Thứ năm, 19/09/2024 - 08:42

Doanh nghiệp IT Việt Nam hợp lực giành thêm đơn hàng từ Nhật Bản

Mười lăm công ty công nghệ thông tin vừa và nhỏ của Việt Nam đã thành lập liên minh để thúc đẩy các đơn đặt hàng từ khách hàng Nhật Bản, với hy vọng thu hút được 3 tỉ yen (22 triệu USD) doanh thu trong 3 năm tới - theo Nikkei Asia. 

Doanh nghiệp IT Việt Nam hợp lực giành thêm đơn hàng từ Nhật Bản

Công ty công nghệ thông tin Việt Nam CodLUCK - 1 trong 15 công ty thuộc liên minh Japan DX Partners - chuyên phát triển ứng dụng điện thoại thông minh và phần mềm blockchain. Ảnh: CodLUCK

Nhóm công ty này đều có trụ sở tại Hà Nội, đã thành lập Japan DX Partners (JDXP) vào tháng 10.2022. Trong số các công ty tham gia liên minh, có những công ty được sinh viên tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội cũng như dự án phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin nói tiếng Nhật thuộc Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản thành lập.

Chuyên môn của những công ty trong liên minh gồm: Hệ thống trí tuệ nhân tạo, công nghệ blockchain, thương mại điện tử... Tổng số nhân viên phát triển của 15 công ty là khoảng 1.200 người.

“So với Nhật Bản, Việt Nam có nhiều kỹ sư trẻ và chúng tôi có thể thích nghi nhanh chóng với những công nghệ tiên tiến nhất thế giới, như blockchain" - Nguyen Vu Hien - Giám đốc Điều hành của CodLUCK Technology, một trong những công ty thuộc liên minh - cho biết.

Nguyen Vu Hien học công nghệ thông tin tại Đại học Bách khoa Hà Nội và làm việc cho các công ty của Nhật Bản tại Việt Nam trong lĩnh vực này trước khi thành lập CodLUCK năm 2020.

Tháng 3 năm ngoái, công ty của cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã ra mắt dịch vụ hỗ trợ xây dựng thị trường NFT (Non-fungible token, tạm dịch là Token không thể thay thế) và không gian metaverse cho thị trường Nhật Bản. Với việc thành lập Japan DX Partners, công ty của Nguyen Vu Hien có kế hoạch tăng cường hơn nữa khả năng giành được các đơn hàng.

Have a Talk nhận thấy công ty có thể cung cấp cho khách hàng những giải pháp nhanh chóng thông qua giao công việc cho liên minh Japan DX Partners. Công ty này đang nhắm tới lượng đơn đặt hàng trị giá 600 triệu yen (4,5 triệu USD) cho Japan DX Partners trong 3 năm tới. Nikkei lưu ý, Việt Nam từng là điểm đến phổ biến để phát triển hệ thống công nghệ thông tin ngoại biên cho các công ty Nhật Bản.

“Trước đây, việc thuê ngoài (outsourcing) các công ty công nghệ thông tin Việt Nam được thực hiện nhằm đảm bảo nhân lực như thường lệ, yêu cầu một bên làm một việc cụ thể nào đó. Tuy nhiên, số lượng các công ty ở Việt Nam có năng lực công nghệ lớn hơn Nhật Bản đã tăng lên trong những năm gần đây và họ cũng có thể được tin tưởng giao làm những công việc sáng tạo" - đại diện của Have a Talk cho hay. 

Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), vai trò ngày càng trọng yếu trong chuỗi cung ứng đang mang lại cho Việt Nam thêm nhiều khoản đầu tư ngành điện tử từ Nhật Bản.

Ông Matsumoto Nobuyuki - Trưởng Đại diện của JETRO - chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia rằng, các nhà sản xuất Nhật Bản đã đầu tư vào các thiết bị tiên tiến cũng như các lĩnh vực khác ở Việt Nam một phần nhờ vào trợ cấp của chính phủ Nhật Bản để rời khỏi Trung Quốc và cũng là để đa dạng hoá sản xuất trên khắp Đông Nam Á.

Cuộc khảo sát thường niên được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản thực hiện gần đây ở 18 quốc gia nhận thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản có mục tiêu mở rộng hàng đầu trong khu vực là tại Việt Nam, nơi đặt các nhà sản xuất điện tử lớn như: Sharp, Murata - 2 nhà cung cấp của Apple. 

Ông Matsumoto cho biết, điều bất ngờ trong cuộc khảo sát là tỉ lệ công ty Nhật Bản ở Việt Nam được hỏi kỳ vọng có lãi trong năm 2022 là 59,5%. 

Ngân hàng Thế giới nhận định, Việt Nam đang thăng tiến trong chuỗi giá trị, với tỉ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao đạt 42% vào năm 2020, tăng từ mức 13% của năm 2010. Tuy nhiên, tỉ lệ nội địa hóa nguồn cung của Việt Nam chỉ đạt 37,3%, thấp hơn Indonesia hay Thái Lan. Hơn nữa, 72,6% số doanh nghiệp Nhật Bản tham gia khảo sát cho biết, cần đào tạo nhân viên, cao hơn mức trung bình 66% ở Đông Nam Á - JETRO tiết lộ.  

Trong số những công ty được hỏi ở Việt Nam trong khảo sát của JETRO, 60% có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong 1 hoặc 2 năm tới. Tỉ lệ này ở Việt Nam cao hơn hầu hết các nước và chỉ sau Ấn Độ, Bangladesh. 

Nhật Bản và Hàn Quốc thường xuyên là hai nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. 

Tin liên quan