch Sâm Sâm Group nói gì về việc vận động thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam?
Ông Nguyễn Đức Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sâm Sâm Group

Ông Nguyễn Đức Lực: Nói về phát triển sâm Ngọc Linh thì công ty TNHH Sâm Sâm bắt đầu thành lập từ năm 2015. Nguyên thủy là một đơn vị chuyên trồng, bảo tồn và nhân giống cây Sâm Ngọc Linh tại thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).

Ban đầu, việc xác định đầu tư nuôi trồng đến chế biến các sản phẩm có rất nhiều khó khăn (từ cách tiếp cận với môi trường rừng để trồng dược liệu cho đến nghiên cứu phát triển sản phẩm, tìm hiểu thị trường…) và đến bây giờ, công ty đã vượt qua được những khó khăn đó.

Đơn vị hiện đã xây dựng trung tâm giống chuyên nghiên cứu và thực hiện quy trình nhân giống: Kết hợp nhân giống tự nhiên (gieo hạt) và nhân giống vô tính invitro và hiện có nhà máy chế biến, sản xuất các chế phẩm cao cấp từ sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác, với quy mô diện tích 5 ha tại Khu Công nghiệp Tam Thăng, tỉnh Quảng Nam.

Hiện, công ty có trên 10 sản phẩm thực phẩm chức năng được chế biến từ sâm Ngọc Linh. Tầm nhìn trong thời gian tới sẽ trở thành thương hiệu uy tín hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác.

Chủ tịch Sâm Sâm Group nói gì về việc vận động thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam?
Quy trình nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh của Công ty TNHH Sâm Sâm. Ảnh: Công ty Sâm Sâm

PV: Mới đây, Chính phủ vừa thông qua “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2045”, điều này sẽ tác động như thế nào trong việc phát triển sâm Ngọc Linh của doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Đức Lực: "Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2045” được thông qua là tín hiệu tích cực cho sự phát triển của ngành sâm, tuy nhiên có một số vấn đề chúng ta cần phải tháo gỡ.

Thứ nhất là ở các khu vực vùng trồng. Hiện theo quyết định phát triển sâm Ngọc Linh thì không áp dụng cho việc trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đặc dụng, mà đặc thù loại cây này phải bắt buộc sống dưới tán rừng. Chính vì thế, nhà nước cần có hành lang pháp lý cụ thể để người nuôi trồng, doanh nghiệp có thể chuyên tâm phát triển và việc này cần nên làm sớm.

Thứ hai là về nuôi trồng. Hiện việc sử dụng các chế phẩm sinh học, các loại thuốc gần như vẫn chưa có sự kiểm soát. Cơ quan chức năng cần sớm có những nghiên cứu để ứng dụng vào việc nuôi trồng, phát triển sâm Ngọc Linh.

Thứ ba, về phát triển sản phẩm. Cần làm như thế nào để sản phẩm đạt chất lượng cao nhất, đảm bảo uy tín để đưa đến tay người tiêu dùng, xứng đáng là sản phẩm quốc gia và cần có các quy chuẩn cụ thể để dễ dàng trong việc quản lý.

Thứ tư, doanh nghiệp cần tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để tiếp tục phát triển sâm Ngọc Linh. Cơ chế chính sách về vốn cần cụ thể thì mới phát triển bền vững được.

Thứ năm, về thực trạng sâm giả, sâm nhái sâm Ngọc Linh. Việc này cần có những chế tài để đưa sâm Ngọc Linh về đúng giá trị thật. Các cơ quan chức năng, quản lý thị trường phải truy xuất được các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh có đúng thật là sâm Ngọc Linh hay không.

"Đề xuất Bảo hiểm Y tế có thể nghiên cứu đưa, chọn những sản phẩm có ích từ sâm Ngọc Linh trong việc hỗ trợ sức khỏe cho bệnh nhân theo diện bảo hiểm. Tôi nghĩ việc này rất là thiết thực, vừa góp phần phát triển ngành sâm Việt Nam, vừa giúp tăng cường sức khỏe cho người bệnh" - ông Nguyễn Đức Lực đánh giá.

PV: Doanh nghiệp có những định hướng gì để sâm Ngọc Linh phát triển mang tính bền vững trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Lực: Để phát triển sâm Ngọc Linh trong thời gian tới, chúng ta cần học hỏi các nước đi đầu trong ngành sâm, đặc biệt là Hàn Quốc. Hiện nước bạn đang làm rất tốt trong công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm về sâm. Ở Việt Nam, chúng ta cũng cần phải như vậy. Để sâm Ngọc Linh nói riêng và sâm Việt Nam nói chung trở thành sản phẩm quốc gia, từ các cấp bộ ban, ngành đến người dân đều cần phải chung tay, góp sức để đưa sản phẩm từng bước ra thị trường.

Với Sâm Sâm Group, hiện đơn vị đang liên kết với các đối tác nước ngoài, để hỗ trợ trong việc chuyển đổi số, thương mại hóa, đưa các sản phẩm sâm Ngọc Linh của công ty tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng và vươn ra thị trường thế giới.

Chủ tịch Sâm Sâm Group nói gì về việc vận động thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam?
Đoàn chuyên gia khảo sát vườn trồng sâm tại thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My. Ảnh: Công ty Sâm Sâm

Trong thời gian tới công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến để chuẩn hóa quy trình từ nghiên cứu cây giống sâm Ngọc Linh đến sản phẩm đưa tới tay người tiêu dùng. Tạo ra cơ hội để đại đa số người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, nâng tầm vị thế của sâm Ngọc Linh trên thị trường Việt Nam cũng như quốc tế.

PV: Theo ông, việc thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam sẽ có những lợi ích gì đối với các hộ trồng sâm, doanh nghiệp trong việc nuôi trồng và phát triển các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh?

Ông Nguyễn Đức Lực: Hiện tại Quảng Nam có Hội Sâm núi Ngọc Linh và quế Trà My. Hội được thành lập từ năm 2018 và đã hỗ trợ rất nhiều cho bà con, doanh nghiệp.

Đây là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh - dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế ở địa phương và lĩnh vực khác liên quan. Mục đích nhằm phối hợp các hoạt động của các hội viên để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hợp tác hỗ trợ phát triển kinh tế từ sản phẩm quế Trà My và sâm Ngọc Linh Quảng Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, tự bảo đảm kinh phí hoạt động, không vì mục đích lợi nhuận.

Chủ tịch Sâm Sâm Group nói gì về việc vận động thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam?
Tỉnh Quảng Nam hiện có Hội Sâm núi Ngọc Linh và quế Trà My

Định hướng trong năm nay, Hội sẽ tách thành 2 Hội riêng biệt là Hội Sâm Ngọc Linh Quảng Nam và Hội quế Trà My Quảng Nam để dễ dàng hoạt động hơn trong việc quản lý và định hướng phát triển các sản phẩm, làm sao để các hội viên cảm thấy có lợi khi tham gia từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Mới đây, khi nghe thông tin thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam, tôi nghĩ việc này cần phải làm từ sớm và rất cần thiết cho việc triển khai các kế hoạch, chương trình để phát triển sản xuất sâm Việt Nam. Tuy nhiên, cá nhân, tổ chức đứng ra thành lập Hiệp hội phải có đủ uy tín và năng lực để kêu gọi vận động và mang lại lợi ích thiết thực cho các hội viên. Để từ đó, thông qua hiệp hội, các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh sẽ nhận được niềm tin từ người tiêu dùng và hội sẽ có vai trò quan trọng trong việc phân loại các loại sâm, tránh nhầm lẫn sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác trên thị trường.

Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam là việc nên làm để ngành sâm Việt Nam phát triển ngang bằng với các nước trên thế giới.

“Chúng tôi rất ủng hộ việc đó, còn cách làm như thế nào thì phải do cách thức hoạt động của Hiệp hội, làm sao cho phù hợp, nếu làm tốt thì các địa phương, doanh nghiệp sẽ cùng tham gia, cùng chung tay để phát triển ngành sâm Việt Nam ngành hàng mang thương hiệu quốc tế”, ông Bửu nêu ý kiến.

 
Lượt xem: 11
Tin liên quan