Thứ tư, 15/01/2025 - 18:13

Ngân hàng nào kinh doanh lãi nhất trong 6 tháng đầu năm?

Nửa đầu năm 2024, nhiều ngân hàng lãi đậm, thậm chí lãi hàng chục nghìn tỷ đồng như Techcombank, BIDV, MBB… trong khi có một số ngân hàng chỉ lãi "vỏn vẹn" hơn một tỷ đồng như NCB, hoặc tăng trưởng lợi nhuận âm như OCB, VIB…

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 26 ngân hàng công bố Báo cáo tài chính giữa niên độ 2024 (báo cáo tài chính riêng lẻ ngân hàng). Phần lớn ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.

Xét về tốc độ tăng trưởng, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank - UPCoM: BVB) là ngân hàng đứng đầu với tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lên tới 290%, tức tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, BVBank lãi ròng 121 tỷ đồng, trong khi 6 tháng năm 2023, nhà băng này chỉ báo lãi 31 tỷ đồng.

Hình 1: Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2024 (so với cùng kỳ)

Nguồn: BCTC các ngân hàng.

Nguồn: BCTC các ngân hàng.

Tiếp sau là Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank – HOSE: LPB) với mức tăng trưởng 141,8% so với cùng kỳ năm 2023. Nửa đầu năm 2024, LPBank lãi ròng 4.720 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau LPBank là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank - HOSE: TCB), tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 62,5% so với cùng kỳ; Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank - HOSE: SSB) tăng lợi nhuận sau thuế 54,9%; Ngân hàng TMCP Nam Á (HOSE: NAB) tăng 45,5%; Ngân hàng TMCP Kiên Long (UPCoM: KLB) tăng 38,7%; Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HOSE: HDB) tăng 33%...

Hình 2: Chênh lệch lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng (đvt: tỷ đồng)

Nguồn: BCTC các ngân hàng.

Nguồn: BCTC các ngân hàng.

Tuy nhiên, xét về giá trị, Techcombank, hiện đang tạm dẫn đầu danh sách các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, với lợi nhuận sau thuế đạt 12.215 tỷ đồng. Cùng nhóm “lãi vạn tỷ” còn có Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV – HOSE: BID) với 11.870 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB – HOSE: MBB) lãi sau thuế 10.697 tỷ đồng.

Theo công bố gần đây của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – HOSE: VCB), dù chưa công bố báo cáo tài chính bán niên 2024, nhà băng này báo lãi 20.835 tỷ đồng (lợi nhuận theo báo cáo tài chính hợp nhất), vượt xa các ngân hàng khác trong hệ thống. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank – HOSE: CTG) lại không nằm trong nhóm này, có lợi nhuận sau thuế đạt 9.766 tỷ đồng, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận âm như Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB - HNX: NVB) khi lợi nhuận sau thuế cả 6 tháng chỉ đạt 1,4 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước. Mức sụt giảm này đến từ khoản lỗ ròng 44 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm. Dù sang quý II, tình hình kinh doanh của NCB có cải thiện, nhưng không đủ “sức” kéo lợi nhuận cả 6 tháng bằng với cùng kỳ năm 2023.

Ngoài ra, còn có một số ngân hàng khác có lợi nhuận “đi lùi” trong 6 tháng đầu năm như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank - UPCoM: SGB) đạt lợi nhuận sau thuế  131 tỷ đồng, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái; Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - UPCoM: PGB) báo lãi 214 tỷ đồng, giảm 10,3% so với cùng kỳ; Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) lãi ròng 1.671 tỷ đồng, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) lãi 3.669 tỷ đồng, giảm 18,2% so với cùng kỳ.

Theo dự báo của nhiều công ty chứng khoán, lợi nhuận ngân hàng sẽ có sự phân hóa trong năm 2024. Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức về nợ xấu. Tuy nhiên, một số ngân hàng có bộ đệm dự phòng rủi ro lớn sẽ vượt qua và cải thiện về mặt trưởng lợi nhuận.

Lượt xem: 19
Tác giả: Tuấn Thủy
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật