Khu tái định cư sau 3 năm hoàn thành vẫn vắng bóng dân
Hà Tĩnh – Sau hơn 3 năm hoàn thành, khu tái định cư ở xã Điền Mỹ với 165 suất đất mới có 2 hộ làm nhà nhưng chưa đến ở.
Khu tái định cư xã Điền Mỹ với 165 lô đất sau hơn 3 năm hoàn thành xây dựng nhưng hiện mới có 2 hộ đến làm nhà. Ảnh: Trần Tuấn
Chiều 16.3, ông Phan Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê – cho biết, vừa qua theo yêu cầu mới của Điện lực, huyện đã bổ sung lắp đặt thêm các thiết bị, tụ bù điện và đã hoàn thiện hồ sơ.
Dự kiến hôm nay, 17.3, phía Công ty Điện lực Hà Tĩnh nếu thấy đã đảm bảo các điều kiện sẽ đóng điện ở khu tái định cư chống ngập lụt xã Điền Mỹ (huyện Hương Khê) để người dân sử dụng.
Cũng theo ông Kỳ, đến thời điểm này, tại khu tái định cư xã Điền Mỹ đã có 2 hộ xây dựng nhà ở, 8 hộ đã tập kết vật liệu để chuẩn bị làm nhà ở.
Do vậy, sau khi đóng điện, chính quyền cũng sẽ cho khôi phục lại một giếng đã khoan và tiếp tục khoan thêm giếng khác để cung cấp nước cho người dân trong quá trình thi công xây dựng nhà ở.
Giải thích việc chậm khoan giếng cho người dân, ông Kỳ cho biết, trong dự án xây dựng khu tái định cư không có hạng mục khoan giếng. Do đó, UBND huyện vừa mới cấp kinh phí giao cho xã Điền Mỹ khi nào có hộ dân lên làm nhà sẽ khoan giếng, tránh khoan trước mà không đến ở sẽ hư hỏng, mất mát máy bơm.
“Tổng thể, đến nay đã có 40 hộ đăng ký trong năm 2025 sẽ làm nhà ở tại khu tái định cư. Để phủ kín 165 lô đất tái định cư, thời gian tới chúng tôi giao chính quyền xã Điền Mỹ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nhận đất và cam kết phải làm nhà ở. Trường hợp vẫn không phủ kín được thì chúng tôi tổng hợp, báo cáo, xin UBND tỉnh điều chỉnh mục tiêu dự án, mở rộng đối tượng không chỉ ở xã Phương Mỹ (cũ) mà cả ở xã Phương Điền (cũ) nữa”, ông Phan Kỳ chia sẻ.
Như Lao Động đã phản ánh, năm 2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư nông thôn phục vụ phòng, chống ngập lũ cho nhân dân xã Phương Mỹ (đã sáp nhập với xã Phương Điền thành xã Điền Mỹ).
Dự án do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư gồm các hạng mục như xây dựng các tuyến đường, san nền, hệ thống thoát nước, hệ thống điện, nhà văn hóa trung tâm với tổng mức đầu từ hơn 41 tỉ đồng, tái định cư 165 hộ.
Theo phê duyệt, dự án triển khai đến năm 2019 phải hoàn thiện để đưa người dân về tái định cư. Thế nhưng, do vướng mặt bằng và thiếu vốn, đến năm 2021 mới triển khai xây dựng và đầu năm 2022 mới hoàn thành.
Nguyên nhân sau 3 năm hoàn thành vẫn rất ít hộ dân lên tái định cư, đại diện chính quyền địa phương cho rằng quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư đến khi thực hiện dự án kéo dài nhiều năm, ban đầu số hộ dân đăng ký tái định cư lớn nhưng sau đó họ chủ động nâng cấp nhà cửa nên không còn nhu cầu nữa.
Thứ hai, do theo quy định khi lên tái định cư, nơi ở cũ của người dân phải chuyển đổi mục đích đất ở thành đất canh tác nên người dân không muốn đổi.