Thứ bảy, 23/11/2024 - 06:24

Doanh thu tháng 11 của Sao Ta tăng 25%, giá tôm sắp tới sẽ tăng do 'quy luật cung cầu'

So với mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm của Sao Ta (mã: FMC) đã tăng tới 45%, góp phần giúp doanh thu cải thiện 25% so với cùng kỳ.

Cụ thể, theo ước tính tình hình sản xuất kinh doanh tháng 11, sản xuất tôm thành phẩm của Sao Ta đạt 1.451 tấn, bằng 98% so cùng kỳ năm trước. Dù sản xuất giảm nhưng khâu tiêu thụ khá khả quan. Trong đó, sản lượng tôm tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 1.624 tấn, tăng 45% so cùng kỳ năm trước. Còn sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 113 tấn, tăng 9%.

Doanh số chung tháng 11 của Sao Ta đạt 17,4 triệu USD, tăng 25% so cùng kỳ 2022. 

Doanh thu tháng 11 của Sao Ta tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Mai Trang tổng hợp. 

Doanh nghiệp cho biết tôm nuôi thu hoạch hoàn tất nửa đầu tháng 11. Kết quả tôm thu hoạch khá tốt, góp phần đáng kể giảm giá thành tôm cuối cùng, bảo đảm lợi nhuận đạt mức điều chỉnh.

Từ cuối tháng 11, Sao Ta đã tiến hành thả nuôi tôm mùa nghịch và được doanh nghiệp cho rằng là đột phá đầu tiên trong tiến trình hoạt động nuôi tôm của công ty. Lý do là thời tiết cuối năm nay sẽ cao hơn trung bình và sắp tới tôm thương phẩm rất ít, giá sẽ tăng theo quy luật cung cầu.

Doanh nghiệp cho biết năm 2023 đang trôi về cuối, cuộc chiến Đông Âu không giảm nhiệt, tháng 10 lại thêm căng thẳng ở Trung Đông; sản lượng tôm Ecuador tăng trưởng khá mạnh gây áp lực kép phải tiêu thụ giá thấp, người tiêu dùng hưởng lợi khiến người nuôi và doanh nghiệp chế biến phải lao đao.

Hơn nữa ngành nuôi tôm nước ta đang được bị thêm bệnh tôm (TPD) chưa có phác đồ điều trị ngoài bệnh đang mắc phải (EHP) dẫn đến thiệt hại không nhỏ cho lĩnh vực nuôi, ít nhiều làm giá tôm thương phẩm trong nước phục hồi nhẹ từ cuối quý III. Sao Ta cho biết việc hồi phục giá chỉ do tác động cung cầu trong nước, không phải tín hiệu ấm từ thị trường tiêu thụ.

Giá tiêu thụ thấp, khiến sức tiêu thụ tôm Việt bị tác động khá mạnh, đa phần các thị trường đều bị giảm sút và tác động tới Sao Ta. 

Tôm nuôi bị dịch bệnh, tỷ lệ nuôi thành công thấp, tôm nuôi Sao Ta cũng giảm tỷ lệ nuôi thành công. Ngày 13/11, những ao tôm cuối cùng được thu hoạch, kết thúc vụ nuôi 2023. Dù thực tế sẽ tiếp tục thả nuôi cuối tháng này nhưng kết quả ở năm sau.

Kết thúc nuôi, Sao Ta ghi nhận sản lượng nuôi cao nhất, cao hơn kỷ lục năm 2021. Doanh nghiệp thông tin sản lượng cao do tăng diện tích nuôi, chứ kích cỡ tôm nhỏ hơn và tỷ lệ thành công thấp hơn và nhất là "giá tiêu thụ thì quá thấp".

Trong một diễn biến khác, cuối tháng 10 vừa qua, Sao Ta đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023. Cụ thể, tổng doanh thu giảm 17% so với kế hoạch cũ, từ 5.900 tỷ đồng xuống 4.870 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm 25% so với mục tiêu ban đầu, từ 400 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng. 

Trên thị trường, theo báo cáo mới công bố của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), xuất khẩu tôm tới hết tháng 11 ước đạt 3,15 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 11, xuất khẩu tôm ước đạt 310 triệu USD, tăng 4%.

Theo VASEP, xuất khẩu tôm cũng bị chi phối bởi cạnh tranh về giá trong bối cảnh nguồn cung tôm thế giới dư thừa, giá bán hạ. Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều thấp hơn so với cùng kỳ, trừ một vài thị trường nhỏ.

Tin liên quan
Đang chờ cập nhật