Thứ ba, 20/05/2025 - 21:57

Từ nếp nương đến siêu thị: Hành trình Saigon Co.op đồng hành cùng nông sản vùng cao

Hệ thống Co.opmart trở thành điểm tựa tiêu thụ sản vật vùng cao, giúp nông sản miền núi hiện diện trong siêu thị hiện đại, đến gần hơn người tiêu dùng.

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Dung – Giám đốc Siêu thị Coop Mart Hà Đông xung quanh vấn đề này.

Từ nếp nương đến siêu thị: Hành trình Saigon Co.op đồng hành cùng nông sản vùng cao
Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Giám đốc Siêu thị Coop Mart Hà Đông

- Là hệ thống siêu thị thuần Việt gắn bó với người tiêu dùng trong nước suốt hơn 35 năm qua, Saigon Co.op nói chung và Co.op Mart Hà Đông nói riêng đã có những chương trình, mô hình gì nổi bật nhằm đồng hành cùng nông dân miền núi, bà con vùng đồng bào dân tộc trong việc đưa nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại?

Bà Nguyễn Thị Kim Dung: Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cùng với tinh thần “Bạn của mọi nhà”, Saigon Co.op nói chung và Co.opmart Hà Đông nói riêng không chỉ là cầu nối tiêu thụ, mà còn là người bạn đồng hành cùng nông dân miền núi, bà con vùng dân tộc thiểu số trên hành trình nâng tầm nông sản Việt. Chúng tôi hướng tới một chiến lược phát triển bền vững, luôn giữ được bản sắc của sản vật quê hương.

Theo đó, Saigon Co.op và Co.opmart Hà Nội luôn ủng hộ và sẵn sàng giao lưu hợp tác với các cơ sở sản xuất, ngành hàng nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ vốn, hướng dẫn, tư vấn cho các hợp tác xã, doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, tạo cơ hội và điều kiện phát triển cho các cơ sở sản xuất quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh. Các phòng ban liên quan của Co.opmart Hà Nội luôn sẵn sàng gặp gỡ, trực tiếp giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thủ tục cho các nhà cung cấp muốn đưa hàng vào hệ thống phân phối.

Trong suốt quá trình hợp tác, Co.opmart Hà Nội còn kiểm tra, khảo sát với các nhà cung cấp nhằm kịp thời tư vấn, nhắc nhở nhà cung cấp thực hiện các cải tiến trên quy trình sản xuất, chế biến, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng và mang tính ổn định. Siêu thị kiên quyết ngưng kinh doanh với những đơn vị không tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

Từ nếp nương đến siêu thị: Hành trình Saigon Co.op đồng hành cùng nông sản vùng cao
Nông sản vùng miền được bày bán tại hệ thống siêu thị Coopmart (Ảnh: Coopmart)

Co.opmart Hà Nội hiện có hơn 1.000 sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền đến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã toàn quốc gồm các mặt hàng trái cây, trứng gia cầm, mật ong, yến sào chưng đường phèn… Trong đó, sản phẩm đặc trưng miền núi, văn hóa vùng miền như: miến dong, cà phê, ca cao, chè… được khách hàng yêu thích

Bên cạnh việc đưa ra mức giá bình ổn, Co.opmart Hà Nội cũng dành riêng khu vực trưng bày cho các sản phẩm để người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy. Có thể thấy, đây là sự ưu tiên dành cho hàng hoá của bà con. Siêu thị luôn tạo điều kiện thuận lợi để sản vật địa phương khắp mọi miền tổ quốc tiếp cận rộng rãi đến người tiêu dùng.

Siêu thị cũng tổ chức nhiều hoạt động cho khách hàng có cơ hội trải nghiệm, dùng thử sản phẩm; thực hiện các chương trình quảng bá dành riêng cho hàng Việt, tổ chức các lễ hội cho hàng nông sản, bán giá vốn hỗ trợ đầu ra cho nông dân và tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua hàng chất lượng, giá rẻ.

- Việc tiêu thụ nông sản miền núi thường gặp khó khăn ở khâu vận chuyển, kiểm định chất lượng và duy trì được số lượng. Saigon Co.op đã có những giải pháp như thế nào để cùng với các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm khu vực miền núi, vùng dân tộc vượt qua những rào cản đó và vẫn giữ được chất lượng, bản sắc hàng Việt?

Bà Nguyễn Thị Kim Dung: Hiện nay, chúng tôi ký kết hợp đồng bao tiêu dài hạn với các hợp tác xã, hộ nông dân, gắn liền với các tiêu chuẩn kỹ thuật và hỗ trợ kỹ thuật từ bước đầu giúp bà con yên tâm sản xuất, chủ động đầu tư đầu vào.

Saigon Co.op có hệ thống logistics hiện đại, kho lạnh, bảo quản sản phẩm tươi sống, giúp nông sản từ miền núi vẫn giữ được chất lượng khi đến tay người tiêu dùng ở các thành phố lớn. Chúng tôi cũng hỗ trợ kiểm định và nâng cao chất lượng sản phẩm từ gốc. Trong suốt quá trình hợp tác, Co.opmart Hà Nội còn kiểm tra, khảo sát với các nhà cung cấp nhằm kịp thời tư vấn, nhắc nhở nhà cung cấp thực hiện các cải tiến trên quy trình sản xuất, chế biến, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng và mang tính ổn định. Siêu thị kiên quyết ngưng kinh doanh với những đơn vị không tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

Bản sắc hàng Việt không chỉ ở chất lượng, mà còn ở câu chuyện sản phẩm và giá trị văn hóa đằng sau, do đó Saigon Co.op cũng như Co.opmart Hà Đông thường xuyên tổ chức các Tuần lễ hàng OCOP, lễ hội tôn vinh hàng nông sản, quảng bá sản phẩm, văn hóa địa phương tại siêu thị cũng như các hoạt động trưng bày do địa phương tổ chức.

- Saigon Co.op có nhìn nhận gì về tiềm năng khai thác thị trường nông sản miền núi, vùng dân tộc trong dài hạn? Để những sản phẩm ấy không chỉ 'được bán' mà còn 'được yêu thích', doanh nghiệp có chiến lược gì về truyền thông, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm vùng cao?

Bà Nguyễn Thị Kim Dung: Nông sản vùng cao có giá trị độc bản cao: từ đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng đến giống bản địa, thói quen canh tác hữu cơ, thủ công… tạo nên những sản phẩm không nơi nào có được như chè shan tuyết cổ thụ, mật ong rừng, lúa nếp nương, mận hậu, hạt dổi, mắc ca, thảo quả, các loại rau quả ôn đới sạch... Những sản phẩm này có giá trị dinh dưỡng cao, ít hóa chất, mang đậm bản sắc, phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh, an toàn, có truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, tốc độ phát triển sản xuất hàng hóa ngày càng tăng nhờ vào chính sách phát triển kinh tế vùng, nhiều địa phương đã hình thành các hợp tác xã, vùng sản xuất quy mô lớn với sự hỗ trợ của công nghệ, chứng nhận VietGAP, OCOP, hữu cơ. Nguồn cung hiện còn phân tán, chưa bão hòa, nên đây là “vùng xanh” còn nhiều dư địa để đầu tư khai thác theo hướng bài bản, bền vững.

Để hỗ trợ sản phẩm về truyền thông, tại hệ thống siêu thị của Saigon Coop, nông sản Việt luôn được ưu tiên bày bán ở vị trí đẹp, đặc biệt là thời điểm thu hoạch rộ. Co.opmart Hà Nội cũng dành riêng khu vực trưng bày bắt mắt cho các sản phẩm để người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy. Siêu thị còn tổ chức nhiều hoạt động cho khách hàng có cơ hội trải nghiệm, dùng thử sản phẩm; thực hiện các chương trình quảng bá dành riêng cho hàng Việt, tổ chức các lễ hội cho hàng nông sản, bán giá vốn hỗ trợ đầu ra cho nông dân và tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua hàng chất lượng, giá rẻ.

Saigon Co.op thường xuyên cử bộ phận kỹ thuật và marketing hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất hoàn thiện: bao bì thân thiện, hiện đại, đúng chuẩn siêu thị, kiểm soát chất lượng... Mục tiêu không chỉ để “được lên kệ”, mà còn được mua lại, trở thành thương hiệu gắn bó lâu dài với người tiêu dùng.

Từ nếp nương đến siêu thị: Hành trình Saigon Co.op đồng hành cùng nông sản vùng cao
Mận hậu Sơn La được bày bán tại siêu thị Coopmart

- Từ trải nghiệm thực tế trong việc kết nối với nông dân, hợp tác xã ở vùng sâu vùng xa, đâu là mong muốn hoặc kiến nghị của Saigon Co.op để chính sách nhà nước, hệ sinh thái phân phối hỗ trợ tốt hơn cho hàng hóa miền núi vào siêu thị nội địa, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Kim Dung: Miền núi, vùng dân tộc là khu vực địa lý, dân cư và sản xuất rất riêng biệt, nên không thể áp dụng cơ học các chính sách chung cho đồng bằng hoặc đô thị. Do đó, cần có chính sách ưu tiên riêng cho sản phẩm nông sản vùng cao, hỗ trợ hạ tầng, logistics, chính sách thuế, tín dụng, hỗ trợ bao bì, nhãn mác cho doanh nghiệp…

Hiên nay, logistics là điểm nghẽn lớn nhất mà chúng tôi gặp khi làm việc với bà con vùng sâu vùng xa. Vì vậy, rất cần đầu tư kho trung chuyển, trạm bảo quản nông sản sau thu hoạch tại chỗ, giúp bà con sơ chế đúng chuẩn ngay tại địa phương.

Song song với đó, nhiều bà con và hợp tác xã còn lúng túng, thậm chí “bỏ cuộc” khi muốn đưa hàng vào siêu thị vì phải đối mặt với quá nhiều giấy tờ, quy định phức tạp. Cơ quan phụ trách nên hỗ trợ đào tạo miễn phí, cầm tay chỉ việc cho hợp tác xã. Đào tạo hợp tác xã, cán bộ trung gian có chuyên môn để kịp thời hỗ trợ bà con. Bên cạnh đó, hỗ trợ xúc tiến thương mại, truyền thông cho sản phẩm vùng miền, đưa các mặt hàng vùng cao lên vị thế “đặc sản quốc gia”.

Nhà nước cũng cần hỗ trợ địa phương xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm nông sản vùng cao, đưa du khách đến vùng nguyên liệu, thu hoạch, thưởng thức sản phẩm tại chỗ. Kết hợp với hệ thống siêu thị như Co.opmart tổ chức các chương trình quảng bá sản phẩm địa phương để tạo tăng tỉ lệ tiêu thụ.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, thời gian tới, cần thiết lập một hệ sinh thái chính sách linh hoạt, đồng bộ, sát thực tế, trong đó Nhà nước tạo điều kiện, tháo gỡ rào cản; Nông dân – hợp tác xã chủ động nâng chất lượng; Doanh nghiệp phân phối như Saigon Co.op làm đầu ra vững chắc. Khi ba bên cùng đi đúng hướng, nông sản miền núi sẽ không chỉ được thu mua mà có thể vươn thành thương hiệu mạnh, tự hào của người Việt ngay trên đất Việt.

Xin cảm ơn bà!

 
Lượt xem: 3
Tác giả: Phương Lan thực hiện
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật