Thứ năm, 19/09/2024 - 23:31

Người khuyết tật vẫn gặp khó khi tiếp cận với dịch vụ ngân hàng

Hiện nay, với sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan, người khuyết tật đã phần nào giải quyết được vấn đề trong việc mở tài khoản và phát hành thẻ ngân hàng. Vì vậy, số lượng người khuyết tật sử dụng dịch vụ ngân hàng ngày càng tăng cao. 

 

  Người khuyết tật cần được hỗ trợ để hoà nhập cộng đồng. Ảnh: Bảo Hân  

Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, rào cản bất cập chưa thể giải quyết một cách dứt điểm. Điều đó, dẫn tới việc, người khuyết tật gặp khó trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản của ngân hàng. 

Cụ thể, những khó khăn đó bao gồm: hệ thống ATM chưa thân thiện với người khuyết tật, chưa có lối đi dành cho người sử dụng xe lăn; bàn phím ATM chưa có chữ nổi (chữ braille) và chưa có hỗ trợ điều hướng bằng âm thanh hay đọc màn hình để người khiếm thị có thể thao tác.

Cấu tạo của các máy ATM khác nhau, vị trí cắm thẻ khác nhau, bố cục các phím chức năng khác nhau dẫn đến việc người khiếm thị rất bối rối, dễ bị thao tác sai, từ đó, ảnh hưởng tới việc sử dụng dịch vụ ngân hàng của người khiếm thị. 

Ngoài ra, việc các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại di động hay các website của ngân hàng không đáp ứng khả năng tiếp cận, tính thân thiện chưa cao cũng là rào cản gây cản trở việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người khuyết tật vì bản thân các phần mềm đọc màn hình không thể đọc được nội dung đồ họa mà chỉ có đọc được dạng text. 

Vì vậy, việc các website của ngân hàng yêu cầu xác thực bằng mã capcha dẫn tới việc người khuyết tật sử dụng các dịch vụ ngân hàng một cách bị động và phải phụ thuộc vào người thứ ba để hỗ trợ họ trong việc giao dịch. 

Chưa kể, việc định danh hay mở tài khoản chực tiếp tại quầy cho người khuyết tật vẫn phải cần có người giám hộ. Điều này, khiến cho họ phụ thuộc vào người khác nhiều hơn là chủ động trong việc quản lý tài chính của mình. 

Nhiều ngân hàng cho rằng, người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung cần phải có người giám hộ để phòng tránh những rủi ro không đáng có. Tuy nhiên, việc có người giám hộ chưa chắc đã đảm bảo an toàn tuyệt đối khi người khuyết tật sử dụng dịch vụ ngân hàng mà còn khiến cho họ phụ thuộc hơn vào người giám hộ, đồng thời, giảm bớt quyền lợi của chủ thẻ là người khuyết tật.

Chưa kể một vài nguyên nhân khác như đa phần người khiếm thị hay người khuyết tật đều ở xa gia đình và họ đang học tập, làm việc ở các thành phố lớn. 

Trong khi đó, yêu cầu của ngân hàng là phải giữ an toàn, bảo mật cho chủ thẻ. Nếu chỉ có ngân hàng và chủ thẻ thì mọi giao dịch sẽ được giữ bí mật nhưng nếu có thêm người giám hộ thì tức là tài khoản đó có người thứ ba can thiệp. Một khi có người thứ ba can thiệp thì khả năng lộ thông tin cá nhân, mất an toàn và rủi ro sẽ tăng chứ không hề giảm. Vì vậy, có người giám hộ hay ủy quyền là điều không cần thiết. 

Mặc dù, có một số ngân hàng linh động cho phép người khiếm thị mở tài khoản online và cung cấp dịch vụ phát hành thẻ tại nhà, tuy nhiên, việc định danh hay xác thực lại thông tin là rất khó khăn.

Tôi có vài người bạn đã có tài khoản nhưng không thể định danh được tài khoản vì ngân hàng yêu cầu bắt buộc phải có giấy giám hộ. Có chi nhánh khi biết khách hàng là người khiếm thị thì họ khóa luôn tài khoản không cho phép sử dụng nữa mà có sử dụng thì cũng bị hạn chế, bất kể là chúng tôi có giải thích thế nào thì họ cũng không chấp nhận cho chúng tôi sử dụng. 

Là một người khuyết tật đã từng sử dụng các dịch vụ ngân hàng, tôi rất mong các ngân hàng hãy lắng nghe tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của người khuyết tật để hiểu rõ nhu cầu của họ, tìm hiểu xem họ đang cần gì.

Từ đó, cải thiện các dịch vụ ngân hàng thân thiện với người khuyết tật hơn và điều chỉnh sửa đổi các quy định của ngân hàng, đưa ra giải pháp phù hợp với tất cả mọi đối tượng khách hàng, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng khách hàng, nhằm giúp họ có thêm công cụ để hòa nhập vào đời sống, giảm bớt gánh nặng cho xã hội, góp phần không để ai bị bỏ lại phía sau...

 

Tin liên quan