Thứ ba, 17/09/2024 - 02:09

Thị trường nội địa khởi sắc, cơ hội để doanh nghiệp phục hồi

Con số mà Tổng cục Thống kê vừa đưa ra hôm qua, 29.1 cho thấy thêm những tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế.

Tháng Một là tháng cận Tết Nguyên đán nên hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1.2024 ước đạt 524,1 nghìn tỉ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về quy mô, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 1.2024 đạt quy mô cao nhất từ năm 2020 trở lại trước đây do nhu cầu tiêu dùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 1.2024 ước đạt 407,5 nghìn tỉ đồng, trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 22,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,4%; lương thực, thực phẩm tăng 6,2.

Rõ ràng là một tín hiệu tích cực khi dòng tiền đã chảy mạnh hơn trong chi tiêu và kỳ vọng tăng mạnh hơn trong dịp Tết Nguyên đán.

Ghi nhận thực tế tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy lượng hàng hoá dồi dào cho các địa phương đã có chuẩn bị sẵn các phương án bình ổn giá tạo điều kiện mua sắm Tết cho người dân. Những địa phương có mức tăng cao trong doanh thu bán lẻ là Quảng Ninh tăng 11%; Hải Phòng tăng 10,4%; Đà Nẵng tăng 9,2%; Đồng Nai tăng 8,1%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,5%; Bình Dương tăng 7,0%; Hà Nội tăng 6,1%; Bình Định tăng 4,2%...

Sức mua tăng ngay trong những ngày đầu năm cho thấy trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động thì thị trường nội địa lại chính là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển, với dân số gần 100 triệu người, trong đó 50% là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng đa dạng và luôn thay đổi. Đây là một “mỏ vàng tiêu thụ” mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tiếp tục mở rộng chuỗi phân phối của mình để khai thác triệt để.

Đối với các doanh nghiệp, sức mua tăng là tín hiệu rất khả quan để mạnh dạn đầu tư, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Một thông tin cũng đáng quan tâm, đó là trong tháng 1.2024, Việt Nam có 13,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 151,5 nghìn tỉ đồng và số lao động đăng ký hơn 103,4 nghìn lao động, tăng 2,2% về số doanh nghiệp, giảm 2,3% về vốn đăng ký và tăng 31,8% về số lao động so với tháng 12.2023. Đặc biệt nếu so với cùng kỳ năm trước, tăng 24,8% về số doanh nghiệp, tăng 52,8% về số vốn đăng ký và tăng 50,8% về số lao động.

Kinh tế Việt đã cho thấy sự bứt phá ngay từ đầu năm. Trong đó, yếu tố mở đường chính là Nghị quyết 02 của Chính phủ ban hành ngày 16.1 vừa qua đưa ra thông điệp rõ ràng về ưu tiên cải cách môi trường kinh doanh, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 và những năm sắp tới.

Rõ ràng, thị trường trong nước ấm lên tác động nhiều mặt, tạo niềm tin để doanh nghiệp vững vàng hơn trong quá trình khôi phục mạnh mẽ kinh tế.

Tin liên quan