Ổn định thị trường bất động sản, đảm bảo phân khúc nhà ở cho các đối tượng hợp lý
Sáng 14/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030.
Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nôi chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đàm Văn Huân; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Sỹ Trường; Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong...
Quang cảnh hội nghị |
Dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 xác định, nhu cầu tổng thể nhà ở giai đoạn 2021-2030 là 89 triệu m2 sàn; Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 44 triệu m2 sàn, giai đoạn 2026-2030 là 45 triệu m2 sàn.
Tổng nhu cầu diện tích sàn nhà ở xã hội đến năm 2030 khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở; Trong đó, đến năm 2025 là 1,25 triệu m2 sàn nhà ở.
Về nhà tái định cư, giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu sử dụng khoảng 1,29 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư, khoảng 16.186 căn hộ. Giai đoạn 2026-2030, tổng nhu cầu sử dụng khoảng 1,3 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư, khoảng 16.200 căn hộ.
Về nhu cầu phát triển nhà ở thương mại, giai đoạn 2021-2025 khoảng 19,42 triệu m2 sàn nhà ở; Giai đoạn 2026-2030 khoảng 15,19 triệu m2 sàn nhà ở. Về nhu cầu phát triển nhà ở riêng lẻ khoảng 4,5 triệu m2 sàn nhà ở/năm, cả khu vực đô thị và nông thôn.
Nhu cầu nhà ở của công nhân, sinh viên là bao nhiêu?
Góp ý vào dự thảo, TS. Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nhận định, chương trình phát triển nhà ở của thành phố là hết sức quan trọng. Đây là công việc phức tạp cần tư tuy tổng hợp tốt, có chiến lược lâu dài.
Mặc dù chuẩn bị dự thảo khá công phu nhưng theo ông Lê Văn Hoạt, dự thảo còn thiếu điểm nhấn. Ông đề nghị cần phải đánh giá thực trạng của các loại nhà ở; Phân tích, đánh giá kết quả, nguyên nhân tồn tại trong việc phát triển nhà ở; Đồng thời cần chú ý đến sự cấp thiết của vấn đề này.
TS. Bùi Thị An bày tỏ phấn khởi với những mục tiêu được đặt ra tại dự thảo chương trình. Tuy nhiên, theo bà An,dự thảo cần chú ý tới việc đảm bảo quỹ nhà cho các đối tượng là người lao động tự do từ các tỉnh về Hà Nội thuê trọ. Từ đó, bà đề xuất tăng chỉ tiêu diện tích mức sàn nhà ở. Cùng đó, TP cần đánh giá hiệu quả nhà tái định cư, rõ tỷ lệ dân đồng thuận, tỷ lệ dân đến ở để quản lý hiệu quả quỹ nhà này.
TS. Bùi Thị An góp ý vào dự thảo |
Đồng tình với nội dung về mục tiêu tổng quát, mục tiêu tổng thể đến năm 2030 của bản dự thảo, tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật cho rằng, tất cả mới chỉ là định hướng, dự kiến đề ra theo tinh thần Nghị quyết Đảng.
“Để dự thảo chương trình có tính tuyết phục cần bổ sung số hộ dân, người lao động có nhu cầu; Cụ thể hóa nhu cầu nhà ở của Nhân dân Thủ đô ở các tầng lớp để từ đó xây dựng ở mỗi vùng nông thôn, đô thị… Đồng thời cần nắm rõ số liệu nhà tạm hiện nay là bao nhiêu? Nhu cầu nhà ở cho công nhân, sinh viên là bao nhiêu?...”, ông Phạm Ngọc Thảo nêu rõ.
Khẳng định chương trình phát triển nhà ở lớn sau chương trình an ninh lương thực, ông Lê Đức Bính, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố cho rằng, cần đánh giá hiện trạng các loại nhà ở hiện có của Hà Nội. Ngoài các nhà biệt thư, chung cư, nhà ở xã hội còn có các nhà đặc chủng nhà công vụ... vì vậy cần đánh giá hết mới có thể "vẽ" nên bức tranh nhà ở một cách ổn định nhất.
Cũng theo ông Bính, dự báo về nhu cầu nhà ở của thành phố có thể gia tăng, nhất là khi vùng Thủ đô được mở ra, các loại đường vành đai được kết nối. Từ đó, ông đề nghị nghiên cứu lại diện tích bình quân đầu người. Về nguồn vốn thực hiện, ngoài nguồn sách thành phố, xã hội hóa... cần kết nối nguồn vốn của người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư ở địa phương.
Ông Lê Đức Bính, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố góp ý vào dự thảo |
Ngoài ra, trong thực hiện được bức tranh nhà ở vào năm 2030 cần chú ý tới cả yếu tố thẩm mỹ, trong đó kiên quyết xóa chung cư cũ; Chú trọng phát triển nhà ở phải hướng tới mát về mùa hè và ấm về mùa đông; Các công trình cạnh hồ cần quy định rõ hướng ra sông và không được xả thải; Nhà ở bên đường quốc lộ phải sau hành lang cây xanh...
Tuân thủ Luật Thủ đô và cảnh quan, kiến trúc đô thị
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tiếp thu 10 ý kiến đóng góp tại hội nghị cho thấy trách nhiệm, tâm huyết, thể hiện sự gắn bó với Thủ đô cũng như sự chuyển tiếp trong kinh nghiệm của các chuyên gia. Nếu chương trình đi vào cuộc sống sẽ tạo được sự đồng thuận của Nhân dân và được dư luận đón nhận.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội kết luận hội nghị |
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP đề nghị Sở Xây dựng, các cơ quan chuyên môn làm rõ, bổ sung các thông tin cần thiết trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết về điều tra xã hội học, rà soát tính toán các nhóm số liệu cụ thể như đối tượng thụ hưởng, đối tượng chính sách xã hội, người già, người có công, người khuyết tật để đề xuất phân khúc nhà ở cho các đối tượng hợp lý. Bên cạnh đó, cần cập nhật nội dung cụ thể các kế hoạch, đề án đã ban hành trong lĩnh vực này.
Về những kiến nghị, đề xuất, đồng chí cho rằng phải tuân thủ Luật Thủ đô, Quy hoạch dân số, Quy hoạch đất đai và những vấn đề liên quan đến quản lý kiến trúc đô thị để tạo quy chuẩn về không gian môi trường điều kiện sống, hạ tầng kỹ thuật và điểm nhấn đô thị…Mục tiêu phải góp phần bình ổn thị trường bất động sản, người dân phải có điều kiện sống trong môi trường khá hơn. Mỗi Sở, ngành cần có đề án mang tính then chốt để thực hiện chương trình nhà ở. Ngoài ra, phải có sự phối hợp giữa Hà Nội với các tỉnh, thành trong khu vực...