Thứ năm, 19/09/2024 - 08:46

Thị trường nhà ở 2023 có thể đối mặt với khủng hoảng thiếu

Nguồn cung bất động sản (BĐS) liên tục giảm trong 5 năm qua, đặc biệt là năm 2022 đã khiến thị trường năm 2023 tiếp tục đối mặt với nguy cơ “khủng hoảng thiếu”, nhất là khi những điểm nghẽn vẫn chưa được khơi thông.

Thị trường nhà ở 2023 có thể đối mặt với khủng hoảng thiếu

Thị trường năm 2023 tiếp tục đối mặt với nguy cơ “khủng hoảng thiếu”, nhất là khi những điểm nghẽn vẫn chưa được khơi thông. Ảnh Cao Nguyên.

Dòng tiền vào thị trường yếu nhưng nguồn cung tiếp tục khan hiếm, dẫn đến giá nhà ở tăng cao, vượt qua khả năng chi trả của phần đa người lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Đó là thực tế của thị trường BĐS 2022 và đang đặt ra nhiều thách thức cho năm 2023.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2022, cả nước chỉ có 126 dự án (quy mô 55.732 căn hộ) được cấp phép. Số lượng dự án được cấp phép bằng 52,7% so với năm 2021.

Bên cạnh đó, có 466 dự án BĐS với quy mô xây dựng 228.029 căn hộ đang được triển khai xây dựng, bằng khoảng 47,7% so với năm 2021; và có 91 dự án với 18.206 căn hộ đã hoàn thành xây dựng, bằng khoảng 55,2% so với năm 2021.

Tình trạng sụt giảm nguồn cung trên thị trường BĐS trong năm 2022, đặc biệt là số dự án được cấp phép sụt giảm sẽ tác động lớn tới nguồn cung trong năm 2023.

Theo dự báo của Savills, tại Hà Nội, trong năm 2023, ước tính có 19 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 2 dự án sẽ mở bán với tổng cộng 15.800 căn hộ.

Còn tại TP.HCM, các chủ đầu tư địa ốc sẽ trì hoãn việc mở bán mới khoảng 5.000 căn hộ cho đến năm 2023. Do đó, nguồn cung tương lai trong năm 2023 ước đạt 8.000 căn, giảm 60% so với năm 2022.

Trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng về tình hình nhà ở và thị trường BĐS trên địa bàn trong năm 2022, UBND TP.HCM cho biết thực trạng nguồn cung giảm rõ rệt do quy định về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch chưa có sự thống nhất.

Nguồn cung và vốn được tháo gỡ sẽ làm thị trường BĐS tươi sáng. Ảnh Cao Nguyên.

Nguồn cung và vốn được tháo gỡ sẽ làm thị trường BĐS tươi sáng. Ảnh Cao Nguyên.

Nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, quy hoạch, nghĩa vụ tài chính … dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, chậm giải quyết của một số cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo quy định phối hợp liên thông, đồng bộ. Điều này làm khan hiếm dự án nhà ở đủ điều kiện pháp lý để bổ sung thị trường.

Đồng thời, địa phương này cho biết, việc kiểm soát chặt kênh tín dụng ngân hàng cũng như phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động nhiều doanh nghiệp BĐS, thanh khoản thị trường thấp, nhiều dự án xây dựng dở dang phải dừng lại, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Thực tế số dự án nhà ở thương mại hoàn thành trên cả nước giảm sâu, trong khi dự án dở dang tăng mạnh cũng cho thấy thị trường BĐS đang rất khó khăn, nhiều chủ đầu tư buộc phải thắt lưng buộc bụng, thi công cầm chừng, thậm chí, tạm dừng vì đói vốn.

Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, việc tín dụng tiếp tục bị kiểm soát vào BĐS và các doanh nghiệp bị giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu, chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn.

Tình trạng nguồn cung BĐS suy giảm, cơ cấu sản phẩm bất hợp lý, nguồn cung cao cấp, du lịch đang quá dư thừa trong khi thị trường lại thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá phù hợp, phân khúc bình dân có thể tiếp tục là những nét vẽ chính của bức tranh BĐS 2023.

Lượt xem: 11
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan