Thứ sáu, 20/09/2024 - 00:07

Ninh Bình: Ít doanh nghiệp duy trì được việc làm ổn định

Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng mới nên phải cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng với người lao động. Chỉ số ít còn duy trì được việc làm thường xuyên và ổn định song chỉ trong ngắn hạn.

Ninh Bình: Ít doanh nghiệp duy trì được việc làm ổn định

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Ninh Bình. Ảnh: Nguyễn Trường

Thống kê của LĐLĐ tỉnh Ninh Bình, tính đến ngày 30.6, toàn tỉnh có 21 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, trong đó có 12 doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp phải cắt giảm lao động chủ yếu trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử... Tổng số CNLĐ bị ảnh hưởng là trên 20.400 người, trong đó, số lao động bị giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động là trên 19.700 người và số lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động là gần 700 người.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh có trên 3.000 lao động làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; 2.894 trường hợp đã có quyết định hưởng với tổng số tiền chi trả trên 40,5 tỉ đồng. Trung bình mỗi ngày Trung tâm Dịch vụ giới thiệu việc làm (Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình) tiếp gần 200 lượt người tới làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tại Công ty Cổ phần Sản xuất ôtô Hyundai Thành Công (Khu Công nghiệp Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình), trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Quý I/2023, sản lượng sản xuất xe ôtô chỉ đạt 13.624 xe, giảm 6.564 xe (tương đương giảm 32,5%) so với quý I/2022, sản lượng sản xuất xe ôtô quý II/2023 của công ty chỉ đạt khoảng 12.148 xe, giảm 4.611 xe (tương đương giảm 27,5%) so với quý II/2022.

“Sản lượng sản xuất xe tiếp tục giảm mạnh do không đáp ứng được về thị trường tiêu thụ, hơn nữa tập đoàn đã phải dừng một số bộ phận sản xuất để tiết kiệm chi phí đầu vào. Từ tháng 5.2023 đến nay, người lao động tại công ty phải nghỉ luân phiên, có bộ phận một tháng chỉ đi làm 10 ngày” - anh Trương Văn Tuyên - Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự, Công ty Cổ phần Sản xuất ôtô Hyundai Thành Công - cho hay.

Tương tự, tại Công ty TNHH Giày ADORA Việt Nam (tại Khu công nghiệp Tam Điệp, Ninh Bình), từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình sản xuất của công ty gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng việc làm, thu nhập của người lao động trong công ty cũng bị ảnh hưởng.

Chị Đinh Thị Thanh Tâm - Chủ tịch CĐCS Cty TNHH Giày ADORA Việt Nam - cho biết, do công ty không kí được đơn hàng mới dẫn đến thu nhập của CNLĐ trong công ty bị sụt giảm. Hiện 100% CNLĐ trong công ty đều không có tăng ca và nghỉ làm ngày thứ 7 hàng tuần.

“Nếu như thu nhập bình quân trước đây của CNLĐ trong công ty là 7 triệu đồng/tháng thì nay giảm xuống chỉ còn 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Mức lương này không thể đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt, chi tiêu cho gia đình nên trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có trên 600 người nghỉ việc tại công ty” - chị Tâm chia sẻ.

Bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng với NLĐ thì cũng có những doanh nghiệp vẫn duy trì được việc làm thường xuyên, đảm bảo mức thu nhập cho NLĐ, tuy nhiên việc duy trì cũng chỉ kéo dài được đến hết tháng 7.2023 nếu như doanh nghiệp không kí được đơn hàng mới.

Anh Cao Văn Tiến Trang - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH May NiengHsing (Khu công nghiệp Khánh Phú, Ninh Bình) - cho biết, hiện công ty vẫn đang duy trì việc làm thường xuyên và ổn định cho 2.800 CNLĐ, một số bộ phận vẫn có tăng ca. Tuy nhiên, việc này cũng chỉ duy trì được trong tháng 7 này. Trong tháng 8 và tháng 9 tới đây, nếu không kí được đơn hàng mới, công ty cũng dự kiến cho CNLĐ nghỉ việc luân phiên.

Lượt xem: 12
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan