Quảng Nam: Tranh chấp Hợp đồng kinh doanh, Công ty D.A.C kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm
Đại diện pháp luật Công ty D.A.C đã kháng cáo toàn bộ Bản án Sơ thẩm số: 01/2023/KDTM-ST ngày 31/5/2023 của TAND huyện Núi Thành (Quảng Nam).
Dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu dân cư Tam Anh Nam (giai đoạn 3) đang tranh chấp |
Bản án dân sự Sơ thẩm số 01/2023/KDTM-ST ngày 31/5/2023 của Tòa án nhân dân (TAND) huyện Núi Thành tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Phú Long (Công ty Phú Long – Nguyên đơn) về việc: “Tranh Chấp Hợp đồng kinh doanh Bất động sản về chuyển nhượng quyền sử dụng đất” với Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Văn hóa Sự kiện Việt D.A.C (Công ty D.A.C - Bị đơn).
Đồng thời, chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Phú Long, nhập các vụ án dân sự thụ lý từ số 103 đến 112 ngày 6/10/2021 và số 153 đến 154 ngày 9/12/2021 giải quyết trong vụ án “Kinh doanh Thương mại ”thụ lý số 5/2021/TLST-KDTM ngày 20/8/2021.
Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty D.A.C; Chấp nhận một phần yêu cầu độc lập của Công ty đầu tư Bất động sản Vgroup buộc Công ty Phú Long lập thủ tục chuyển nhượng và giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các khách hàng được Công ty đầu tư Bất động sản Vgroup chỉ định.
Sau khi ban hành bản án, Công ty D.A.C cho rằng, Tòa cấp sơ thẩm ra bản án chưa đúng bản chất vụ việc tranh chấp giữa các bên, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Công ty D.A.C cho rằng, đây là "tranh chấp hợp đồng thương mại" giữa 2 pháp nhân, nhưng không được xét xử đúng Luật kinh doanh thương mại, có dấu hiệu áp dụng sai luật. Bên cạnh đó, việc Công ty Phú Long thừa nhận đã nhận của Công ty D.A.C hơn 75 tỷ đồng theo hợp đồng mua bán số 17, đồng nghĩa 105 lô đất đã được thanh toán 72%.
Do đó, việc tòa chấp nhận cho Công ty Phú Long đơn phương chấm dứt hợp đồng số 17 khi bên mua đã thanh toán hơn 70% giá trị hợp đồng là không đúng quy định của pháp luật, không đúng với quy định của hợp đồng đã kí giữa các bên.
Công ty D.A.C đã kháng cáo toàn bộ Bản án Sơ thẩm số: 01/2023/KDTM-ST ngày 31/5/2023 của TAND huyện Núi Thành |
Đại diện pháp luật của D.A.C ông Trương Đình Đức nêu quan điểm, Tòa không tuyên rõ ràng đối với 84 lô còn lại, vì sao không tiếp tục giao cho D.A.C và buộc D.A.C tiếp tục thanh toán 28% còn lại. Hơn nữa, đối với số tiền khoảng 54 tỷ còn lại D.A.C đã nộp cho Phú Long sẽ được giải quyết như thế nào?
"Hợp đồng thương mại mua sỉ 105 lô đất, nên bên bán phải xuất hoá đơn tài chính cho bên mua theo từng đợt thanh toán để khai báo thuế. Trong khi đó, Phú Long đã nhận tiền nhiều đợt với số tiền lên đến hơn 75 tỷ đồng nhưng không xuất hoá đơn, cũng không ra sổ đỏ. Do đó, D.A.C phải tạm dừng nộp tiền vì nghi ngờ Phú Long có dấu hiệu chiếm dụng vốn... Tuy nhiên, Tòa cấp sơ thẩm chỉ phạt D.A.C do chậm thanh toán mà không phạt Phú Long trong việc chậm ra sổ đỏ, không xuất hoá đơn. Hiện, cơ quan thuế đang xem xét hành vi này của Phú Long", ông Đức nói.
Cũng theo ông Đức, tòa án cấp sơ thẩm quyết định phạt Công ty D.A.C 20% trên tổng giá trị hợp đồng, tương ứng 21 tỷ là hoàn toàn thiếu căn cứ pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty.
Liên quan đến dấu hiệu trốn thuế của Phú Long, ông Đức cho rằng, thực tế trong hồ sơ thể hiện đơn giá Công ty Phú Long ký chuyển nhượng cho 15 khách hàng với giá thấp hơn giá đã bán cho Công ty D.A.C theo hợp đồng số 17. Đây là hành vi trái quy định pháp luật, bởi không đúng đối tượng mua hàng, không đúng giá trị theo hợp đồng, có dấu hiệu bán 1 lô đất 2 lần, kê khai 2 giá.
Theo ông Đức, các khách hàng chưa nộp đủ tiền mua đất cho Công ty DAC, do đó các hợp đồng chuyển nhượng mà Phú long đã ký với khách hàng của D.A.C có dấu hiệu gian dối. Liên quan đến vấn đề này, Công ty D.A.C đã có đơn tố giác đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản tiếp nhận tin tố giác để điều tra, làm rõ.
Văn bản thông báo thụ lý đơn tố cáo của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam |
Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cũng đã tiếp nhận, thụ lý đơn phản ánh của D.A.C về việc Công ty Phú Long có dấu hiệu trốn thuế. Bởi, khi chuyển dịch cho khách hàng với giá thấp hơn so giá bán ghi trong Hợp đồng số 17 đã kí với với D.A.C trước đó. Theo đó, Công ty D.A.C kháng cáo yêu cầu cấp Tòa phúc thẩm tuyên vô hiệu, buộc Phú Long phải chuyển dịch đúng giá đã ký kết hợp đồng với D.A.C, tránh thất thu thuế cho Nhà nước.
Tại Điều 4.2 của Hợp đồng số 17 quy định, khi nộp tiền đạt đến mức 40% = 42 tỷ đồng thì Công ty Phú Long ra sổ cho D.A.C khi có khách hàng yêu cầu. Nếu không có khách hàng yêu cầu thì Phú Long sẽ ra sổ cho Công ty D.A.C với tỉ lệ 70% của số tiền D.A.C đã nộp cho phú Long.
Do đó, việc Công ty Phú Long không ra sổ cho D.A.C dẫn đến khách hàng đi thưa kiện yêu cầu bồi thường lãi vay, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không chấp nhận D.A.C yêu cầu buộc Công ty Phú Long phải bồi thường tiền lãi vay ngân hàng đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của D.A.C và khách hàng.
Trong đơn kháng cáo, Công ty D.A.C đề nghị cấp Tòa phúc thẩm chấp nhận yêu cầu: Buộc Công ty Phú long phải bồi thường lãi vay ngân hàng cho Công ty D.A.C, để công ty bồi thường lãi vay cho khách hàng do lỗi chậm giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ phía Công ty Phú Long. Buộc phạt công ty Phú Long với mức 8% do vi phạm hợp đồng tại điều 4.2 không ra sổ để D.A.C giao cho khách hàng, dẫn đến khách hàng khiếu kiện gây ảnh hưởng đến an nin trật tự xã hội và uy tín của của công ty. Buộc Công ty TNHH Phú Long phải xuất hóa đơn bán hàng cho Công ty D.A.C và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho D.A.C theo đúng giá đã ký kết tại hợp đồng số 17. |